Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại biểu Quốc hội nói về tình trạng 'loạn chứng chỉ' đối với công chức

10:10, 24/10/2019

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng có những cán bộ quản lý, lãnh đạo lớn tuổi nhưng theo quy định vẫn phải có những chứng chỉ ngoại ngữ, tin học... thực sự là những hình thức không cần thiết.

Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

 

 

Chia sẻ quan điểm bên lề kỳ họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng để nâng cao hiệu quả bộ máy Nhà nước, dự thảo Luật cần loại bỏ một số quy định mà người dân và cán bộ, công chức, viên chức đã phản ánh.

Dẫn ra ví dụ về tình trạng "loạn chứng chỉ," đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết trong thời gian qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về yêu cầu một số chứng chỉ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Muốn có những chứng chỉ này để đáp ứng đúng quy định của các cấp có thẩm quyền thì công chức, viên chức phải học và thi. Tuy nhiên, có những trường hợp thi, tổ chức học là thật nhưng cũng có những trường hợp thi, tổ chức học là chưa thật. Rồi bằng nhiều cách vận dụng, trong đó có cả bằng tiền, để họ có những chứng chỉ này.

Cho rằng quy định liên ngành về chuẩn nghề nghiệp, chức danh đều phải bổ sung nhiều loại chứng chỉ như vậy chỉ hợp lý với từng chuyên môn, ngành nghề, lĩnh vực, từng đối tượng và từng ngạch, đại biểu Phạm Văn Hòa thẳng thắn chỉ ra nếu quy định như vậy thì đây không khác nào "giấy phép con" ràng buộc gây khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức được thi tuyển hay chuyển ngạch.

"Đây là vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải thật thấu đáo xem xét để không làm phiền và gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước, gây tốn kém cho cá nhân những công chức, viên chức," đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Nêu thực tế cho thấy những chứng chỉ như ngoại ngữ, tin học văn phòng sau khi học mà không rèn luyện, ôn tập, sử dụng thường xuyên sẽ "quên hết," đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết có những cán bộ quản lý, lãnh đạo lớn tuổi nhưng theo quy định vẫn phải có những chứng chỉ này, đó thực sự là những hình thức không cần thiết.

“Chúng ta có cần thiết, nhất thiết phải có hay không những chứng chỉ như vậy cho tất cả công chức, viên chức. Tôi cho rằng phải xem xét lại giấy phép con đó cho phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực, từng chuyên môn," đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Bày tỏ tin tưởng Quốc hội khi thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ loại bỏ những quy định mà người dân và cán bộ, công chức, viên chức đã phản ánh, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ví dụ khi thi tuyển công chức, viên chức mới thì thí sinh đương nhiên phải có bằng tốt nghiệp đại học, bằng ngoại ngữ, bằng tin học văn phòng mà những bằng đó sinh viên tốt nghiệp đại học đều đã có nên không cần thiết lại phải quy định có chứng chỉ này.

"Mặt khác, quy định sau 2 năm, 3 năm những chứng chỉ này không còn giá trị bắt buộc phải học lại, thi lại sẽ gây khó khăn cho cán bộ, công chức và tốn kém cho ngân sách, cho cá nhân thí sinh," đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Chia sẻ quan điểm về tuyển dụng người có tài năng không nhất thiết phải tuyển chọn những tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng người có tài năng sẽ thể hiện bằng khả năng, trình độ trong quá trình thực tiễn làm việc cụ thể có chất lượng, có trách nhiệm, có hiệu quả và có những sáng kiến, sáng tạo được các cấp thẩm quyền công nhận, tin tưởng và trong quan hệ mật thiết với người dân, với đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp. Do vậy, phải xem xét cán bộ, công chức, viên chức trên góc độ năng lực, đạo đức, hiệu quả công việc, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm. Tuyển dụng được những người đáp ứng các tiêu chí đó mới quan trọng.

“Đấy mới là nhân tài, chứ không phải chỉ là dựa trên học hàm, học vị," đại biểu Phạm Văn Hòa khẳng định.

Chia sẻ quan điểm về tuyển chọn và sử dụng người tài, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh), Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng cần có cơ chế, chính sách phù hợp trong sử dụng người tài và công khai, minh bạch.

Theo đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, xung quanh chúng ta có rất nhiều nhân tài nhưng phải làm sao lựa chọn cho đúng, bố trí cho phù hợp với sở trường của từng người để họ phát huy tốt nhất năng lực của bản thân.

Thực tế hiện nay cho thấy nhiều nhân tài người Việt Nam không muốn làm trong công ty nước ngoài, cũng không muốn ra nước ngoài làm việc, nhưng do cơ chế, chính sách sử dụng trong nước chưa làm cho họ cảm thấy được trọng dụng, nên những người có tài năng thực sự chưa hào hứng làm việc trong bộ máy nhà nước.

Theo đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, cơ chế hiện tại còn bất cập, chưa tạo thuận lợi cho việc bố trí vị trí việc làm phù hợp với năng lực thực sự, bởi nhiều khi việc sử dụng lao động chưa dựa trên cơ sở chuyên môn mà người đó được đào tạo. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có đề xuất sửa đổi Điều 6 của Luật Cán bộ, công chức nhưng cũng chưa làm rõ được khâu sử dụng và tuyển dụng như thế nào.

"Các quốc gia trên thế giới phân loại rất rõ, thực hiện một cách minh bạch, công khai để mọi người kiểm soát được. Điều này chúng ta cần nghiên cứu, học tập," đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai đề xuất./.

Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều