Năm nay, tròn 70 năm Bác Hồ viết bài báo Dân vận, đăng trên Báo Sự thật, số ra ngày 15-10-1949, với bút danh X.Y.Z. Bài báo rất ngắn, tròn 620 chữ, kể cả tựa bài và tên tác giả. Thế nhưng, đó là sự đúc kết những tư tưởng chính trị, văn hóa quan trọng bậc nhất của Hồ Chí Minh về Nhân dân, thể chế, đội ngũ cầm quyền… của một đất nước.
Năm nay, tròn 70 năm Bác Hồ viết bài báo Dân vận, đăng trên Báo Sự thật, số ra ngày 15-10-1949, với bút danh X.Y.Z. Bài báo rất ngắn, tròn 620 chữ, kể cả tựa bài và tên tác giả. Thế nhưng, đó là sự đúc kết những tư tưởng chính trị, văn hóa quan trọng bậc nhất của Hồ Chí Minh về Nhân dân, thể chế, đội ngũ cầm quyền… của một đất nước.
Bài báo Dân vận đăng trên báo Sự thật, số 120 (Ảnh tư liệu) |
Vì thế, cách đây 10 năm, đồng chí Tổng bí thư Lê Khả Phiêu có nói mình ngồi học lại bài Dân vận. Sau đó, Bộ Chính trị đã quyết định lấy ngày 15-10 hằng năm làm Ngày Dân vận cả nước. Điều này chứng tỏ bài báo Dân vận không hề có giá trị nhất thời mà thực sự là kim chỉ nam về công tác Dân vận của Đảng. Và, việc quán triệt (học) để thực hành tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận hẳn không chỉ một lần.
* “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”
Nói bài báo Dân vận là sự đúc kết tư tưởng chính trị, văn hóa quan trọng bậc nhất của Bác Hồ bởi trước đó những tư tưởng ấy Người đã từng nói đến và về sau lại nhắc đi, nhắc lại tùy vào mỗi hoàn cảnh cụ thể. Trước hết, đó là tư tưởng về nhân dân. Trải qua hàng ngàn năm, đến thời Xuân Thu mới có quan niệm: Đắc nhân tâm, đắc thiên hạ (Khổng Tử, Được lòng dân thì được thiên hạ) hay: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Mạnh Tử: Dân là quý hơn hết, xã tắc thứ hai, vua là thường). Hơn hai ngàn năm sau, đấy vẫn là tư tưởng tiến bộ, giàu tính nhân văn, dù dân ở đây chỉ là những người trong giới quý tộc và bình dân.
Tiếp thu tinh hoa nhân loại và truyền thống dân tộc, Hồ Chí Minh có một quan niệm rộng mở và sâu sắc hơn về Dân. Đối với Người, Dân là Nhân dân, Dân chúng, Quần chúng… và đặc biệt là đồng bào, là toàn dân tộc, là quốc dân. Nói chuyện cùng đồng bào trước khi sang Pháp, ngày 31-5-1946, Hồ Chí Minh tỏ lòng: Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân… Đối với Người, suốt đời chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành (Trả lời các nhà báo nước ngoài, ngày 21-1-1946).
Nhân dân đối với Bác Hồ là toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo, chỉ trừ những kẻ phản bội lại Tổ quốc, chống lại đất nước. Chính đây là cơ sở tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh và Đảng ta từ bấy đến nay. Bởi vậy, không ít lần Bác căn dặn cán bộ, đảng viên phải đi tìm cái chung, cái đồng nhất giữa các cá nhân, cộng đồng để cố kết: Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta... đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc.
Nói chuyện với Lớp nghiên cứu chính trị khóa II, Trường đại học nhân dân Việt Nam, ngày 8-12-1956, Hồ Chủ tịch mượn hai chữ trong Tam tự kinh, cuốn sách vỡ lòng ngày xưa để giảng giải rằng: Nhân là nhân dân. Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.
* “Không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân”
Cũng tại Lớp nghiên cứu chính trị khóa II, Bác Hồ còn giảng giải: Thiện là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân. Người đi làm cán bộ, đảng lãnh đạo cách mạng, nhà nước quản lý xã hội, với Bác Hồ, chỉ là để phụng sự nhân dân, đất nước. Bác giãi bày với các nhà báo nước ngoài: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn phú quý chút nào. Bây giờ gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui…”. Còn Bác, sau khi hoàn thành được ước nguyện với dân, với nước, sẽ làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi. Đó là cốt cách của những bậc hiền nhân như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… trong lịch sử dân tộc ta.
Chính vì làm cách mạng là để phụng sự dân, phụng sự dân tộc, Bác Hồ chủ trương: Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân. Ở nước ta, chính quyền là của Nhân dân, do Nhân dân làm chủ… Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Bác còn nói: Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của Nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của Nhân dân.
Ở nước ta, Đảng Cộng sản là đảng duy nhất cầm quyền. Người vào Đảng phần nhiều trở thành cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Trong số đó, đương nhiên có những đảng viên là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, theo từ ngữ ngày xưa là “quan”. Thế nhưng, trước ngày viết bài báo Dân vận đúng hai năm (tháng 10-1947), trong cuốn sách Sửa đổi lối làm việc, cũng với bút danh X.Y.Z, Bác Hồ đã nêu tư tưởng của mình về đảng chân chính cách mạng: Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Đầu năm 1949, phát biểu bế mạc lớp cán bộ cao cấp của Đảng lần thứ sáu, Hồ Chủ tịch có nêu những việc cho rằng “khẩn yếu”. Trong đó, Người đặc biệt lưu ý: Trước mặt quần chúng, không phải cứ viết dán lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Sau này, trước ngày đi xa, trong Di chúc, Bác lại căn dặn: Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Hồ Chí Minh đã đặt địa vị của dân vào vị trí cao nhất trong một nước dân chủ. Thế nào là một nước dân chủ? Bác cô đọng tư tưởng dân chủ của mình chỉ trong bảy câu đầu của bài báo Dân vận:
“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Đây thực sự là tư tưởng dân chủ nhân dân. Trong hoàn cảnh lịch sử - cụ thể ở đất nước ta, nội hàm của nó rộng hơn rất nhiều so với câu nói của một danh nhân trước đó: …Một chính phủ của dân, do dân, vì dân sẽ không bao giờ lụi tàn khỏi trái đất này (Goverment of the people, by the people, for the people shall not perish from the Earth). Vì sao như vậy? Bởi với Hồ Chí Minh, đó luôn là tâm nguyện, là giấc mơ, là ham muốn tột bậc và vì nó mà Người đã hy sinh tất cả những gì thuộc về bản thân mình!
Bùi Quang Huy