Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung chăm lo cho người lao động

09:08, 26/08/2019

Những tháng cuối năm 2019, các cấp Công đoàn trong tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng vẫn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động...

Những tháng cuối năm 2019, các cấp Công đoàn trong tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng vẫn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Đặc biệt chú ý đến tình hình lương, thưởng tết, hạn chế thấp nhất tình trạng ngừng việc tập thể, ảnh hưởng đến mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng đến tận Công ty TNHH Dona Standard (huyện Xuân Lộc) thăm hỏi, tặng quà cho công nhân lao động khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng đến tận Công ty TNHH Dona Standard (huyện Xuân Lộc) thăm hỏi, tặng quà cho công nhân lao động khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, phát huy những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019, các cấp Công đoàn trong tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, lấy người lao động làm trung tâm.

* Hàng trăm ngàn lượt công nhân lao động được quan tâm

Báo cáo tại hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh lần thứ 4 khóa X (nhiệm kỳ 2018-2023) mới đây, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Nông Văn Dũng cho biết, thời gian qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã có nhiều chương trình, hoạt động chăm lo cho người lao động. Nổi bật là các hoạt động nhân dịp Tết Nguyên đán 2019, Tháng Công nhân và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

Nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tham gia các đoàn công tác của tỉnh để kiểm tra, hỗ trợ 55 doanh nghiệp có đông công nhân lao động để thực hiện tốt các quy định về pháp luật lao động, Công đoàn, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, điều chỉnh lương, thưởng cho người lao động.

Từ đầu năm đến nay, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã giới thiệu hơn 2,3 ngàn đoàn viên ưu tú cho các cấp ủy Đảng xem xét. Qua đó có 823 đoàn viên xuất sắc được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Qua giám sát, nắm tình hình tại các doanh nghiệp trong tỉnh cho thấy có 296 doanh nghiệp thực hiện bữa ăn ca mức 15 ngàn đồng/người/bữa ăn, 693 doanh nghiệp thực hiện bữa ăn ca trên 15 ngàn đồng/người/ bữa ăn.

Công tác ký kết thỏa ước lao động tập thể giữa chủ doanh nghiệp và người lao động được các Công đoàn cơ sở đặc biệt quan tâm. Có 36 bản thỏa ước lao động tập thể được ký lần đầu và 148 bản được ký bổ sung, nâng tổng số các bản thỏa ước lao động tập thể toàn tỉnh lên hơn 1,1 ngàn bản, đạt 75,9%, cao hơn 0,4% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều nội dung trong các bản thỏa ước lao động tập thể đều hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Có nhiều doanh nghiệp còn chấp nhận ưu đãi, hỗ trợ thêm cho người lao động ngoài những quyền lợi mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.

Hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho đoàn viên, người lao động cũng được chú trọng. Cụ thể, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh đã hỗ trợ pháp lý cho 212 trường hợp, hỗ trợ pháp lý và bảo vệ tại tòa án cho 4 công nhân khởi kiện các công ty về tiền lương, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Kết quả, các công ty phải bồi thường cho 4 công nhân với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, trung tâm cũng tư vấn trực tiếp, gián tiếp cho hơn 3 ngàn trường hợp khác với các nội dung về tiền lương, hợp đồng lao động, tai nạn lao động, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc.

* Hạn chế thấp nhất ngừng việc tập thể

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ đình công với hơn 8,3 ngàn lao động/hơn 12,7 ngàn công nhân lao động tham gia, tập trung ở các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và TP.Biên Hòa. Đáng lưu ý, tất cả các vụ đình công đều xảy ra ở những doanh nghiệp đã có Công đoàn cơ sở. Số vụ đình công giảm (7 vụ) so với cùng kỳ năm ngoái nhưng có những vụ kéo dài từ 7-9 ngày, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và việc làm của người lao động.

Nguyên nhân dẫn đến đình công chủ yếu vẫn là do vấn đề tiền lương. Thời điểm xảy ra đình công nhiều nhất là khi Nghị định của Chính phủ về điều chỉnh tiền lương có hiệu lực và các doanh nghiệp thông báo tiền thưởng Tết Nguyên đán, nâng lương định kỳ hằng năm cho người lao động. Ngoài việc chậm thực hiện điều chỉnh lương thì khi điều chỉnh, bằng nhiều cách khác nhau (như: cắt các khoản phụ cấp, không thực hiện theo thang bảng lương hoặc chỉ điều chỉnh tăng lương cho những lao động có mức lương thấp hơn mức quy định của Chính phủ…) các doanh nghiệp để xảy ra đình công tìm cách lách luật nhằm giảm gánh nặng về tiền lương, tiền đóng bảo hiểm cho người lao động khiến người lao động bức xúc.

Địa bàn xảy ra nhiều vụ đình công nhất với 9 vụ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nhơn Trạch Lê Văn Vang cho hay, thời gian tới Liên đoàn Lao động huyện sẽ chỉ đạo các Công đoàn cơ sở kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để giải quyết ổn thỏa, không để xảy ra bức xúc dẫn đến đình công nhiều như thời gian qua. Trong những tháng cuối năm, Liên đoàn Lao động huyện cũng sẽ làm việc với 5 doanh nghiệp lớn trên địa bàn để tiến hành xây dựng 15-20 căn nhà Mái ấm Công đoàn trao tặng cho những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Để hạn chế tình trạng đình công trong những tháng cuối năm, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý lưu ý các Công đoàn cơ sở phải luôn bám sát tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền giúp người lao động hiểu rõ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động với những nội dung dễ phát sinh tranh chấp lao động như: tiền lương, làm thêm giờ, phúc lợi, bữa ăn ca, đóng - hưởng bảo hiểm xã hội... Đặc biệt tập trung những địa bàn có nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều