Tháng 8-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ có vỏn vẹn 5 ngàn đảng viên nhưng đã lãnh đạo nhân dân làm nên một cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc,...
Tháng 8-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ có vỏn vẹn 5 ngàn đảng viên, rất nhiều trong số những đồng chí này còn bị giam cầm trong nhà tù của đế quốc, thực dân. 5 ngàn đảng viên đã lãnh đạo nhân dân làm nên một cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, kết thúc hơn 80 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam.
Những ngày tháng Tám năm 1945 sôi sục ở thủ đô Hà Nội. Ảnh: TL |
Viết về sự kiện này, nhà cách mạng lão thành Nguyễn Văn Nguyễn đã xúc cảm: “Giữa cảnh trời lộng mây, làn sóng người cuồn cuộn chảy vào đô thị, chiến tranh vừa kết thúc, nhơn loại thở một hơi dài, người nô lệ đi ra đường, cỏ cây, đất nước cùng được giải phóng. Một tác phẩm xuất hiện. Không phải công trình của anh hùng vô vi cô độc. Tác phẩm của nhân dân, được làm bằng máu thịt của nhân dân, anh hùng là nhân dân: ấy là Cách mạng tháng Tám”.
Ngay từ Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Hội nghị thành lập Đảng năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định lực lượng chính của các cuộc cách mạng là toàn thể nhân dân Việt Nam. Đây là chủ trương xuyên suốt của lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng, nhất là chủ trương này đã phát huy mạnh mẽ và cao độ trong Cách mạng tháng Tám.
Thành công nhanh chóng và triệt để của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại chỉ có thể là lòng yêu nước thiết tha, cháy bỏng của người dân Việt Nam khi ấy và sức mạnh vĩ đại của dân tộc đã được Đảng Cộng sản Đông Dương khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. |
Trước khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, đã diễn ra nhiều cuộc tập dượt sức mạnh vĩ đại của dân tộc từ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, phong trào Dân chủ 1936-1939, cao trào cách mạng 1939-1945. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tháng 5-1941 đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh để quy tụ tất cả các giới đồng bào có chung mục đích cao nhất là đánh đuổi thực dân và đế quốc giành độc lập cho dân tộc.
Ngay khi lệnh tổng khởi nghĩa được ban ra từ căn cứ Việt Bắc đã trở thành lời hiệu triệu lôi cuốn tất cả các tầng lớp nhân dân không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng, tôn giáo... cùng nhau đứng lên đấu tranh bằng mọi cách thức, mọi vũ khí nhằm giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chỉ chưa đầy 1 tuần sau thắng lợi của cách mạng ở Hà Nội thì ngày 25-8, Cách mạng Tháng Tám đã thành công ở Sài Gòn. Thành trì mấy chục năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và sau này của cả phát xít đã tiêu tan.
Thắng lợi nhanh chóng này chỉ có thể có bằng sự lãnh đạo với đường lối đúng đắn của Đảng nên đã phát huy được sức mạnh vĩ đại của các tầng lớp nhân dân. Có một điều kỳ lạ diễn ra trong Cách mạng tháng Tám là nhiều quan lại cao cấp của chính quyền phong kiến, thực dân, nhiều nhà tư sản nổi tiếng, nhiều trí thức tên tuổi đã đi theo tiếng gọi của nhân dân, của đất nước để cùng hòa mình trong dòng thác vĩ đại sục sôi này của dân tộc.
Cuộc giành chính quyền ở Hà Nội sở dĩ thành công nhanh chóng cũng có công lao đóng góp quan trọng của vị Khâm sai Bắc Bộ Chính phủ Trần Trọng Kim là cụ Phan Kế Toại. Ngay trước khi cách mạng diễn ra, vị Khâm sai yêu nước này đã ra lệnh đóng cửa Phủ Bắc Bộ để giao quyền cho Việt Minh. Rất nhiều trí thức nổi tiếng là thành viên Chính phủ Trần Trọng Kim sau này đều đi theo cách mạng hoặc có những đóng góp bằng cách này hay cách khác cho cách mạng như: Trịnh Đình Thảo, Phan Anh, Phan Kế Toại...
Nhiều quan lại của Nam Triều, tức chính quyền phong kiến của nhà vua Bảo Đại cũng đi theo cách mạng như: Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe, Đặng Văn Hướng. Nhiều nhà tư sản nổi tiếng không những đi theo cách mạng mà còn đóng góp phần lớn tài sản cho cách mạng như các gia đình ông Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh; đại điền chủ Nam bộ Cao Triều Phát, Giáo chủ Nguyễn Ngọc Tương, Huỳnh Thiện Lộc...
74 năm đã trôi qua, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mà Cách mạng tháng Tám để lại vẫn luôn nóng hổi.
Vũ Trung Kiên