Khoảng hơn 2 tháng nay, trong bữa ăn của các cán bộ, chiến sĩ tại Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7) có thêm món ăn từ nấm khá ngon miệng. Đây chính là nguồn thực phẩm sạch thu được từ mô hình trồng nấm tăng gia sản xuất của 2 quân nhân chuyên nghiệp của đơn vị.
Khoảng hơn 2 tháng nay, trong bữa ăn của các cán bộ, chiến sĩ tại Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7) có thêm món ăn từ nấm khá ngon miệng. Đây chính là nguồn thực phẩm sạch thu được từ mô hình trồng nấm tăng gia sản xuất của 2 quân nhân chuyên nghiệp của đơn vị.
Trung úy Nguyễn Văn Xuân (trái) giới thiệu cho cán bộ đơn vị bạn đến tham quan mô hình trồng nấm của Lữ đoàn Công binh 25. Ảnh: Đ.Tùng |
Kỹ thuật trồng nấm được Trung úy Nguyễn Văn Xuân và Trung úy Huỳnh Văn Kình (làm nhiệm vụ lái máy ủi thuộc Tiểu đoàn Vượt sông 741, Lữ đoàn Công binh 25) nghiên cứu, mày mò, học hỏi trên internet.
* Chủ động tạo nguồn thực phẩm sạch cho đơn vị
Thượng tá Triệu Minh Cử, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Công binh 25 cho rằng, mô hình trồng nấm của Trung úy Nguyễn Văn Xuân và Trung úy Huỳnh Văn Kình đã thể hiện sự sáng tạo, vượt khó của người lính công binh, góp phần cải thiện bữa ăn giúp cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe tốt hơn để học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu. |
Lữ đoàn Công binh 25 đóng quân ngay tại TP.Biên Hòa, gần đường Đồng Khởi nên diện tích đất tăng gia sản xuất không nhiều. Ngoài ra, vào mùa mưa các loại rau trồng khó phát triển do thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài gây ngập úng, sâu bệnh dễ phát sinh, nhất là đối với nhóm rau ăn lá... Vì vậy, để tăng gia sản xuất đạt hiệu quả là bài toán khó với nhiều đơn vị, nhất là với đơn vị công binh hay đi công trình xa liên tục.
Trước khó khăn trên, 2 quân nhân này đã tìm tòi nhiều cách và nghĩ ra việc trồng nấm ngay khi mùa mưa đến vì vào mùa mưa nấm dễ phát triển. Nghĩ là làm, họ đã báo cáo chỉ huy và được ủng hộ. Hai quân nhân tìm tòi cách trồng nấm trên các website về nông nghiệp và tự bỏ tiền túi hơn 3 triệu đồng để mua phôi nấm.
Trung úy Xuân cho biết: “Được đơn vị cho mượn một mảnh đất dựng nhà nấm, chúng tôi đã dùng các cây gỗ đóng thành giàn để không tốn nhiều diện tích. Ngoài học hỏi trên mạng, chúng tôi còn học từ chính nơi cung cấp phôi nấm cách ngừa bệnh cho nấm, vệ sinh trại sau mỗi đợt thu hoạch. Ban đầu chúng tôi trồng thử 1 ngàn bịch nấm bào ngư. Khi trời nắng, chúng tôi tưới nước lên mái tôn, sàn nhà để giữ ẩm, mưa lớn thì che chắn lại. Như vậy, cứ sau giờ làm việc, 2 anh em lại loay hoay trong nhà nấm với mong muốn sẽ có năng suất thu hoạch cao”.
* Phát huy cách làm hay
Sau hơn 1 tháng, lứa nấm đầu tiên đã thu hoạch tổng cộng 70kg/1 ngàn bịch. Số nấm này ngoài dùng để bổ sung thức ăn cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, còn dư đem bỏ mối cho bếp ăn các đơn vị bạn với giá 35-40 ngàn đồng/kg. Tiền thu về xoay vòng làm quỹ, tăng thêm chất lượng bữa ăn cho chiến sĩ của đơn vị.
Thượng tá Triệu Minh Cử, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Công binh 25 (giữa) giới thiệu cho cán bộ đơn vị bạn đến tham quan mô hình trồng nấm của Lữ đoàn |
Nhận thấy mô hình này có hiệu quả cao nên Trung úy Nguyễn Văn Xuân và Trung úy Huỳnh Văn Kình đã xin ý kiến lãnh đạo đơn vị cho mượn một căn nhà cũ, bỏ không của đơn vị để mở rộng diện tích trồng nấm. Cuối tháng 6 vừa qua, 2 anh đã đặt thêm 7 ngàn bịch nấm nữa để trồng với mục tiêu trước mắt là phục vụ cho đơn vị, nếu có điều kiện có thể xuất ra ngoài.
Trung úy Kình chia sẻ, trồng nấm quy mô lớn dễ gặp nhiều loại bệnh về nấm hơn nên các anh đã tranh thủ ngày nghỉ đi tìm tòi thêm tại một số trại nấm ở các huyện gần TP.Biên Hòa. Từ đó phát hiện ra các thiếu sót khi trồng lứa nấm đầu tiên để rút kinh nghiệm cho đợt trồng nấm lần sau như: cách chăm sóc, phòng bệnh, làm giàn... Nếu như mô hình này phát triển tốt, hiệu quả cao sẽ góp phần tạo ra nguồn thực phẩm sạch để thường xuyên đa dạng bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Đăng Tùng