Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng đội ngũ cán bộ Tuyên giáo đáp ứng yêu cầu mới

09:07, 31/07/2019

Ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đã cho xuất bản tài liệu Ngày quốc tế đỏ 1-8, kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình...

Ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đã cho xuất bản tài liệu Ngày quốc tế đỏ 1-8, kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết. Ngay sau khi tài liệu được xuất bản, hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân ta chống chiến tranh đế quốc đã nổ ra. Với ý nghĩa đặc biệt này, Đảng ta đã quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm là ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng.

Đồng chí Thái Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, nỗ lực của công tác Tuyên giáo là xây dựng niềm tin, trước hết là niềm tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của chủ nghĩa xã hội; vào Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận và sự lãnh đạo của Đảng, vào Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gặp gỡ, tiếp xúc cử tri huyện Nhơn Trạch vào tháng 5-2019. Ảnh: P.HẰNG

Trong mọi thời kỳ cách mạng, công tác Tuyên giáo luôn được xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của công tác xây dựng Đảng nhằm tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Công tác Tuyên giáo luôn đi trước, đi cùng và đi sau nhằm động viên phong trào quần chúng tin tưởng một lòng theo Đảng, thực hiện thắng lợi các cuộc cách mạng, giành độc lập tự do cho dân tộc.

* Tích cực tuyên truyền, cổ động

Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh cho biết, ở Đồng Nai, đội ngũ cán bộ Tuyên giáo được hình thành từ rất sớm. Trong giai đoạn 1930-1945, dù tổ chức bộ máy Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chưa được thành lập nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, mọi đảng viên, quần chúng đều tham gia thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng. Các đảng viên đã tận dụng mọi cơ hội, hình thức để tuyên truyền về lý tưởng cộng sản; vận động quần chúng nhân dân đấu tranh giành thắng lợi.

Đồng chí Thái Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, nỗ lực của công tác Tuyên giáo là xây dựng niềm tin, trước hết là niềm tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của chủ nghĩa xã hội; vào Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận và sự lãnh đạo của Đảng, vào Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Giai đoạn 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, lúc này Ban Tuyên giáo các cấp đã được thành lập, vừa là cơ quan tham mưu, vừa chỉ đạo trực tiếp công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh, đồng thời tập trung tuyên truyền, huấn luyện và đào tạo cán bộ.

Bước sang thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), công tác Tuyên giáo tập trung vào tuyên truyền đấu tranh chính trị đòi địch thi hành Hiệp định Genèvơ, chống chính sách tố cộng, vận động quân và dân ta thực hiện đường lối và phương pháp cách mạng trong giai đoạn mới; khắc phục khó khăn sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, Kỷ Dậu năm 1969; đánh địch vi phạm Hiệp định Paris (năm 1973), tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

Nhớ lại những hoạt động của công tác Tuyên giáo trong thời kỳ chiến tranh, đồng chí Trần Minh Thấu, nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh cho biết, tất cả cán bộ, đảng viên phải tuân thủ nguyên tắc bí mật. Những lúc học tập phải cố gắng nghe và cố nhớ, tuyệt đối không ghi chép. Việc truyền đạt vấn đề cho người khác chỉ bằng miệng, bằng trí nhớ của mình để cán bộ lỡ có lọt vào tay địch thì địch không có được tài liệu của ta.

Cán bộ Tuyên huấn phải kiêm cả công tác tổ chức và ai cũng phải thuộc “5 bước công tác cách mạng” (điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh) để hướng dẫn cho cán bộ bên dưới, nhất là cán bộ cơ sở, nắm chắc và thực hiện một cách chặt chẽ, bài bản các bước vận động cách mạng trong quần chúng.

Đồng thời lúc này, mỗi đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động (Thanh Lao), phải xây dựng cho mình một hệ thống bí mật gồm: nòng cốt, tích cực và cảm tình. Đây là một hệ thống xâu chuỗi như các rẻ quạt. Do đó trước những âm mưu xảo quyệt của kẻ thù, các hệ thống bí mật này vẫn rỉ tai hằng ngày cho nhau về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền vận động nhân dân quyết tâm kháng chiến, vượt qua gian khổ ác liệt để đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Trong bối cảnh hiện nay, ngành Tuyên giáo rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc tăng cường chỉ đạo giải quyết tốt những vấn đề bức xúc, vụ việc phức tạp kéo dài, liên quan tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Sau ngày đất nước giải phóng, công tác Tuyên giáo tập trung vào việc tuyên truyền ý nghĩa của sự kiện giải phóng miền Nam, chính sách 10 điểm của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Công tác Tuyên giáo cũng chú trọng các nội dung giáo dục phẩm chất cho cán bộ, đảng viên thông qua việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, giúp cán bộ, đảng viên thấy rõ nhiệm vụ cách mạng…

* Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Đồng Nai đang phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Phát biểu tại hội nghị giao ban công tác Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy miền Đông Nam bộ do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Đồng Nai năm 2018, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, những kết quả mà Đồng Nai đạt được trong thời gian qua có vai trò của Ban Tuyên giáo, đội ngũ cán bộ Tuyên giáo các cấp và các binh chủng trong ngành Tuyên giáo tỉnh nhà. Lực lượng này đã góp phần củng cố sự thống nhất tư tưởng, chính trị trong Đảng, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, tiếp tục củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gặp gỡ cán bộ Tuyên huấn Biên Hòa- Bà Rịa- Long Khánh trong lần họp mặt truyền thống năm 2018 tại Đồng Nai
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gặp gỡ cán bộ Tuyên huấn Biên Hòa- Bà Rịa- Long Khánh trong lần họp mặt truyền thống năm 2018 tại Đồng Nai

Trong tình hình hiện nay, công tác tư tưởng, công tác Tuyên giáo phải được xác định là một lĩnh vực khoa học, nghệ thuật.

Theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo các cấp, các lực lượng trong ngành Tuyên giáo cần tiếp tục tìm tòi, đổi mới nội dung, phương thức công tác theo hướng bám sát thực tiễn cuộc sống của nhân dân; chủ động thông tin, tăng cường đối thoại, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực; phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng làm công tác Tuyên giáo. Xây dựng đội ngũ cán bộ Tuyên giáo các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, kiến thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay. Đồng thời phải hiện đại hóa các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho các hoạt động của ngành Tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu nhanh nhạy, kịp thời.

Thường xuyên đối thoại để dân bớt bức xúc

Mỗi lần về tiếp xúc cử tri tại Đồng Nai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đều nhắc nhở lãnh đạo các địa phương, sở, ngành khi đi dự tiếp xúc cử tri, được nghe dân nói, dân phản ảnh phải có trách nhiệm giải quyết ý kiến cho dân chứ không phải nghe xong rồi để đó. Có những chuyện cán bộ làm sai, phải nghiêm khắc sửa, đừng để vì đụng người này, người kia mà không giải quyết. Lãnh đạo các địa phương phải tăng cường đối thoại nhiều hơn nữa với người dân, giải quyết các vấn đề vướng mắc cho dân, để những vấn đề nêu ra lần trước, đến lần sau đã được giải quyết, tránh để người dân cứ phải kiến nghị đi kiến nghị lại nhiều lần. Như vậy mỗi lần gặp dân, dân vui hơn vì những bức xúc của dân đã được giải quyết. Từ đó tạo đồng thuận trong nhân dân…

Phương Hằng

Tin xem nhiều