Cách đây tròn 60 năm, trận tấn công đoàn cố vấn quân sự Mỹ tại Nhà Xanh đã làm rúng động cả hệ thống chính quyền Mỹ và tay sai lúc đó...
Cách đây tròn 60 năm, ngày 7-7-1959, trận tấn công đoàn cố vấn quân sự Mỹ tại Nhà Xanh không chỉ ghi dấu vào lịch sử dân tộc là trận đầu diệt Mỹ trên chiến trường miền Nam, mở đầu cho những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà còn làm rúng động cả hệ thống chính quyền Mỹ và tay sai thời bấy giờ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp nghe báo cáo phương án trùng tu, tôn tạo di tích Nhà Xanh vào ngày 18-10-2018 |
Là địa chỉ đỏ mang tầm vóc quốc gia và có tiếng vang quốc tế, di tích Nhà Xanh (tọa lạc trong khuôn viên Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai, phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa) đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1986.
* Trận đánh Mỹ đầu tiên ở miền Nam
Trận tấn công vào đoàn cố vấn quân sự Mỹ thể hiện ý chí cách mạng táo bạo, quả cảm của quân dân Biên Hòa - Đồng Nai khi thời gian diễn ra trận tấn công là vào lúc 19 giờ ngày 7-7-1959, khi chính quyền Sài Gòn tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 5 năm Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về miền Nam làm thủ tướng bù nhìn.
Sáng ngày 6-7, tại di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà Xanh, UBND TP.Biên Hòa tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm trận tấn công vào đoàn cố vấn quân sự Mỹ - Trận đầu diệt Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam (7-7-1959 - 7-7-2019) với nhiều hoạt động như: ôn lại trận tấn công vào đoàn cố vấn quân sự Mỹ, gặp gỡ nhân chứng lịch sử và thế hệ trẻ, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm hình ảnh và hiện vật... |
Đặc biệt, trận tấn công diễn ra ngay tại sào huyệt của đoàn cố vấn quân sự Mỹ (MAAG), biệt thự Nhà Xanh, cư xá đoàn cố vấn quân sự Mỹ, được địch đánh giá là địa điểm an toàn, lý tưởng.
Nơi đây luôn nằm trong thế bảo vệ nghiêm ngặt, phía Đông cách 5km là trại lính Trần Quốc Toản; phía Bắc và Tây Bắc cách 1km là Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 và Sân bay quân sự Biên Hòa; phía Tây cách hơn 1km là Ty Cảnh sát, Tòa hành chính tỉnh, bót cầu Rạch Cát; phía Nam là xóm Gò Me và sông Đồng Nai.
Nhà Xanh có 2 cổng sắt lớn, lính bảo an thay nhau canh gác liên tục. Bên phải cổng, địch bố trí kho súng, kế cận những lớp hàng rào bảo vệ phía Tây là trại lính gia binh của đơn vị lính bảo vệ...
Nói về bối cảnh diễn ra cuộc tập kích đánh vào sào huyệt cố vấn Mỹ tại Nhà Xanh, ThS.Trần Quang Toại, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đồng Nai, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai cho biết, sau Hiệp định Genève năm 1954, Mỹ - Diệm tiến hành khủng bố phong trào cách mạng, trả thù người kháng chiến cũ. Tháng 5-1959, chúng ban hành luật 10/59, lê máy chém khắp miền Nam Việt Nam giết hại hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào yêu nước. Trước tình hình đó, Liên Tỉnh ủy miền Đông quyết định tổ chức một trận tấn công vào đoàn cố vấn quân sự Mỹ.
Di tích Nhà Xanh, nơi diễn ra trận tấn công vào đoàn cố vấn quân sự Mỹ ngày 7-7-1959 |
Phương án tác chiến được chuẩn bị rất chặt chẽ. Lực lượng chủ lực, Đoàn đặc công 250 gồm 6 người: Năm Hoa (chỉ huy), Hưng, Huề, Bé, Phú, Sắc. Lực lượng tự vệ mật TX.Biên Hòa do đồng chí Trương Văn Lễ (Ba Lễ) - Bí thư Thị ủy Biên Hòa nắm bắt tình hình, móc nối với cơ sở nội tuyến và tổ chức lực lượng tự vệ để phối hợp chiến đấu.
Đêm 5-7-1959 từ Chiến khu Đ, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn đặc công 250 về đến Tân Phong rồi ém quân cách Nhà Xanh vài trăm mét. Đúng 19 giờ ngày 7-7-1959, các chiến sĩ và lực lượng tự vệ mật thị xã đã triển khai đội hình, tiếp cận các mục tiêu đã định. 19 giờ 15 phút, trận tấn công bắt đầu và chỉ sau 10 phút nổ súng tiến công, ta đã tiêu diệt 2 cố vấn quân sự Mỹ: Thiếu tá Dale R.Buis, trung sĩ Chester M.Ovmand.
Đây được xem là 2 quân nhân Mỹ chết trận đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam (sau năm 1954). Tên của 2 quân nhân này đứng đầu danh sách hơn 58 ngàn lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam được khắc ở Bức tường chiến tranh Việt Nam hay Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ.
Theo phương án vạch sẵn, bộ đội ta rút về Chiến khu Đ an toàn. Các tự vệ mật cũng nhanh chóng phân tán về các địa điểm tập kết, giấu vũ khí, thay đổi trang phục trở lại cuộc sống bình thường của người dân thị xã.
Sinh viên Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai xem hiện vật trưng bày tại Phòng Truyền thống di tích Nhà Xanh |
Bà Nguyễn Thị Bảy (tức Bảy Quý, 80 tuổi, ngụ KP.4, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, thời điểm diễn ra trận đánh Nhà Xanh bà mới 20 tuổi, làm liên lạc trong nội thành cho cách mạng. Nhiệm vụ của bà lúc đó là liên lạc với cơ sở cách mạng xung quanh khu vực Nhà Xanh để nuôi giấu các đồng chí tham gia trận đánh.
Đã 60 năm trôi qua nhưng hình ảnh về những chiến sĩ đặc công tham gia trận đánh vẫn in đậm trong tâm trí bà. Bà Nguyễn Thị Bảy chia sẻ: “Trận đánh táo bạo chỉ diễn ra chớp nhoáng trong đêm 7-7-1959 nhưng khiến kẻ địch hoang mang, khiếp sợ”. Suốt một thời gian dài, báo chí Sài Gòn, báo chí phương Tây liên tục thông tin về trận đánh này.
* Phát huy giá trị lịch sử
Vinh dự và tự hào có di tích lịch sử quốc gia Nhà Xanh nằm trong khuôn viên nhà trường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai Huỳnh Lê Tuấn Dũng cho biết, trong suốt chặng đường 44 năm hình thành và phát triển của nhà trường, di tích Nhà Xanh đã trở thành biểu tượng cách mạng, động lực để nhà trường nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục truyền thống và hoạt động dạy - học cho nhiều thế hệ học trò.
Sinh viên Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai tham quan tìm hiểu di tích lịch sử Nhà Xanh |
Hiệu trưởng Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai Huỳnh Lê Tuấn Dũng cũng cho biết, di tích Nhà Xanh là nơi diễn ra các buổi chào cờ đầu tuần của tập thể cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường; là địa chỉ đỏ trong các dịp kết nạp Đoàn, tổ chức các hoạt động sinh hoạt truyền thống của tuổi trẻ nhà trường...
Hằng năm, nhà trường còn phối hợp với các đơn vị trường học trên địa bàn tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chính trị về nguồn cho thế hệ trẻ. Qua đó giúp các học sinh, sinh viên ý thức rõ hơn về công lao của cha ông, tiếp tục kế thừa truyền thống, có trách nhiệm hơn trong học tập, góp phần xây dựng quê hương.
Sinh viên Phạm Văn Hoàn (Khoa Điện công nghiệp, Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai) chia sẻ: “May mắn cho em cũng như nhiều bạn khi được học tập trong ngôi trường có di tích cấp quốc gia Nhà Xanh. Càng ý nghĩa hơn khi được chứng kiến không khí chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm trận tấn công vào đoàn cố vấn quân sự Mỹ - Trận đầu diệt Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Hằng tháng, em cùng các bạn trong lớp thường xuyên tổ chức thi chụp ảnh đẹp tại di tích Nhà Xanh để đăng tải lên trang Facebook và Zalo. Từ đó, ngày càng có nhiều người biết đến di tích này”.
Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của di tích Nhà Xanh, trong đợt khảo sát thực tế cùng các sở, ngành của tỉnh, UBND TP.Biên Hòa cuối năm 2018, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đã thống nhất về chủ trương trùng tu, tôn tạo di tích này với kinh phí 3,5 tỷ đồng; đồng thời yêu cầu những đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục cần thiết theo đúng quy định về trùng tu, tôn tạo di tích nhằm gìn giữ một địa chỉ đỏ cấp quốc gia. Đến nay, việc trùng tu, tôn tạo di tích Nhà Xanh đã hoàn thành.
Lâm Viên - Văn Truyên