Việc tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam ngày một khó khăn hơn, do đó tổ chức Hội phải luôn nỗ lực tự làm mới mình bằng những mô hình cụ thể, đa dạng, mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên.
Việc tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam ngày một khó khăn hơn, do đó tổ chức Hội phải luôn nỗ lực tự làm mới mình bằng những mô hình cụ thể, đa dạng, mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên.
Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn Tăng Quốc Phong (bìa trái) tham quan mô hình Thanh niên công nhân nhà trọ tại phường Long Bình (TP.Biên Hòa) |
Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Nguyễn Thanh Hiền thẳng thắn nhìn nhận: “Thanh niên ngày nay đang bị chi phối bởi có nhiều mối quan tâm. Vì vậy, chỉ khi nào Hội mang lại được những lợi ích thiết thực cho thanh niên, khi đó sẽ không còn phải kêu gọi mà thanh niên sẽ tự tìm đến với Hội”.
* Gắn kết thanh niên
Huyện Trảng Bom hiện có 280 ngàn người, trong đó độ tuổi thanh niên chiếm tỷ lệ 30%. Phần đông thanh niên của huyện làm công nhân trong các công ty, nhiều người thu nhập mới chỉ đảm bảo nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Trên địa bàn huyện hiện có 21 chi hội thanh niên trong các khu vực nhà trọ với trên 1.500 hội viên tham gia. Các chi hội này chủ yếu được thành lập ở các xã có khu công nghiệp tập trung của huyện như: Hố Nai 3, Bắc Sơn, Sông Trầu…
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường cho biết: “Trong tình hình mới, tổ chức Hội LHTN Việt Nam phải là nơi tập hợp và dẫn dắt hội viên của mình bằng những mô hình cụ thể, trong đó quan trọng nhất thanh niên phải có kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống, trong học tập và lao động. Khi tổ chức Hội mạnh và đem lại được nhiều quyền lợi cho thanh niên thì không lo thanh niên sa đà vào những tệ nạn xã hội hay những hành vi lệch chuẩn”. |
Hằng tháng, Hội LHTN Việt Nam huyện Trảng Bom phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện, Công an huyện tổ chức tuyên truyền pháp luật cho thanh niên công nhân ở các xã, tổ chức phiên chợ công nhân kết hợp với giao lưu văn nghệ. Mỗi dịp Tết đến, Hội đứng ra vận động mua vé xe cho một số thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về quê. Trong những năm qua, Hội LHTN Việt Nam huyện còn xây tặng 8 căn nhà nhân ái cho hội viên trị giá 400 triệu đồng, tặng 200 chiếc xe đạp và 5 ngàn suất học bổng cho con thanh niên công nhân với số tiền lên đến 1,6 tỷ đồng.
Toàn huyện Nhơn Trạch hiện có 25.659/29.073 thanh niên tham gia tổ chức Hội LHTN Việt Nam (đạt tỷ lệ 88,3%), đây được xem là đơn vị có tỷ lệ tập hợp khá cao so với bình quân chung của tỉnh. Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Nhơn Trạch Trần Hoàng Sự bộc bạch: “Chúng tôi thu hút và “giữ chân” thanh niên gắn bó với Hội bằng những mô hình thực chất chứ không làm màu. Thanh niên muốn học ngoại ngữ, tin học, Hội thành lập Câu lạc bộ tin học ngoại ngữ, còn thanh niên muốn học nghề, chúng tôi giới thiệu đến Công ty TNHH Posco Việt Nam trên địa bàn huyện, ở đây thanh niên được học nghề miễn phí. Còn với những thanh niên mới xuất ngũ, chưa có việc làm, Hội giới thiệu việc; đặc biệt trường hợp nào khó khăn quá, chưa có nhà thì chúng tôi giới thiệu xây nhà nhân ái…”.
* Đồng hành vượt khó
Anh Phạm Thành Trung ở ấp Lò Than, xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) có hơn 2 ngàn m2 vườn trồng sầu riêng Thái do cha mình để lại. Trước đây, anh chỉ thu được khoảng 35 triệu đồng/năm từ diện tích vườn này do chưa cập nhật kỹ thuật chăm sóc cây trồng mới lại thiếu vốn. Anh được Hội LHTN Việt Nam xã vận động học kỹ thuật trồng sầu riêng mới cho năng suất và chất lượng cao, đồng thời giới thiệu cho anh vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để mua phân bón và đầu tư nước tưới theo mô hình VietGap. Nhờ sự hỗ trợ của Hội, trong 3 năm trở lại đây anh Trung thu được từ 150-180 triệu đồng/năm.
Thanh niên huyện Xuân Lộc chia sẻ kinh nghiệm trồng xoài năng suất cao |
Còn theo Hội LHTN Việt Nam huyện Vĩnh Cửu, có đến 75% thanh niên của huyện sống bằng nông nghiệp. Nếu thanh niên chỉ làm nông nghiệp theo lối cũ sẽ khó cải thiện được cuộc sống chứ chưa dám nghĩ đến chuyện làm giàu. Do đó, Hội đã chủ động thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác, những tổ chức này trở thành đầu mối để hội viên thanh niên tìm đến liên kết và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhau. Hiện nay, huyện có trên 20 câu lạc bộ, tổ hợp tác thanh niên chuyên trồng bưởi, quýt, nuôi bò, thả cá… Mỗi câu lạc bộ chỉ có từ 10-15 thành niên nhưng nhờ gắn kết được với nhau nên làm ăn khá hiệu quả.
Ông Huỳnh Công Nam, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết, Hội LTHN Việt Nam tỉnh là một trong những thành viên rất tích cực của Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai. Hiện dư nợ từ chương trình vay vốn giải quyết việc làm riêng đối với đối tượng thanh niên đã lên đến gần 200 tỷ đồng. Đối tượng vay là thanh niên thường có khả năng sử dụng vốn hiệu quả, trả gốc lãi đúng hạn đạt tỷ lệ cao, phát sinh nợ xấu gần như không có.
Công Nghĩa