Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt khó, huấn luyện tốt

09:06, 26/06/2019

Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, từ đầu tháng 6-2019, các thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2019 đã chính thức trở thành người lính trong Quân đội nhân dân Việt Nam và được biên chế về các đơn vị, tiếp tục tham gia huấn luyện chiến sĩ năm thứ 1, hăng hái cống hiến sức trẻ cho quân đội, đất nước.

Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, từ đầu tháng 6-2019, các thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2019 đã chính thức trở thành người lính trong Quân đội nhân dân Việt Nam và được biên chế về các đơn vị, tiếp tục tham gia huấn luyện chiến sĩ năm thứ 1, hăng hái cống hiến sức trẻ cho quân đội, đất nước.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7) luyện tập lắp ghép cầu phao vượt sông. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7) luyện tập lắp ghép cầu phao vượt sông. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Các đơn vị huấn luyện tân binh trên địa bàn tỉnh đều đánh giá, một trong những kết quả lớn nhất sau 3 tháng huấn luyện là các chiến sĩ năm nay có chất lượng huấn luyện đạt yêu cầu, có tinh thần cống hiến, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

* Vững vàng trong quân ngũ

Tại Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 (Quân đoàn 4), qua 3 tháng huấn luyện tân binh, một trong những điều quan trọng nhất mà các chiến sĩ đã vượt qua được là sớm hòa nhập môi trường quân ngũ, nhận thức tốt hơn về chính trị, có ý thức trách nhiệm cao, có sức khỏe tốt, chấp hành kỷ luật nghiêm, quen cường độ huấn luyện cao. Qua kiểm tra cuối khóa, các khoa mục đều đạt khá, giỏi, quan trọng nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối trong huấn luyện tân binh.

Đại tá Nguyễn Nam Dương, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Tăng -  thiết giáp 22 cho hay: “Ngay từ những ngày đầu chiến sĩ mới về đơn vị, chúng tôi đã yêu cầu chỉ huy các cấp tổ chức sinh hoạt với các chiến sĩ từ cấp tiểu đội trở lên để tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh của từng chiến sĩ. Qua đó, cán bộ kịp thời động viên, hỗ trợ chiến sĩ trẻ vượt qua tâm lý lo lắng này để tập trung vào huấn luyện”.

Chiến sĩ Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 (Quân đoàn 4) tham gia huấn luyện  Ảnh
Chiến sĩ Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 (Quân đoàn 4) tham gia huấn luyện Ảnh

Còn tại Trung đoàn Đồng Nai (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh), lãnh đạo trung đoàn luôn quan tâm, chỉ đạo kịp thời các đại đội thực hiện nghiêm kế hoạch, chương trình huấn luyện theo phương châm: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Kết quả kiểm tra cuối khóa có 12 khoa mục thì có 5 khoa mục đạt giỏi gồm: kiểm tra đánh thuốc nổ bài 1, ném lựu đạn thật bài 1, công sự ngụy trang, công tác hậu cần, công tác kỹ thuật và 7 khoa mục đạt khá.

Trung tá Đỗ Ngọc Ân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đồng Nai cho biết, có được kết quả trên là nhờ đội ngũ cán bộ các cấp luôn tích cực bám lớp, bám thao trường, kịp thời uốn nắn và sửa sai cho chiến sĩ; luôn gương mẫu trong lời nói và việc làm, tăng cường trách nhiệm trong công tác huấn luyện. Các chiến sĩ hoàn thành khóa huấn luyện tân binh tại trung đoàn đã đủ tự tin, bản lĩnh để về các đơn vị, tham gia huấn luyện chiến sĩ năm thứ 1 và thực hiện nhiệm vụ được giao.

* Hăng hái luyện quân

Sau khóa huấn luyện tân binh, từ ngày 1-6, các chiến sĩ đã được đưa về các đơn vị khác để tiếp tục huấn luyện chiến sĩ năm thứ 1. Các chiến sĩ mới đã được biên chế về các đơn vị quân đội và bắt tay ngay vào việc huấn luyện.

Các trung đoàn bộ binh sẽ tiếp tục huấn luyện đồng bộ 4 mặt (quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật), trong đó về quân sự sẽ nâng cao các bài đã học trong 3 tháng huấn luyện tân binh. Nhất là tập trung vào các nội dung cấp tổ, tiểu đội, trung đội đối với chiến thuật của chiến sĩ năm thứ 1, các bài bắn AK tiếp theo, các loại hỏa lực trong biên chế...

Chiến sĩ Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 (Quân đoàn 4) tham gia huấn luyện. Ảnh: M.Thành
Chiến sĩ Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22 (Quân đoàn 4) tham gia huấn luyện. Ảnh: M.Thành

Đặc biệt với các đơn vị binh chủng như: pháo binh, công binh, tăng - thiết giáp..., việc huấn luyện khó khăn hơn khi phải cho chiến sĩ làm quen với các vũ khí, khí tài hạng nặng.

Năm nay, các chiến sĩ sau khi huấn luyện ở Trung đoàn Đồng Nai đã được biên chế về Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo binh 75 (Quân khu 7). Cụ thể, từ đầu tháng 6 đến nay, tiểu đoàn đã tiếp tục huấn luyện thể lực, điều lệnh, chính trị và đặc biệt là huấn luyện chuyên ngành pháo với các bài giới thiệu các loại pháo trong biên chế, kỹ thuật trinh sát pháo binh.

Đại úy Nguyễn Trung Kiên, Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo binh 75 cho biết: “Cái khó của chuyên ngành pháo binh là yêu cầu phải tính toán, đo đạc nhiều nên đòi hỏi chiến sĩ phải có tư duy tốt, nhanh nhẹn. Để làm được điều này, cán bộ huấn luyện phải biết kèm cặp, hướng dẫn dần, chiến sĩ cũ cũng phải biết chỉ bảo cho các chiến sĩ mới”.

Không chỉ huấn luyện về quân sự, các đơn vị cũng tích cực nâng cao bản lĩnh chính trị cho chiến sĩ. Với những đơn vị đóng quân tập trung, các bài giảng chính trị dễ dàng gắn với hội trường, thao trường, nhưng với các đơn vị đóng quân lẻ, thường xuyên di chuyển thì điều này khó hơn rất nhiều.

Điển hình như Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7), với đặc thù các đơn vị phải đi thực hiện những công trình xa, có khi đi đảo nhiều tháng liền nên các tân binh sau khi về sẽ được biên chế về các tiểu đoàn và được huấn luyện theo từng chuyên môn của tiểu đoàn như: xây dựng, bắc phà, cứu nạn, cứu hộ...

Thượng tá Phạm Ngọc Huệ, Phó chính ủy Lữ đoàn Công binh 25 cho hay, do nhiều tiểu đoàn trực thuộc di chuyển liên tục theo các công trình nên điều kiện hội trường, doanh trại không thể đầy đủ như tại lữ đoàn. Vì vậy, để duy trì tốt và nâng cao chất lượng giảng dạy chính trị, cán bộ các tiểu đoàn, đại đội đã cô đọng các bài giảng chính trị, tóm lược thành các ý chính để truyền đạt cho chiến sĩ. Bên cạnh đó, các đơn vị đóng tại các công trình xa còn tận dụng những ngày thời tiết xấu, không thể ra công trình xây dựng để tập trung giảng chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu rèn luyện được những chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thành tích rèn luyện tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Minh Thành

Tin xem nhiều