Ngày 31-5, bà Nguyễn Thị Liên ở huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam trở lại di tích Nhà lao Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), nơi bà từng chứng kiến 18 đồng chí của mình hy sinh trong trận thảm sát đẫm máu vào đêm 3-6-1974.
Ngày 31-5, bà Nguyễn Thị Liên ở huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam trở lại di tích Nhà lao Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), nơi bà từng chứng kiến 18 đồng chí của mình hy sinh trong trận thảm sát đẫm máu vào đêm 3-6-1974.
Bà Trần Thị Hòa (bìa phải), Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh đưa 2 cựu tù chính trị là Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Thị Xuân thăm lại Nhà lao Tân Hiệp |
Đối với bà Liên, đây là chuyến đi đặc biệt, vì sau 45 năm bà mới có dịp trở lại nơi bà đã mất 1 chân trái và tuổi thanh xuân...
* Đêm kinh hoàng
Vừa bước chân vào khu di tích Nhà lao Tân Hiệp, bà Liên òa khóc gọi tên những đồng chí của mình đã hy sinh tại đây. Bà kể, bà giác ngộ cách mạng từ năm 12 tuổi nhờ người anh trai mình. Một lần tham gia hoạt động, bà bị bắt tại Quảng Nam rồi địch đưa đi giam giữ hết nhà lao này qua nhà lao khác. Năm 1972 địch chuyển bà về giam cầm tại Nhà lao Tân Hiệp, đây cũng là khoảng thời gian kinh hoàng nhất của cuộc đời bà.
Khoảng 22 giờ đêm 3-6-1974 khi đang ngủ tại phòng giam C thì bỗng có 3 quả đạn pháo liên tiếp rơi xuống khu vực nhà lao, trong đó 1 quả rơi đúng phòng giam của bà cùng với nhiều đồng chí khác. Khi tỉnh dậy, bà thấy mình bị thương rất nặng ở 2 chân, người bê bết máu, nhìn ra xung quanh bà thấy nhiều xác chết lẫn người bị thương nằm thoi thóp.
Bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh: Mỗi cựu tù là một điểm tựa... Trong bối cảnh hiện nay, mỗi cựu tù chính trị hãy luôn siết chặt đội ngũ xung quanh Đảng, bảo vệ Đảng và phát huy thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã đổ xương máu mới có được. Mỗi người hãy luôn phát huy truyền thống yêu nước, tự tin, có bản lĩnh chính trị vững vàng trong mọi hoàn cảnh, không để kẻ thù lợi dụng gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đối tượng cựu tù chính trị; luôn kiên định lập trường, tu dưỡng rèn luyện bản thân, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ vĩ đại. Mỗi người cần gương mẫu trong hành động, là nòng cốt tại địa bàn khu dân cư, là điểm tựa tinh thần cho con cháu. |
Cùng phòng giam C với bà còn có 2 chị em song sinh là Nguyễn Thị Bi và Nguyễn Thị Nút ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa mới chưa đầy 14 tuổi. Đêm hôm đó Bi và Nút nằm kế nhau, còn bà nằm trong cùng, 3 chị em đang bàn chuyện ngày mai tổ chức đấu tranh thì đạn pháo phóng đến. Khi pháo rơi trúng phòng giam, chỉ có bà may mắn sống sót, còn xác của Bi và Nút bị pháo xé tan thành từng mảnh không thể nhận dạng. Có 18 nữ tù chính trị hy sinh trong trận pháo kích này.
Sau 8 ngày bị thương nhưng không được cứu chữa, chân trái của bà Liên bị nhiễm trùng. Địch mang bà đến bệnh viện chữa trị nhưng thực chất thêm một lần nữa chúng tìm cách tra tấn bà. Bà Liên kể: “Chúng treo 2 tay tôi lên xà nhà, rồi dùng cưa xẻ dọc ống chân trái của tôi. Chúng đe phải cắt đôi chân cộng sản thì tôi mới hết đường đấu tranh. Trở lại nhà lao, vết thương của tôi tiếp tục nhiễm trùng nặng, giòi bọ làm tổ bên trong nhưng tôi vẫn kiên cường đấu tranh mà không sợ hãi”.
Tháng 4-1975, bà Liên được giải phóng khỏi nhà tù đế quốc, trở về quê mang theo thương tật đầy mình nhưng vẫn không nguôi về những năm tháng dũng cảm và đau thương tại Nhà lao Tân Hiệp.
* Tin vào một ngày thống nhất
Bà Nguyễn Thị Xuân là đồng chí và cũng là đồng hương với bà Liên thì may mắn hơn khi lần thứ 2 có dịp trở lại di tích Nhà lao Tân Hiệp. Bà Xuân xúc động kể, bà tham gia cách mạng ở vùng quê Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam từ khi 15 tuổi. Ban ngày bà vào rừng trú ẩn, còn đêm đến lại xuống đồng bằng nắm tình hình địch về báo cáo lại cho tổ chức. Năm 18 tuổi, trong một lần chiến đấu, bà bị địch bắt giam tại nhiều nhà lao ở Quảng Nam, Quảng Ngãi rồi đưa tận vào nhà lao ở Thủ Đức (Sài Gòn). Đến năm 1972, địch đưa bà cùng nhiều người khác xuống giam tại Nhà lao Tân Hiệp.
Bà Xuân nhớ lại, chiều 3-6-1974 bà cùng đồng chí của mình phát hiện cai tù có nhiều biểu hiện lạ, chúng liên tục tuần soát, ai đấu tranh chúng sẵn sàng ném lựu đạn hơi cay vào phòng giam. Bà và mọi người phải thủ những tấm mền ướt, nếu địch ném đạn hơi cay vào thì nhanh tay lấy mền trùm lại cho hơi cay khỏi tỏa khắp phòng. Đêm hôm đó khoảng 22 giờ có người đã ngủ, có người còn đang thì thầm bàn chuyện đấu tranh với địch thì bỗng liên tiếp đạn pháo trút xuống nhà lao, bà may mắn sống sót dù bị thương khá nặng. Sau đó, địch tiếp tục chuyển bà đến một phòng giam khác cho đến ngày 29-4-1975 bà mới được thả.
Khi được hỏi điều gì khiến những người phụ nữ như bà gan dạ và kiên cường đến vậy, bà Xuân quả quyết: “Chúng tôi có lòng yêu nước, niềm tin vào ngày đất nước thống nhất sạch bóng quân thù”.
* Ngày giỗ chung cho đồng đội
Ông Lê Văn Chương hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh là một y tá và bị bắt giam tại Nhà lao Tân Hiệp những năm tháng cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông từng đi chung chuyến xe di chuyển những nữ tù chính trị từ Nhà lao Thủ Đức xuống Nhà lao Tân Hiệp. Ông cho biết 18 nữ tù hy sinh trong trận thảm sát đêm 3-6-1974 hầu hết là người miền Trung như: Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng. Không ít người bị thương đêm hôm đó đã cố gắng gọi tên ông, nhờ ông đến cứu họ trong đống đổ nát của nhà tù. “Sau 45 năm tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi những tiếng gọi “Anh Chương, anh Chương ơi cứu em với” - ông Chương xúc động kể.
Các cựu nữ từ chính trị thắp nhang cho đồng chí của mình đã hy sinh tại Nhà lao Tân Hiệp |
Linh mục Trần Xuân Thảo, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh cho biết: “Năm 1974 tôi 36 tuổi, mới được tấn phong linh mục tại Giáo xứ Thái Hiệp (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Đêm đó nghe tiếng đạn pháo không biết từ hướng nào phóng đến và rơi trúng Nhà lao Tân Hiệp gần giáo xứ, tôi đã chạy ra xem và cứu giúp mọi người. Khung cảnh nơi đó rất đáng sợ khi người chết, người bị thương nằm la liệt. Sáng hôm sau tôi đã mang đến 18 chiếc quan tài tẩm liệm cho những người xấu số...”.
Bà Nguyễn Thị Liên cho biết thêm, kể từ khi ra khỏi Nhà lao Tân Hiệp trở về quê bà vẫn mang trong tim mình ký ức của những người đồng chí đã chiến đấu và hy sinh dũng cảm tại nhà lao. “Hằng năm đến ngày giỗ tôi vẫn làm mâm cơm giỗ chung cho 18 chị em đã hy sinh trong trận thảm sát đó. Năm nay tròn 45 năm ngày xảy ra trận thảm sát nữ tù chính trị Nhà lao Tân Hiệp, tôi rất xúc động được quay lại nơi đây, thấy một số đồng chí mình còn sống, thấy được tên đồng chí mình hy sinh khắc trên bia đá, còn thấy được hình ảnh Nhà lao Tân Hiệp năm nào... Tôi rất mãn nguyện!” - bà Liên xúc động nói.
Bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh cho biết: “Rất nhiều người từng chứng kiến trận thảm sát đêm 3-6-1974 hiện đã qua đời, người còn sống cũng đã già yếu. Vào ngày này hằng năm, chúng tôi vẫn chuẩn bị một mâm cơm, đồ dùng cá nhân như khăn rằn, gương, lược, dầu thơm để làm một lễ giỗ chung cho 18 đồng chí cựu tù chính trị. Chúng tôi tin rằng sự hy sinh xương máu của các chị đã góp phần làm cho đất nước hòa bình thống nhất, nở hoa phát triển như ngày nay”.
Sáng nay 3-6, Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 45 năm Ngày xảy ra trận thảm sát nữ tù chính trị Nhà lao Tân Hiệp (3-6-1974 - 3-6-2019). Dự kiến có 300 đại biểu về tham dự buổi lễ để tưởng nhớ 18 nữ tù chính trị đã hy sinh trong trận thảm sát. |
Công Nghĩa