Qua thảo luận đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thư viện, tạo khung pháp lý mới để phát triển sự nghiệp thư viện, phát triển văn hóa đọc.
Qua thảo luận đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thư viện, tạo khung pháp lý mới để phát triển sự nghiệp thư viện, phát triển văn hóa đọc.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Đoàn Thị Hảo phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Chiều 11-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thư viện.
Dự án Luật đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều 23-5.
Cần thiết ban hành Luật Thư viện
Qua thảo luận đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thư viện, tạo khung pháp lý mới để phát triển sự nghiệp thư viện, phát triển văn hóa đọc, phục vụ việc học tập suốt đời của người dân, khắc phục bất cập trong thực tiễn hoạt động thư viện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Các ý kiến đánh giá hệ thống thư viện ở Việt Nam, trong đó phần lớn thư viện công cộngcấp huyện, cấp xã, nhiều thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới.
Vì vậy, việc đổi mới tổ chức, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thư viện là một nội dung cần thiết nhằm phát triển văn hóa đọc trong xã hội ngày nay.
Đồng thời, nhiều đạo luật quan trọng đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung có những quy định tác động trực tiếp đến hoạt động thư viện. Điều này đặt ra yêu cầu cụ thể hóa cũng như có cơ chế bảo đảm việc thực thi các quyền này trong sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Bàn về chính sách phát triển thư viện, nhiều ý kiến phân tích, hoạt động thư viện là hoạt động công ích, vì cộng đồng là chủ yếu, có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, nhân cách con người, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên phù hợp, khắc phục những vướng mắc, bất cập.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chính sách đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, trong đó cần quy định cụ thể hơn việc ưu tiên đầu tư phát triển tài nguyên số, hoạt động liên thông giữa các thư viện; phát triển hệ thống thư viện công cộng phù hợp với đặc thù các địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa; khuyến khích xã hội hóa để huy động nguồn lực trong xã hội tham gia xây dựng, phát triển thư viện.
Nêu quan điểm phát triển thư viện phải đồng hành với phát triển văn hóa đọc, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) khẳng định đây là quan điểm rất cần được thể hiện rõ trong dự thảo Luật, phải được cụ thể hóa thành những chính sách cụ thể.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Hoàng Thị Hoa phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Viện dẫn một số nước có pháp luật về thư viện, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết tinh thần chung pháp luật các nước về lĩnh vực này đều nêu rõ vai trò của thư viện đối với xây dựng văn hóa con người của mỗi quốc gia và phát triển thư viện gắn với phát triển văn hóa đọc, đầu tư cho thư viện là đầu tư cho văn hóa, giáo dục. Theo đó, hoạt động thư viện được sự bảo trợ của Nhà nước với những chính sách cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu quan điểm thiết kế Điều 4 của dự thảo Luật theo hướng quy định sự đầu tư của Nhà nước theo ba mức độ: Ưu tiên, bảo đảm và hỗ trợ. Trong đó, mức độ ưu tiên cần đầu tư cho hiện đại hóa, số hóa thư viện công lập trọng điểm, hoạt động liên thông giữa các thư viện công lập trọng điểm với thư viện nước ngoài và các thư viện khác ở trong nước. Đặc biệt là xây dựng kho thư viện số hóa dùng chung.
Đối với mức độ bảo đảm, đại biểu đề nghị Nhà nước phải đảm bảo hoạt động của các thư viện công lập, sưu tầm, bảo quản giá trị của các tài liệu cổ quý hiếm; đảm bảo phát triển nguồn nhân lực thư viện.
Đối với tiêu chí hỗ trợ, theo đại biểu, Nhà nước cần khuyến khích các hoạt động xã hội hóa hoạt động thư viện. Đặc biệt, quan điểm về chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện cần xuyên suốt trong toàn dự thảo Luật để tạo điều kiện phát triển thư viện theo hướng mở, thân thiện, tiện ích, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đọc của người dân, đại biểu lưu ý.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ Nhà nước thực hiện đầu tư để phát triển thư viện, trong đó tập trung phát triển mạng lưới thư viện công lập, tăng cường dịch vụ lưu động, luân chuyển tài liệu tới các địa bàn có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật. Đồng thời, Nhà nước cần hiện đại hóa phát triển thư viện số, thúc đẩy sự liên thông giữa các thư viện trong nước và quốc tế.
Nhà nước đầu tư tập trung cho một số thư viện trung tâm có vai trò quan trọng sưu tầm bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực thư viện.
Theo đại biểu, hoạt động thư viện là hoạt động công ích không vì lợi nhuận, chủ yếu do Nhà nước thực hiện, nếu không có quy định cụ thể về đầu tư theo chính sách đầu tư công sẽ không giải quyết được những hạn chế, bất cập trong thực hiện, không khuyến khích được sự đầu tư của cộng đồng, khó triển khai xã hội hóa.
Theo đại biểu Đoàn Thị Hảo, nội dung thư viện cộng đồng cần thiết được quy định trong dự Luật. Dẫn con số Việt Nam hiện có hơn 17.000 thư viện cộng đồng, đại biểu khẳng định cùng với thư viện cấp xã, thư viện cộng đồng phục vụ trực tiếp cho người dân tại cơ sở đã được thực tế khẳng định tính hiệu quả và vai trò trong việc cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu bạn đọc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân cơ sở, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trong nhân dân... Do đó, nếu không được quy định rõ nội dung này trong dự Luật thì thư viện cộng đồng khó được duy trì, sau khi Luật ban hành không khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng trong thành lập và duy trì loại hình thư viện này, đại biểu nêu rõ.
Xây dựng thư viện số
Nhiều ý kiến đánh giá xây dựng thư viện số hay kho tài nguyên số đang là xu hướng phát triển của thư viện hiện đại, đặc biệt khi thói quen và phương thức tiếp nhận thông tin của xã hội có rất nhiều thay đổi.
Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn khái niệm thư viện số, trong đó Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định bao quát đầy đủ các yếu tố cấu thành như dữ liệu, công nghệ, con người, sản phẩm-dịch vụ thư viện, phương thức hoạt động và đảm bảo chính xác, đúng bản chất của thư viện số; tránh chồng chéo với các quy định khác có liên quan.
Để xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên dùng chung giữa các thư viện, nhất là các thư viện có ngân sách đầu tư còn hạn chế, tạo điều kiện cho người dùng được tiếp cận với tài liệu số, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về quyền của các thư viện được tạo bản sao, số hóa và phổ biến tài liệu của thư viện phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật liên quan; đồng thời có những quy định về nguyên tắc điều chỉnh cơ bản liên quan đến người đọc và sử dụng các phương tiện kỹ thuật số, tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử.../.
Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)