Báo Đồng Nai điện tử
En

Đối thoại Shangri-La: Hợp tác là chìa khóa giải quyết tranh chấp biển

09:06, 01/06/2019

Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng Đặng Quang Minh đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận về an ninh hàng hải, trong đó nêu bật thông điệp phải tạo không khí hòa bình trong giải quyết tranh chấp.

Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng Đặng Quang Minh đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận về an ninh hàng hải, trong đó nêu bật thông điệp phải tạo không khí hòa bình trong giải quyết tranh chấp.

Toàn cảnh một phiên thảo luận tại Đối thoại Shangri-la. (Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN)
Toàn cảnh một phiên thảo luận tại Đối thoại Shangri-la. (Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN)

Ngày 1-6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 đã diễn ra các phiên thảo luận đồng thời với các chủ đề liên quan đến an ninh hàng hải, phát triển công nghiệp quốc phòng, hợp tác quốc phòng…, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc tăng cường hợp tác và đối thoại là chìa khóa để giải quyết các tranh chấp trên biển nói chung và Biển Đông nói riêng.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, các chuyên gia nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh của các cường quốc đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và kết quả là có nhiều rủi ro hơn về việc va chạm và đụng độ trên biển cũng như trên không, từ đó có thể gây ra xung đột lớn tác động tới các nước ASEAN.

Theo các chuyên gia, Biển Đông cần là một khu vực hòa bình, hữu nghị thay vì là nơi diễn ra những cuộc đối đầu và xung đột.

Phát biểu tại phiên thảo luận về an ninh hàng hải, Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng Đặng Quang Minh cũng nêu rõ an ninh biển là phải trên tinh thần tôn trọng luật pháp, tôn trọng chủ quyền chính đáng của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền.

Bên cạnh đó, an ninh biển cũng cần phải tôn trọng lợi ích của các nước, không có vùng biển nào là của riêng từng nước hay nhóm nước.

Phát biểu của Việt Nam cũng nêu bật thông điệp phải tạo không khí hòa bình trong giải quyết các tranh chấp. Do vậy, diễn đàn này là cơ hội để các nước cùng đối thoại, tạo không khí hòa bình trên cơ sở có trách nhiệm với cộng đồng, có tinh thần đối tác để từ đó có thể giải quyết được các tranh chấp trên biển nói chung và Biển Đông nói riêng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc đang diễn ra thuận lợi, nhưng cần thực chất và quan trọng là không đi ngược lại với các quy định của luật pháp quốc tế. Hai bên cần làm rõ các khái niệm về quyền tiếp cận và tự do an ninh hàng hải ở Biển Đông./.

 (Theo TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều