Báo Đồng Nai điện tử
En

Cải cách hành chính: Hành động quyết liệt

03:06, 24/06/2019

Sau nhiều năm ở vị trí tốp những tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (Par Index), năm 2018, Đồng Nai bất ngờ tụt hạng khá mạnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng nguyên tại chỗ...

Sau nhiều năm đứng ở vị trí tốp những tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (Par Index), năm 2018, Đồng Nai bất ngờ tụt hạng khá mạnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn đứng nguyên tại chỗ, trong khi đó chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cũng chuyển sang nhóm đạt mức trung bình thấp.

Đoàn công tác Văn phòng Chính phủ tham quan Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai Ảnh: C.NGHĨA
Đoàn công tác Văn phòng Chính phủ tham quan Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai Ảnh: C.NGHĨA

[links()]Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh: “Thứ hạng các chỉ số quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Do đó cần làm rõ nguyên nhân tồn tại, quy rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu khi chưa làm tốt công tác cải cách hành chính”.

* Vì sao chỉ số cải cách hành chính giảm?

Các chỉ số xếp hạng quan trọng của Đồng Nai năm 2018 so với năm 2017

- Năm 2018 chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) tỉnh Đồng Nai đứng thứ 20/63 tỉnh, thành (giảm 17 bậc).

- Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 26/63 tỉnh, thành (giữ nguyên vị trí so với năm 2017).

- Chỉ số hiệu quả quản trị công và hành chính công tỉnh (PAPI) từ nhóm trung bình cao xuống nhóm trung bình thấp.

Từ năm 2015-2017, Đồng Nai liên tục đứng thứ 3 cả nước về PAR Index, tuy nhiên năm 2018 chỉ đứng ở vị trí 20/63 tỉnh, thành, giảm đến 17 bậc.

Qua đánh giá nhiều tiêu chí về cải cách hành chính của tỉnh bị trừ điểm có tiêu chí về việc không có kết quả rà soát và quyết định thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính. Một số địa phương, đặc biệt là tại cấp xã chưa thực hiện đúng quy định về niêm yết thủ tục hành chính.

Kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước về giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông giảm 1,22% điểm so với năm 2017. Các tiêu chí về tiếp cận dịch vụ, quy trình giải quyết hồ sơ, tiếp nhận giải quyết phản ảnh, kiến nghị cũng đều giảm điểm. Nhiều sở, ngành có điểm trừ qua đánh giá Par Index như: Văn phòng UBND tỉnh và các Sở: Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên - môi trường, Thông tin - truyền thông...

Một số sở, ngành bị trừ điểm cao như Sở Nội vụ bị trừ 2,7 điểm do còn một số trường hợp tuyển dụng công chức, viên chức chưa đúng quy trình. Trong khi đó, Sở Thông tin - truyền thông bị trừ 3,25 điểm do báo cáo kết quả ứng dụng công nghệ thông tin quý II, III của năm 2018 chưa đạt yêu cầu về thời gian, tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính chưa được công khai đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Các chức năng, tính năng kỹ thuật của Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh chưa đáp ứng đủ các yêu cầu, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 còn thấp so với tiêu chí đề ra.

Người dân xem thủ tục hành chính được công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa TP.Long Khánh. Ảnh: Công Nghĩa
Người dân xem thủ tục hành chính được công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa TP.Long Khánh. Ảnh: Công Nghĩa

Sở Tài chính bị trừ 3 điểm do kết quả xử lý kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước đạt 90%. Sở chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng; tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng theo quy định. Tỷ lệ giảm chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp so với năm 2015 đạt 4,85%. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan từ việc tổng thu ngân sách của tỉnh trong năm 2018 được giao quá cao nên chỉ đạt 93% dự toán giao, do đó trừ 1,5 điểm.

* Cần thêm đột phá năng lực cạnh tranh

Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên, năm 2018 PCI của Đồng Nai có tăng 0,69 điểm, số điểm này không đủ để cải thiện thêm thứ hạng, do đó PCI của Đồng Nai vẫn đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố. Theo đánh giá, Đồng Nai có 5 tiêu chí thành phần tăng điểm, đó là: tiêu chí gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng và thiết chế pháp lý. Tuy nhiên, lại có 5 tiêu chí thành phần khác bị giảm điểm, trong đó có tiêu chí tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực.

Năm 2018 ghi nhận sự tăng điểm ở tiêu chí về chi phí thời gian, chỉ có 7-8% doanh nghiệp cho rằng công tác thanh kiểm tra còn trùng lắp, trong khi đó tỷ lệ này ở năm 2017  từ 15-20%. Còn ở tiêu chí tiếp cận đất đai bị giảm điểm là do doanh nghiệp có cảm nhận về thiếu đất sạch, giải phóng mặt bằng còn chậm, khung giá đất của tỉnh chưa phù hợp với thay đổi của thị trường.

Điều đáng lưu ý đánh giá PCI đã chỉ ra rằng, chi phí không chính thức trong lĩnh vực đất đai vẫn không giảm. Tiêu chí minh bạch năm 2018 giảm 0,42 điểm so với năm 2017, qua khảo sát, 62% doanh nghiệp cho rằng phải có “mối quan hệ” mới có được các tài liệu cần thiết.

Diễn biến xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cải cách hành chính (PAR Index) của Đồng Nai từ năm 2014-2018 (Đồ họa: C.NGHĨA)
Diễn biến xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cải cách hành chính (PAR Index) của Đồng Nai từ năm 2014-2018 (Đồ họa: C.NGHĨA)

Đánh giá PCI cũng nêu một số hạn chế về tính năng động, cụ thể những sáng kiến hay cấp tỉnh chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành và cấp huyện. 33% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng chính quyền tỉnh khi có điều gì chưa rõ trong chính sách của Trung ương là trì hoãn thực hiện, phải xin ý kiến chỉ đạo hoặc là không làm gì cả.

Đánh giá này được Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đồng tình. Nhiều sở, ngành, địa phương mỗi lần gặp khó khăn, vướng mắc lại làm văn bản xin ý kiến chỉ đạo mà không sáng tạo xử lý. Thậm chí có trường hợp “chùn tay” trong xử lý một số vấn đề do sợ làm sẽ sai, hoặc sợ bị kiểm điểm.

* Nâng cao hiệu quả quản trị công

Một chỉ số đánh giá quan trọng khác năm 2018 của tỉnh cũng có sự giảm điểm, đó là PAPI. Theo đó PAPI của tỉnh đạt 43,09 điểm, thuộc nhóm tỉnh, thành trung bình thấp. Ông Tạ Quang Trường, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết, so với năm 2017, điểm tổng hợp 6 chỉ số cơ bản của tỉnh giảm 2,27 điểm. Đáng chú ý có 5/6 chỉ số đều giảm so với năm trước, duy nhất chỉ số sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở là tăng điểm. Giảm điểm đáng kể nhất là chỉ số công khai minh bạch, chỉ số này cũng đồng nhất với đánh giá về CPI năm 2018.

Đánh giá PAPI còn có sự tương đồng với đánh giá PAR Index năm 2018 của tỉnh khi chỉ ra rằng, dịch vụ hành chính cấp phường, xã thuộc nhóm điểm thấp nhất. Trong đó tiêu chí về niêm yết công khai phí lệ phí và mức độ thạo việc của đội ngũ nhân viên còn hạn chế. Bên cạnh đó, các tiêu chí về dịch vụ y tế công lập, dịch vụ giáo dục tiểu học công lập, an ninh trật tự khu dân cư đều giảm điểm so với năm 2017.

Ông Trường cho biết thêm, năm 2018 PAPI có thêm 1 chỉ số đánh giá mới, đó là quản trị điện tử, chỉ số này đánh giá về mức độ sẵn có và mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Kết quả về tiếp cận và sử dụng internet của tỉnh thuộc nhóm trung bình cao. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng Cổng thông tin điện tử của tỉnh thuộc nhóm trung bình thấp, chỉ có 3% người dân khi được hỏi cho biết có sử dụng Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Công Nghĩa


Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh:

Đánh giá người đứng đầu phải nhìn vào hiệu quả công việc

Cần quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, nói đi đôi với làm, làm thực chất chứ không hình thức. Nếu sở, ngành, địa phương làm ảnh hưởng tới chỉ số xếp hạng cải cách của tỉnh, tỉnh bị trừ 1 điểm thì sở, ngành, địa phương đó sẽ bị trừ gấp đôi để nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi đơn vị, địa phương. Việc đánh giá người đứng đầu phải nhìn vào hiệu quả công việc.

 

 

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thuộc:

Cần thành lập tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập đoàn công tác của Thủ tướng đi kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ tại các bộ, ngành, địa phương. Tổ công tác của Thủ tướng hoạt động rất hiệu quả. Tỉnh có thể học tập mô hình này, sớm thành lập mô hình Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh, giúp Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, đôn đốc các nhiệm vụ giao cho các sở, ngành, địa phương.

 

 

Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Lê Hoàng Ngọc:

Sớm hoàn thành nâng cấp đường truyền

Hiện nay, Sở Thông tin - truyền thông đang tiến hành các thủ tục để nâng cấp đường truyền cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến, từ đó tăng tốc độ xử lý đường truyền văn bản, tốc độ xử lý thủ tục hành chính. Dự kiến trong tháng 7, việc nâng cấp đường truyền sẽ tiến hành xong, khi đó sẽ khắc phục được hạn chế về tốc độ xử lý văn bản, tạo liên kết trong xử lý hồ sơ thủ tục hành chính từ cấp xã, huyện, tỉnh được nhanh và thuận lợi hơn.

Thành Nam (ghi)


 

Tin xem nhiều