Báo Đồng Nai điện tử
En

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu

09:05, 22/05/2019

Ngày 22-5, các đại biểu thảo luận ở tổ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018.

Ngày 22-5, các đại biểu thảo luận ở tổ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, phát biểu tại phiên họp Tổ sáng 22-5
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, phát biểu tại phiên họp Tổ sáng 22-5

Ngày 22-5, các đại biểu thảo luận ở tổ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019 và Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (đoàn Cần Thơ) cho rằng, trong thời gian tới, việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cần thực hiện các giải pháp đồng bộ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong dài hạn, đẩy mạnh dự án trọng điểm quốc gia.

Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiên quyết loại bỏ “giấy phép con,” thu hút có chọn lọc đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội cho rằng có nhiều vướng mắc hiện nay là do tổ chức thực thi không tốt, chứ “không đổ thừa cho Luật được.”

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; ưu tiên vốn ngân sách Nhà nước cho chương trình giảm nghèo và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Bên cạnh đó, tăng cường sự chủ động và phối hợp của các bộ, ngành và địa phương trong xử lý nợ xấu; xử lý tình trạng “tín dụng đen” trong đó sớm hoàn thiện chế tài xử phạt, chú trọng các giải pháp phát triển nền tài chính toàn diện tập trung vào tài chính vi mô, tài chính tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn.

Việc tăng giá bán lẻ điện thêm 8,36% là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nhấn mạnh cử tri rất quan tâm vấn đề điều chỉnh giá điện, xăng dầu; dù Bộ Công Thương đã có giải trình về cơ chế tính nhưng cần làm rõ hơn để người dân yên tâm. Đại biểu đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá điện và giá xăng dầu xem có đúng như đề xuất của các cơ quan hay không.

“Nếu kiểm toán thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch. Người dân nói tăng giá dù có ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả. Kiểm toán nên vào cuộc cho cử tri yên tâm,” đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cho biết, cử tri rất bất an trước những vấn đề đang diễn ra như đạo đức nhà giáo, tai nạn giao thông...

Theo đại biểu, các lái xe vẫn thường xuyên được kiểm tra sức khỏe nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn nghiêm trọng thì phải xem xét đến tính chính xác trong việc kiểm tra của cơ quan chức năng, hay có lỗ hổng nào dẫn đến sự thiếu sót.

Đại biểu đề nghị các ngành liên quan cần thực hiện tốt công tác kiểm tra định kỳ, nhất là Bộ Y tế phải kiên quyết trong việc kiểm tra sức khỏe của lái xe... để hạn chế tối đa những sự việc đáng tiếc, giúp người dân yên tâm khi ra đường.

Chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Trong đó, những quy định của dự thảo về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.

Đa số ý kiến tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.

Một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân trốn.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, chiều 22/5. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, chiều 22/5. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam cần phù hợp với Hiến pháp 2013, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, các luật khác có liên quan, cùng với các điều ước quốc tế về nhân quyền, lao động...

Cũng tại hội trường, các nội dung chủ yếu được thảo luận liên quan đến dự thảo Luật về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại giam; về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại...

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thảo luận về dự án Luật này.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đọc Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đọc Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thư viện./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều