"Trong trận chiến không cân sức ngày 28 và 29-4-1975, địch điên cuồng tấn công khiến chúng tôi phải căng mình chống đỡ. Nhiều đồng chí, đồng đội đã anh dũng chiến đấu đến tận giây phút cuối cùng vì độc lập, tự do của dân tộc".
“Trong trận chiến không cân sức ngày 28 và 29-4-1975, địch điên cuồng tấn công khiến chúng tôi phải căng mình chống đỡ. Nhiều đồng chí, đồng đội đã anh dũng chiến đấu đến tận giây phút cuối cùng vì độc lập, tự do của dân tộc”.
Các chiến sĩ của Trung đoàn 113 năm xưa dâng hương tưởng nhớ các đồng đội đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Đoàn Đặc công 113 (ở phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) sáng 25-4-2019. Ảnh: H.DUNG |
Thượng sĩ Nguyễn Văn Chương (67 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 23, Trung đoàn 113, nay là Lữ đoàn đặc công bộ 113) bồi hồi nhớ lại những ngày cùng đồng đội chiến đấu trong trận chiến trước khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn năm 1975.
* Anh dũng kiên cường
Nhớ tới đồng đội, hằng năm vào mỗi dịp 30-4, 27-7 và 22-12, các chiến sĩ pháo binh, đặc công của Trung đoàn 113 năm xưa lại cùng nhau tổ chức đi thăm viếng đồng đội ở các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm. Họ kể cho nhau nghe những kỷ niệm vừa hào hùng nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng. Và cứ mỗi lần nhìn lên tấm bia ghi tên tuổi, địa chỉ của đồng đội, những người lính già lại rưng rưng nước mắt. |
Ông Nguyễn Văn Chương kể lại, đêm 26-4, khi đang ở Tân Uyên, các chiến sĩ của Trung đoàn 113 nhận được lệnh phải đánh và chiếm giữ bằng được 2 đầu cầu Hóa An và cầu Ghềnh để đón đại quân của ta từ Xuân Lộc tiến về Sài Gòn. Theo đó, tiểu đoàn 174 cùng với chỉ huy của Trung đoàn bộ đóng ở chốt đầu cầu Hóa An; Tiểu đoàn 23 đặc công bộ đánh ở đầu cầu Ghềnh; Tiểu đoàn 9 đánh ở Hốc Bà Thức.
“Đêm 27-4, chúng tôi bắt đầu hành quân, đến rạng sáng ngày 28-4 đã vào đến đầu cầu và làm chủ 2 đầu cầu. Tuy nhiên, quân của ta chưa thể tiến vào Sài Gòn như dự định do bị chặn đánh ở Trảng Bom, Hố Nai rất quyết liệt. Máy bay trực thăng của địch liên tục quần trên đầu, pháo cối ở núi Châu Thới bắn vào 2 đầu cầu trong suốt 2 ngày 28 và 29-4. Pháo nổ rền vang khiến ngày 29-4, tai chúng tôi đều đặc, không nghe được gì, nhìn thấy nhau chỉ biết ra ký hiệu” - ông Chương nhớ lại.
“Sau 2 ngày chiến đấu, hầu hết chúng tôi đều hết đạn, lại không được tiếp viện nên gặp vô vàn khó khăn. Có những đồng chí chỉ còn 1 quả lựu đạn, không thể tiến cũng không thể lui đã anh dũng kích lựu đạn nổ để hy sinh cùng với quân thù chứ không chịu để bị bắt” - cựu chiến binh Trương Công Điệp, nguyên chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 174, Trung đoàn 113 xúc động nhớ lại.
Người lính đặc công năm xưa Nguyễn Văn Chương thì còn nhớ như in những gì diễn ra sau đó. Ông kể, đến chiều tối ngày 29-4, có trận mưa rất lớn, trời tối đen như mực. Sau trận mưa đó thì im tiếng súng. Đêm 29-4, pháo của Quân đoàn 1 bắn vào Sân bay Biên Hòa, xe tăng của quân ta từ Trảng Bom tiến về Sài Gòn qua xa lộ Hà Nội, một số đơn vị bộ binh chạy qua đường cầu Hóa An, cầu Ghềnh tiến thẳng về Sài Gòn. Sáng 30-4, người dân đổ ra đường rất đông, cờ hoa bay phấp phới.
* Đi tìm đồng đội
Đến trưa 30-4, Biên Hòa hoàn toàn giải phóng, các chiến sĩ đặc công, pháo binh còn sống sót sau trận đánh bắt đầu đi tìm những đồng đội đã hy sinh. Sau đó cùng với nhân dân đem các đồng đội đi chôn cất ở Nghĩa trang Tân Vạn và ở chân núi Châu Thới. Sau này, hài cốt của các anh hùng liệt sĩ được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ đóng trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh.
Một thời gian sau, một số chiến sĩ bị thương nặng, sức khỏe yếu được đưa ra miền Bắc an dưỡng và học lên đại học. Ông Nguyễn Văn Chương sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm đã đi dạy ở Trường cấp 3 Đoan Hùng, Phú Thọ. “20 năm sau, tôi trở lại Đồng Nai bởi trong lòng vẫn luôn đau đáu vì còn nhiều đồng đội đã hy sinh nhưng vẫn còn nằm lại ở đâu đó trong lòng đất mẹ, chưa tìm thấy hài cốt. Có những đồng chí được chôn ở hố chôn tập thể đến nay vẫn chưa biết tên. Điều này khiến chúng tôi vô cùng khắc khoải. Đồng đội của chúng tôi khi đó là những chàng trai mười tám, đôi mươi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ gác lại tất cả niềm riêng để lên đường, cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân của mình cho độc lập, tự do của dân tộc” - ông Chương bùi ngùi.
Cũng chính bởi niềm thôi thúc đó mà thời gian qua, những chiến sĩ pháo binh, đặc công năm xưa đã bằng mọi cách, qua nhiều kênh thông tin khác nhau để tìm kiếm thông tin về đồng đội. Đến nay, họ đã tìm được 5 hài cốt của 5 liệt sĩ.
* Gửi gắm ở tương lai
Chia sẻ về những đổi thay của đất nước từ sau ngày giải phóng năm 1975 đến nay, ông Nguyễn Trùng Phương (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh) cho hay, sau 44 năm, đất nước có quá nhiều thay đổi. Thấy rõ nhất là đường sá giao thông được mở rộng thông thoáng. Nhiều nhà cao tầng khang trang, hiện đại được mọc lên. Đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ cao ngày càng nhiều. Đặc biệt, sau giải phóng đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Từ chỗ thiếu lương thực, thiếu đói triền miên, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới.
Các chiến sĩ của Trung đoàn 113 ôn lại những kỷ niệm năm xưa nhân dịp 44 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Đoàn Đặc công 113 (phường Tân Hoà, TP.Biên Hoà) sáng ngày 25-4-2019 |
Trong khi đó, cựu chiến binh Vũ Đức Ninh thì bộc bạch, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân tới các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, cựu chiến binh khiến những người lính năm xưa cảm thấy ấm lòng. Là những người ở lại, cựu chiến binh tự nhủ phải làm điều gì đó để thế hệ mai sau biết, nhớ, trân trọng và gìn giữ nền độc lập, tự do của dân tộc. Ông nói: “Tôi mong muốn đất nước mãi mãi hòa bình, ngày càng phát triển. Các thế hệ sau này có điều kiện được học hành, thể hiện tài năng hơn những thế hệ trước. Còn chúng tôi, vẫn sẽ tiếp tục đi tìm hài cốt các đồng đội”.
Còn Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lân, nguyên Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn đặc công 429, Trung đoàn 113 thì mong muốn các chiến sĩ trẻ của Lữ đoàn đặc công bộ 113 tiếp tục phát huy tốt truyền thống của đơn vị mình là đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn. Đồng thời, các chiến sĩ sẽ cùng nhau đoàn kết tốt, học tập giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao để bảo vệ đất nước mãi mãi hòa bình.
Là người được sinh ra vào đúng năm 1975, ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh không giấu nổi niềm vinh dự, tự hào. Ông Lập chia sẻ: “Là thế hệ được sinh ra và lớn lên trong thời bình, bản thân tôi luôn xác định trách nhiệm, nghĩa vụ phải xây dựng, bảo vệ thành quả của cách mạng, để xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Dù ở bất kỳ cương vị nào, trong bất cứ lĩnh vực nào, tôi cũng sẽ luôn cố gắng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.
Đẩy mạnh giáo dục truyền thống yêu nước cho thanh niên Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hiền cho biết, nhân kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trong tháng 4-2019, Tỉnh đoàn Đồng Nai chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như: giao lưu văn hóa với sinh viên Lào, Campuchia đang theo học tại Đồng Nai; tổ chức liên hoan giai điệu sinh viên, liên hoan thiếu nhi nghèo vượt khó học tốt. Đặc biệt, Tỉnh đoàn phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức hành trình Thầy thuốc trẻ tình nguyện khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho 800 người dân, gia đình chính sách, người cao tuổi tại 4 huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Long Thành và Định Quán. Thông qua các hoạt động này nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần tình nguyện của thanh niên Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Đồng Nai nói riêng. Qua đó góp phần tri ân các gia đình chính sách, thương, bệnh binh tại các địa phương. |
An Yên