Thời gian qua, phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp luôn được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong tỉnh tập trung đẩy mạnh, góp phần giúp cho nhiều gương hội viên, phụ nữ khởi nghiệp thành công.
Thời gian qua, phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp luôn được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong tỉnh tập trung đẩy mạnh.
Bà Lê Thị Thu Trang (bìa trái), chủ Cơ sở may ba lô, túi xách Minh Trang (huyện Long Thành) giới thiệu sản phẩm tại Ngày hội Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp năm 2018. Ảnh: N.Sơn |
Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều gương hội viên, phụ nữ khởi nghiệp thành công, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện đại.
* Thành công từ sự kiên trì
Từ khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, bà Nguyễn Thị Hồng Cúc (ngụ ở KP.3, phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) đã có thể kiếm tiền phụ giúp gia đình sau giờ học từ việc bán khoai, đậu phộng luộc, chè, bánh bao… Học hết lớp 9, bà nghỉ học ở nhà đi làm. Vừa xin làm sổ sách cho các lò gạch, bà vừa tranh thủ đi mua bán xăng lẻ kiếm lời.
Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh đề ra mục tiêu toàn tỉnh sẽ hỗ trợ thành lập ít nhất 20 mô hình kinh tế tập thể; 350 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; 100% doanh nghiệp mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp... |
Năm 20 tuổi, bà Cúc chuyển sang buôn bán các loại gạch. Để có khách hàng, bà rong ruổi khắp nơi từ Đồng Nai cho đến các tỉnh lân cận để chào hàng. Có những nơi chào hàng lần đầu không được, bà kiên trì chào hàng nhiều lần đến khi nào người ta đồng ý mua mới thôi. Khi có khách hàng mua gạch, bà thuê xe chở tới và kiếm tiền chênh lệch. Sau này lập gia đình, bà vẫn tiếp tục cùng chồng kinh doanh mặt hàng này và kinh doanh thêm dịch vụ vận tải cho đến nay.
Nhờ chịu khó, kiên trì học hỏi mà bà Lê Thị Thu Trang, ở thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) đã khởi nghiệp thành công. Bà Thu Trang cho biết trước đây bà từng làm thuê cho một cơ sở may túi xách ở TP.Hồ Chí Minh. Vốn có “máu” kinh doanh, sau một thời gian đi làm thuê, bà tìm hiểu nơi bán vật liệu, mua về may giỏ xách và tự đi bán.
Lúc mới bắt tay vào làm không có vốn, vợ chồng bà gom góp mãi mới mua được 1 máy may. Chồng bà phụ trách phần may còn bà chịu trách nhiệm tìm kiếm vật liệu, mẫu mã và chào bán sản phẩm. Do sản phẩm nhà làm, giá thành rẻ hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường nên các đơn hàng ngày một tăng lên. Lúc này bà mạnh dạn đầu tư thêm máy may, thuê thêm nhân công, đến nay Cơ sở may ba lô, túi xách Minh Trang của bà có khoảng 10 lao động đang làm việc với mức thu nhập ổn định từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. “Với những thuận lợi hiện có, sắp tới tôi sẽ mở rộng nhà xưởng để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương” - bà Trang cho hay.
* Làm tốt vai trò hỗ trợ, kết nối
Những năm qua, việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được các cấp Hội xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp hội viên phụ nữ cải thiện đời sống, nâng cao vị thế trong xã hội. Vì vậy các cấp Hội luôn chú trọng đến các hoạt động hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ phụ nữ học nghề, giải quyết việc làm và chuyển giao khoa học - kỹ thuật…
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, ấp 1, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) làm gia công giày da tại nhà |
Phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp lại càng được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong tỉnh đẩy mạnh khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 và UBND tỉnh ban hành kế hoạch về thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025. Một trong những hoạt động điểm nhấn phải kể đến là Ngày hội Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức vào cuối tháng 10-2018. Tại đây, cán bộ, hội viên đã tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như: trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm, nghe doanh nhân nữ tiêu biểu chia sẻ về kinh nghiệm khởi sự kinh doanh…
Tham dự Ngày hội Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp năm 2018 vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Loan, ở ấp 1, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cho rằng, Ngày hội Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp rất bổ ích. Thông qua ngày hội giúp nhiều chị em ấp ủ dự định khởi nghiệp hình thành ý tưởng khởi nghiệp, những chị em đang khởi nghiệp hoàn thiện hơn mô hình của mình và đặc biệt là các chị em khởi nghiệp thành công có thể giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Theo bà Bùi Thị Hạnh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, bên cạnh duy trì tổ chức Ngày hội Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, trong năm nay các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về khởi nghiệp. Đặc biệt, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh sẽ chỉ đạo cơ sở tập trung vào các hoạt động hỗ trợ và kết nối giúp phụ nữ phát triển kinh doanh, tổ chức các chương trình tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực khởi nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tài chính; hỗ trợ pháp lý, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, phát triển sản phẩm; kết nối thị trường; kết nối mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp…
Nga Sơn