Báo Đồng Nai điện tử
En

Gắn học Bác với chăm lo đời sống hội viên

09:02, 25/02/2019

Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều mô hình vì phụ nữ nghèo đã được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong tỉnh thực hiện...

Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều mô hình vì phụ nữ nghèo được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong tỉnh thực hiện và đạt kết quả tích cực, góp phần chăm lo đời sống hội viên.

Hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) lựa chọn đồ cũ tại Gian hàng từ thiện - kết nối yêu thương
Hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) lựa chọn đồ cũ tại Gian hàng từ thiện - kết nối yêu thương

Từ gian hàng từ thiện - kết nối yêu thương do Hội Liên hiệp phụ nữ xã thành lập mà bà Điểu Thị Lý và những hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn khác ở xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) sở hữu được những món đồ cũ phù hợp với nhu cầu mà không cần bỏ một đồng phí nào.

* Chia sẻ khó khăn với phụ nữ nghèo

Chị Trần Huyền Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) cho biết, nhiều gia đình có nhu cầu bỏ đi những đồ đã cũ như: quần áo, mũ, giày dép, cặp, sách giáo khoa... trong khi không ít gia đình lại không có điều kiện để mua mới, nên năm 2017 Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã thành lập mô hình Gian hàng từ thiện - kết nối yêu thương. Đúng như tên gọi của mô hình, gian hàng từ thiện là nơi kết nối để những hội viên phụ nữ khá giả ủng hộ những món đồ cũ không dùng tới và những hội viên khó khăn có thể lựa chọn mang về dùng.

Bà Lê Thị Thái, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 126 mô hình với trên 17 ngàn tổ, nhóm, câu lạc bộ tương thân tương ái; tiết kiệm; rèn luyện phẩm chất, đạo đức; xây dựng cộng đồng, xã hội...

Bà Điểu Thị Lý ở ấp Tín Nghĩa, cho hay gian hàng mở cửa từ sáng tới tối nên mỗi lần đi ngang bà lại ghé vào xem, có hôm lựa được cái áo cho mình, cái quần cho con trai mặc đi làm. Hôm nay dẫn đứa cháu nội đi cùng, bà còn lựa được một đôi dép, chiếc cặp còn mới cho đứa cháu để dành chuẩn bị vào lớp 1. “Với những người còn phải lo cóp nhặt từng đồng lẻ như tôi, sở hữu được những món đồ không mất tiền mua thì vui lắm. Hy vọng gian hàng sẽ tiếp tục được duy trì để tôi cũng như những người cùng cảnh ngộ vơi bớt khó khăn” - bà Lý bộc bạch.

Cũng với ý nghĩa chia sẻ khó khăn với người nghèo, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, năm 2017 mô hình Bếp yêu thương của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) chính thức thành lập. Theo chị Trương Thị Ngọc Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Phú, từ nguồn kinh phí mà các tổ chức, cá nhân mạnh thường quân ủng hộ, định kỳ 2 lần/tháng các thành viên tham gia mô hình lại nổi lửa để nấu và phát cơm từ thiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại làng dân tộc Chơro, bệnh nhân nghèo nội trú tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, Trung tâm y tế huyện Xuân Lộc. Tính đến thời điểm này, Bếp yêu thương đã phát trên 12 ngàn hộp cơm, hơn 12 ngàn hộp sữa miễn phí với số tiền trên 230 triệu đồng.

Ngoài mô hình 2 trong 1 (2 chị khá giúp 1 chị có hoàn cảnh khó khăn), từ năm 2016 Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Vĩnh Cửu đã triển khai mô hình Tấm thẻ nghĩa tình. Theo đó, các cấp Hội trong huyện tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên phụ nữ khá, mạnh thường quân đóng góp ủng hộ kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế tặng cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Sau 2 năm triển khai, mô hình đã vận động tặng trên 460 tấm thẻ với tổng kinh phí trên 264 triệu đồng giúp hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt chi phí khám chữa bệnh lúc ốm đau.

* Tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức

Bà Lê Thị Thái, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết để các mô hình “sống”, cần có sự tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ. Vì vậy, hằng năm Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đều xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, phụ nữ. Bên cạnh đó, các cấp Hội, nhất là ở cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức.

Chia sẻ về cách thức triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại xã, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) Nguyễn Thị Sao cho biết, Hội tổ chức cho các chi Hội ký cam kết thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua của Hội, đưa tiêu chí học tập và làm theo Bác trở thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm. Hội Liên hiệp phụ nữ xã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo của xã tổ chức các lớp tập huấn công tác Hội, trong đó có chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua những buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, các tổ, nhóm, câu lạc bộ, giao lưu tọa đàm, Hội cũng lồng ghép tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Từ những việc làm này, Hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở đã giúp cán bộ, hội viên phụ nữ nhận thức sâu sắc về giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tích cực làm theo. Từ đây xuất hiện nhiều điển hình hội viên, phụ nữ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Sau khi nghe Chi hội ấp Phú Quý 2, xã La Ngà (huyện Định Quán) triển khai nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bà Trần Thị Xuân đã đăng ký thực hiện phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. “Tôi học Bác từ việc sắp xếp công việc gia đình hợp lý, thực hành tiết kiệm đến tích cực đóng góp cho các phong trào tại địa phương. Cụ thể như năm 2017, gia đình tôi đã tự nguyện hiến trên 34m2 đất và đóng góp tiền làm đường giao thông nông thôn, góp phần xây dựng xã La Ngà trở thành xã nông thôn mới” - bà Xuân nói.

Nga Sơn

Tin xem nhiều