Chặng đường giúp nước bạn Campuchia đánh tan chế độ diệt chủng Pol Pot và xây dựng lại đời sống mới trên quê hương chưa ngưng tiếng súng được đánh đổi bằng máu xương và tuổi trẻ của bao lớp thanh niên Việt Nam ngày ấy.
Chặng đường giúp nước bạn Campuchia đánh tan chế độ diệt chủng Pol Pot và xây dựng lại đời sống mới trên quê hương chưa ngưng tiếng súng được đánh đổi bằng máu xương và tuổi trẻ của bao lớp thanh niên Việt Nam ngày ấy. Nhưng với tinh thần “giúp bạn cũng là giúp mình”, không một ai nề hà gian khó mà luôn sát cánh cùng nước bạn Campuchia trong lúc gian nguy nhất.
Ông Nguyễn Văn Việt (giữa, nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 16, Sư đoàn 5, Mặt trận 479) tham quan các mô hình sản xuất, kinh doanh của cựu chiến binh trong tỉnh. Ảnh: Đăng Tùng. |
Với những cựu chiến binh, những người lính năm xưa, thời gian hỗ trợ nước bạn Campuchia mãi mãi là ký ức không thể nào quên. Mỗi khi nhắc lại các địa danh từng hành quân, từng giao chiến với quân Pol Pot để bảo vệ người dân Campuchia, đôi mắt của họ lại sáng lên hồi ức của một thời trai trẻ xông pha, vượt lên những hiểm nguy, băng qua lằn ranh sinh tử để tiêu diệt chế độ diệt chủng.
* Lên đường bảo vệ biên cương
Chưa kịp ngơi nghỉ sau khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, trước tình hình biên giới Tây Nam căng thẳng, ông Nguyễn Quốc Hoàn (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) lại cùng đồng đội ở Trung đoàn đặc công 113 lên đường đến “tuyến lửa” bảo vệ biên cương từ năm 1977. Cuối năm 1978, cùng các đơn vị của quân tình nguyện Việt Nam, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, đơn vị của ông Hoàn tấn công vượt biên giới, đẩy lùi quân Pol Pot. Đến đầu năm 1979, đơn vị của ông Hoàn đã tiến công giải phóng tỉnh Takeo và các tỉnh lân cận của Campuchia.
Cán bộ Sư đoàn 302, Mặt trận 479 phổ biến chiến thuật trước khi tiến công địch tại Campuchia. Ảnh: Tư liệu. |
“Khi đơn vị tôi vào TX.Takeo thì phát hiện hàng trăm người dân đang bị quân Pol Pot nhốt chuẩn bị giết hại. Tình cảnh thị xã khi ấy rất thê thảm, khói lửa khắp nơi, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng, người dân không còn nhà, không biết đi về đâu. Ngay cả những người lính dày dạn kinh nghiệm trong những năm chống Mỹ như tôi mà cũng không khỏi rùng mình trước những gì chứng kiến” - ông Nguyễn Quốc Hoàn kể lại.
Từng có 2 giai đoạn tham gia chiến đấu tại Campuchia, ông Lê Ngọc Hưng (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) cho biết, từ năm 1978-1979 ông là chiến sĩ Trung đoàn 866, Sư đoàn 31, giải phóng tỉnh Siem Reap và từ năm 1983-1989 là cán bộ Trung đoàn 201, Sư đoàn 302, Mặt trận 479. Năm đó, ông là chiến sĩ mới, được huấn luyện chưa tròn 3 tháng đã ra mặt trận vì tình hình chiến sự rất ác liệt. Đơn vị của ông đã đi qua các tỉnh: Kampong Thom, Siem Reap, Oddar Meancheay... và chứng kiến những dấu tích tàn bạo của bọn diệt chủng Pol Pot đối với chính người dân Campuchia. Nhiều người lính trẻ khi ấy đã không cầm được nước mắt và họ quyết biến đau thương thành hành động, quét sạch bè lũ Pol Pot, bảo vệ biên cương, đồng thời mang lại sự bình yên cho các phum, sóc ở xứ sở Chùa Tháp.
* Thắt chặt tình anh em
Suốt khoảng thời gian từ năm 1984-1989 đóng quân tại các tỉnh Kampong Thom, Kampong Cham và Kratie, ông Võ Quang (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) cùng các đồng đội ở Trung đoàn 159, Mặt trận 779 thực hiện nhiệm vụ truy quét, chiến đấu với tàn quân của Pol Pot. Ông Quang cho hay, bên cạnh những hoạt động truy quét, tuần tra, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đã cùng xây dựng tình cảm gắn bó với nhân dân Campuchia qua các ngày lễ, tết của 2 đất nước. Tết của nước bạn thì đơn vị quân đội của Việt Nam đến thăm, chúc mừng chính quyền, nhân dân địa phương; tết cổ truyền Việt Nam thì chính quyền bạn sang thăm, chúc mừng lại. Thông qua những dịp ấy, người lính tình nguyện và nhân dân Campuchia lại thêm gắn kết, thắt chặt tình anh em.
“Ngày đó đời sống rất khó khăn, tuy nhiên việc tổ chức các ngày lễ là điều không thể thiếu. để các buổi lễ, tết diễn ra an toàn, ấm áp, một số đơn vị phải tổ chức truy quét tàn quân Pol Pot từ trước, trong và sau dịp lễ, tức là tổ chức tấn công địch, đuổi chúng ra xa những nơi tổ chức lễ, tập trung đông người để đảm bảo an toàn cho những người tham dự” - ông Quang kể lại.
Quân y Sư đoàn 302, Mặt trận 479 chăm sóc sửa khỏe cho nhân dân Campuchia. Ảnh: Tư liệu. |
Đến giữa những năm 1980, với sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam, tình hình chiến sự ở Campuchia đã ổn định hơn. Tại các phum, sóc, việc vận chuyển lương thực cũng dễ hơn trước, nhiều đơn vị có điều kiện trồng trọt, chăn nuôi tại chỗ nên bữa ăn cũng được cải thiện. Đặc biệt, các dịp lễ, tết cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện được ăn uống đầy đủ hơn, ngon hơn; được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản do người dân Campuchia chiêu đãi.
Trong những năm tháng sát cánh cùng quân và dân Campuchia chống lại quân Pol Pot đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện của Việt Nam hy sinh. “Ngày ấy, thôn của tôi có 5 người nhập ngũ cùng ra chiến trường biên giới Tây Nam. Ngày về thăm nhà, chỉ còn mỗi mình tôi sống sót. Bấy nhiêu đó cũng đã đủ diễn tả sự ác liệt của cuộc chiến những năm 1978, 1979. Dù gian khó lắm, đau thương lắm, nhưng anh em luôn nghĩ trong đầu rằng, việc chúng tôi làm ở đây không chỉ là nghĩa vụ quốc tế, giúp đỡ nước bạn Campuchia mà còn giúp chính đất nước Việt Nam, trước mối hiểm họa của quân Pol Pot” - ông Lê Ngọc Hưng chia sẻ.
Minh Thành