Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số

10:01, 20/01/2019

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai không nhiều. Những năm qua, tỉnh luôn có sự quan tâm đặc biệt và làm thay đổi rõ rệt về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số...

Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Đồng Nai không nhiều, chỉ chiếm khoảng 7% dân số của tỉnh. Những năm qua, Đồng Nai luôn có sự quan tâm đặc biệt và làm thay đổi rõ rệt về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS.

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới tặng quà cho đồng bào dân tộc Chơro xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) năm 2018
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới tặng quà cho đồng bào dân tộc Chơro xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) năm 2018

Ngoài các chính sách chung của Trung ương, Đồng Nai còn có thêm các chính sách đặc thù, giúp đồng bào DTTS ngày một phát triển.

* Nâng cao đời sống vật chất

Bà Lưu Thị Nhuận, dân tộc Tày (ngụ ấp 3, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) vốn quê ở tỉnh Cao Bằng, vào Tà Lài sinh sống đã hơn 40 năm. Trước đây nhà cửa của người dân xã Tà Lài được dựng chủ yếu bằng cây và lợp bằng lá rừng. Bà còn tự khai hoang trồng trọt theo kiểu truyền thống, ươm mạ rồi cấy, nước tưới phụ thuộc vào thiên nhiên nên 1 năm chỉ trồng được 2 vụ, năng suất thấp. Nhờ địa phương đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi đến tận chân ruộng, đồng thời hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật bà và người dân trong vùng đã làm được 3 vụ lúa/năm năng suất cũng tăng lên nên thu nhập tăng lên đáng kể.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương nên đời sống đồng bào DTTS ở Đồng Nai ngày càng được nâng cao. Nếu như cuối năm 2016, toàn tỉnh có 1.282 hộ nghèo là đồng bào DTTS (chiếm 3,23% so với tổng số hộ đồng bào DTTS) thì nay còn 720 hộ nghèo là đồng bào DTTS (chiếm 1,81%).

Không chỉ trồng lúa, bà con còn trồng thêm nhiều loại cây khác như: cà phê, tiêu, điều, nuôi dê, bò nên đời sống khá hơn trước rất nhiều. Gia đình bà Nhuận cũng như nhiều hộ dân nơi đây đã xây dựng được nhà cửa khang trang. Đường vào ấp, vào xã cơ bản được trải nhựa và bê tông, ô tô vào tận nơi chứ không còn ổ voi, ổ gà, cây rừng rậm rạp che kín 2 bên đường đi như trước.

Ông Vòng A Sam, dân tộc Hoa, Trưởng ban công tác Mặt trận KP.6, thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú) cho biết, Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm giúp đỡ đồng bào DTTS về vốn, kỹ thuật làm ăn; xây dựng nhà ở; chăm sóc sức khỏe, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế; không chỉ miễn học phí mà còn có nhiều chính sách hỗ trợ khác cho con em đồng bào DTTS... Đến nay, ở KP.6 không còn nhà dột nát; chỉ còn 5/900 hộ thuộc diện nghèo.

Theo ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, những năm qua Đồng Nai luôn nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách dành cho đồng bào DTTS. Chỉ tính trong năm 2018, tỉnh đã phê duyệt danh sách hỗ trợ 604 hộ đồng bào DTTS về đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và hỗ trợ nước sạch sinh hoạt với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ cây, con giống, đào tạo nghề cho đồng bào DTTS; MTTQ và các đoàn thể thì tích cực vận động xây dựng nhà ở, vốn cho đồng bào nhằm giúp đồng bào có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Băm 2018 riêng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã vận động và đề xuất tỉnh phân bổ số tiền 400 triệu đồng để hỗ trợ sửa chữa 20 căn nhà thuộc Chương trình 134 của Nhà nước cho đồng bào dân tộc Chơro ở xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ. 

* Chăm lo đời sống tinh thần

Không chỉ thực hiện các chính sách ưu tiên trong phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS, Đồng Nai còn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế cho đồng bào. Tỉnh đã đầu tư và đưa vào sử dụng 13 nhà văn hóa dân tộc của các dân tộc: S’tiêng, Chơro, Mạ, Chăm...  thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Long Thành, Vĩnh Cửu và Thống Nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đồng thời, tỉnh đã trang bị rất nhiều nhạc cụ truyền thống (cồng, chiêng, trống, chập chạ...) cho các nhà văn hóa dân tộc và nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Hằng năm, tỉnh còn mở các lớp dạy đánh cồng chiêng, hát múa dân ca bằng tiếng dân tộc, dệt thổ cẩm, đan lát cho con em đồng bào DTTS. Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã mở lớp tập huấn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cho đồng bào Chơro. Qua đó, đồng bào Chơro đã được nghe phổ biến các chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc; bồi dưỡng kỹ thuật sử dụng cồng chiêng, bắn ná, múa hát, nấu ăn truyền thống; giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các câu lạc bộ và giữa các làng dân tộc Chơro, Tày, Khmer trên địa bàn tỉnh. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn phát hành bộ sách ảnh Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai.

Nhiều lễ, tết truyền thống của đồng bào DTTS tiếp tục được duy trì, tạo tinh thần vui tươi, đoàn kết, thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia như: lễ hội chùa Ông (dân tộc Hoa); lễ hội SaYangva (dân tộc Chơro); lễ hội xuống đồng (dân tộc Tày); tết Chol Chnam Thmay (dân tộc Khmer); tháng ăn chay Ramadan (dân tộc Chăm)…

Để đời sống đồng bào DTTS được ổn định như hôm nay có phần đóng góp tích cực từ đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đội ngũ này đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào “tương thân, tương ái” ở cộng đồng dân cư.

Phương Hằng

Tin xem nhiều