Công đoàn khu công nghiệp là đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời cho các đơn vị Công đoàn cơ sở (CĐCS) tại các doanh nghiệp đưa quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào thực tiễn.
Công đoàn khu công nghiệp là đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời cho các đơn vị Công đoàn cơ sở (CĐCS) tại các doanh nghiệp đưa quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào thực tiễn.
Công nhân Công ty TNHH bao bì CP (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) trong giờ sản xuất. |
Theo đại diện Công đoàn khu công nghiệp, đã có trên 300 cán bộ CĐCS được tập huấn các nội dung của quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời cán bộ Công đoàn khu công nghiệp còn hỗ trợ thêm việc triển khai các biểu mẫu trong quá trình triển khai quy chế như: quy định về triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở để các CĐCS thông báo công khai tại doanh nghiệp, quy chế về tổ chức hội nghị người lao động và quy chế đối thoại định kỳ giữa người lao động và chủ sử dụng lao động.
Nghị định 60 quy định việc tổ chức hội nghị người lao động sẽ do chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính, còn Công đoàn chỉ có vai trò phối hợp. Tuy nhiên chính cán bộ CĐCS tại các doanh nghiệp lại là những người tâm huyết chủ động thực hiện nội dung này. Sở dĩ có điều này vì chủ doanh nghiệp và CĐCS đã tạo được sự đồng thuận trong việc cùng trách nhiệm với người lao động.
Nhờ vậy mà nếu như năm 2013 chỉ có 31 doanh nghiệp tổ chức được hội nghị người lao động thì năm 2015 tăng lên 47 đơn vị, năm 2017 có 81 đơn vị và từ đầu năm đến nay đã có 51 đơn vị. Số đơn vị xây dựng được quy chế dân chủ cũng tăng lên hằng năm. Cụ thể năm 2013 chỉ có 46 đơn vị thì nay đã có đến gần 300 đơn vị.
Bà Phạm Thị Phương, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho hay, nhờ tìm được tiếng nói chung với chủ doanh nghiệp nên quy chế dân chủ được thực hiện và mang lại hiệu quả. Nhiều vấn đề liên quan đến đời sống công nhân lao động như tiền lương, phúc lợi, môi trường làm việc được nâng cao hơn trong mỗi lần đối thoại, qua đó quan hệ lao động thực sự ổn định, mang lại cho doanh nghiệp cơ hội phát triển bền vững.
Bà Phương cho biết thêm: “Lương tối thiểu của người lao động tại công ty luôn cao hơn lương tối thiểu của Nhà nước, còn thu nhập trung bình của người lao động từ năm 2017 đã là trên 9 triệu đồng/người/tháng”.
Trong khi đó ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho hay việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở mang lại nhiều hiệu quả cho cả doanh nghiệp và người lao động. Chủ doanh nghiệp hiểu sẽ khích lệ tinh thần làm việc của người lao động, vì người lao động cảm nhận mình được tôn trọng, từ đó cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp.
Công Nghĩa