Báo Đồng Nai điện tử
En

Sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn

07:10, 13/10/2018

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Tổ chức xây dựng Đảng hiện nay là làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Tổ chức xây dựng Đảng hiện nay là làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đúng với tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Văn Ru (bìa phải) thăm hỏi, tặng quà ông Nguyễn Cần, cán bộ tiền khởi nghĩa tại phường Bình Đa, TP.Biên Hòa.
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Văn Ru (bìa phải) thăm hỏi, tặng quà ông Nguyễn Cần, cán bộ tiền khởi nghĩa tại phường Bình Đa, TP.Biên Hòa.

Nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống ngành tổ chức xây dựng Đảng, Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Ru, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy xoay quanh nội dung này.

* Được bảo lưu phụ cấp chức vụ

 Xin đồng chí cho biết kết quả bước đầu trong sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII trên địa bàn tỉnh?

- Tỉnh ủy đã có Kế hoạch 166 ngày 2-4-2018 về thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc của Tỉnh ủy; đề án Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung; đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện cải cách hành chính theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp. Đồng thời, triển khai thực hiện các quy định số lượng chức danh, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố, thực hiện kiêm nhiệm công việc đối với 28 chức danh cán bộ, công chức và người lao động không chuyên trách cấp xã nhằm giảm biên chế và tăng thu nhập của cán bộ, công chức cấp xã.

Triển khai các mô hình nhất thể hóa chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện như: mô hình Trưởng ban Dân vận cấp ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ ở huyện Long Thành, dự kiến từ nay đến Đại hội MTTQ cấp huyện nhiệm kỳ 2019-2024 sẽ thực hiện thêm ở 6 huyện; mô hình trưởng ban tuyên giáo cấp ủy kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị ở 3 huyện, dự kiến trong quý IV-2018 sẽ hoàn thành ở các đơn vị còn lại.

Đối với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, đang thực hiện quy trình hoàn chỉnh đề án hợp nhất Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh thành một văn phòng tham mưu giúp việc chung. Tỉnh cũng đã thực hiện việc sắp xếp lại các ban chỉ đạo và các tổ chức phối hợp liên ngành; hoàn thành việc rà soát tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định.

 Sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn đồng nghĩa với việc phải giảm nhiều vị trí, chức danh lãnh đạo, điều này liệu có dẫn đến việc “chạy” để “giữ” ghế sau sắp xếp hay không, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Ru chủ trì thảo luận dự thảo kế hoạch Tỉnh ủy thực hiện các NQ HN TW 7 khóa XII
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Văn Ru chủ trì thảo luận dự thảo kế hoạch Tỉnh ủy thực hiện các NQ HN TW 7 khóa XII

- Trong Kế hoạch 166 của Tỉnh ủy đã thống nhất quan điểm chỉ đạo việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tỉnh đó là bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Qua theo dõi, các phương án, đề án sắp xếp tổ chức bộ máy đều được xây dựng theo quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai rộng rãi và dựa vào thực tế tình hình đội ngũ cán bộ tại cơ quan, đơn vị. Để tránh xảy ra tình trạng “chạy đua giữ ghế”, Ban TVTU thống nhất chủ trương khi sáp nhập, số lượng cấp phó của cơ quan mới không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của các cơ quan sáp nhập; các đơn vị, địa phương xây dựng lộ trình sắp xếp, bố trí cán bộ để đến năm 2020 có số lượng cấp phó theo quy định. Các đồng chí là cấp trưởng hoặc cấp phó có đơn tự nguyện không giữ chức vụ ở cơ quan mới sau khi sáp nhập hoặc được điều chuyển giữ chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn bổ nhiệm.

* Công khai điều kiện, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ

 Xin đồng chí cho biết, Đồng Nai có chủ trương hay chế độ chính sách gì cho những đồng chí đang giữ chức vụ lãnh đạo nhưng sau sắp xếp không được bố trí giữ chức vụ lãnh đạo nữa, hoặc đang là cấp trưởng phải bố trí làm cấp phó?

Đồng chí Phạm Văn Ru cho biết, từ nay đến quý III-2019 sẽ triển khai mô hình trưởng ban tổ chức cấp ủy kiêm trưởng phòng nội vụ ở 5 đơn vị cấp huyện; mô hình chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy kiêm chánh thanh tra ở 2 địa phương cấp huyện.

- Quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy là: kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, có cơ chế chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp...

Thực hiện chỉ đạo trên, Ban TVTU thống nhất chủ trương các đồng chí là cấp trưởng hoặc cấp phó có đơn tự nguyện không giữ chức vụ ở cơ quan mới sau khi sáp nhập hoặc được điều chuyển giữ chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn bổ nhiệm. Và trong tháng 7 vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 120 quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thôi việc theo nguyện vọng thuộc các cơ quan, đơn vị được sắp xếp, tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngoài các chế độ theo quy định hiện hành, các đối tượng thuộc diện trên sẽ được tỉnh hỗ trợ một lần.

 Thưa đồng chí, biện pháp nào để lựa chọn, bố trí được cán bộ thực sự xứng đáng vào vị trí lãnh đạo sau khi sắp xếp lại bộ máy, còn những đồng chí không được giữ nguyên chức vụ lãnh đạo cũng “tâm phục, khẩu phục”?

- Có thể nói, việc bố trí cán bộ vào vị trí lãnh đạo khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy là việc hết sức nhạy cảm, do đó các bước tiến hành phải hết sức cẩn trọng, chặt chẽ, dân chủ. Để làm được điều đó, trước hết phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, tạo sự đồng thuận. Phải nắm chắc tình hình đội ngũ cán bộ, đánh giá cán bộ một cách khách quan, tổng thể các mặt để làm cơ sở xem xét lựa chọn kết hợp với các điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

 Ngoài ra, tùy tình hình thực tế, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới, đơn vị có thể đưa ra tiêu chí đặc thù để chọn cán bộ. Trong quá trình xem xét cần phải công khai các điều kiện, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, đặc biệt khi quyết định lựa chọn cán bộ phải thực hiện bằng phiếu kín nhằm đảm bảo tính khách quan, dân chủ.

 Xin cảm ơn đồng chí!

Phương Hằng (thực hiện)

Tin xem nhiều