Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nữ thủ lĩnh "vác tù và"…

07:10, 20/10/2018

Không một đồng lương, bất kể ngày đêm xuống sinh hoạt với chị em ở các tổ, thậm chí còn bị nói những lời không hay… ấy vậy mà các nữ "thủ lĩnh" ở khu, ấp vẫn gắn bó với phong trào,...

Không một đồng lương, bất kể ngày đêm xuống sinh hoạt với chị em ở các tổ, thậm chí còn bị nói những lời không hay… ấy vậy mà các nữ “thủ lĩnh” ở khu, ấp vẫn gắn bó với phong trào, làm cầu nối giữa tổ chức Hội với hội viên.

Bà Lê Thị Thái, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao giấy chứng nhận cho các chi hội trưởng tiêu biểu tại buổi họp mặt mới đây.
Bà Lê Thị Thái, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao giấy chứng nhận cho các chi hội trưởng tiêu biểu tại buổi họp mặt mới đây.

Bà Bùi Thị Bản, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1 (xã Gia Canh, huyện Định Quán) chia sẻ, động lực để bà gắn bó với công tác Hội suốt 10 năm qua chính là niềm đam mê với phong trào.

* Vì đam mê mà gắn bó

Rời Ninh Bình vào Đồng Nai dạy học theo chính sách xây dựng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, cô giáo trẻ Bùi Thị Bản tích cực tham gia phong trào xóa mù chữ cho người dân nơi đây. Năm 2008, được cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã vận động làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1, bà đã nhận lời không một chút đắn đo.

Tại buổi họp mặt nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và tuyên dương chi hội trưởng tiêu biểu, bà Lê Thị Thái, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh bày tỏ mong muốn đội ngũ chi hội trưởng giữ mãi nhiệt huyết với công tác Hội, tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ cán bộ Hội ở địa phương để góp sức xây dựng phong trào Hội ngày càng vững mạnh.

Ngày đi dạy, tối đến sau khi thu xếp ổn thỏa việc nhà bà bắt đầu đi từng nhà vận động hội viên vào Hội. Có những chị em vận động dễ nhưng cũng có những người mặt nặng mày nhẹ, không thèm tiếp chuyện, thậm chí cho rằng vào Hội “không được tích sự gì” nên không tham gia. Với những trường hợp như vậy bà Bản lại mất thời gian để gặp gỡ, kiên nhẫn giải thích. Ngoài việc củng cố chi hội, bà tập trung tổ chức các mô hình tiết kiệm để có tiền giúp đỡ hội viên khó khăn vươn lên phát triển kinh tế; vận động mạnh thường quân tặng quà, trao học bổng cho học sinh. Từ những việc làm ý nghĩa ấy, bà được hội viên phụ nữ cũng như mạnh thường quân tin tưởng.

10 năm tham gia công tác Hội thì có gần 5 năm đảm đương vai trò Chi hội trưởng nên bà Hoàng Thị Thúy Lâm (ở KP.5, phường An Bình, TP.Biên Hòa) thấm thía những vui buồn của công việc “vác tù và” ở khu phố. Bà Thúy Lâm còn nhớ, hồi mới nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng thấy các chị tổ trưởng thiếu tự tin trong giao tiếp gây cản trở trong công tác vận động, tập hợp hội viên nên bà tổ chức thi tìm hiểu kiến thức về công tác Hội để tạo điều kiện cho các chị nói trước nhiều người, đồng thời nâng cao kiến thức về công tác Hội và phong trào phụ nữ.  Mặc dù chương trình tổ chức thành công nhưng sau đó bà cũng nhận lại những lời chỉ trích nặng nề từ một số cá nhân. Buồn vì chưa được mọi người đồng tình ủng hộ nhưng bà không lấy đó làm lý do để từ bỏ mà tiếp tục nỗ lực khẳng định năng lực của mình bằng việc đưa Chi hội Phụ nữ KP.5 trở thành chi hội xuất sắc, chi hội mạnh của phường nhiều năm liền.

* “Cánh tay” đắc lực của Hội

Năm 2001 từ Đồng Tháp gia đình bà Phạm Thị Báu chuyển lên Đồng Nai sinh sống và hiện ở KP.5,  phường Xuân Bình (TX.Long Khánh) với mong muốn cuộc sống khá hơn. Thế nhưng cũng chính thời điểm ấy, chồng bỏ đi để lại cho bà một mình xoay trở với 3 người con đang tuổi ăn tuổi học. Chán nản, bà sống khép kín và không giao lưu với ai. Thấy hoàn cảnh của bà, các đoàn thể khu phố đến nhà động viên, vận động tham gia sinh hoạt Hội. Không muốn giữ lại những đau buồn đã qua, bà quyết tâm thay đổi. Từ ngày tham gia sinh hoạt ở Chi hội Phụ nữ khu phố bà Báu đã vui vẻ trở lại và hoạt động rất tích cực. Cách đây 6-7 năm, được chị em tín nhiệm, bà làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.5. Từ cuộc đời gian truân và thành quả là 3 người con thành đạt của bà Báu, nhiều hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong chi hội như được tiếp thêm nghị lực để vươn lên.

Lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tham gia chương trình
Lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tham gia chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" tại Kon Tum.

Bà Lê Thị Thái, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho hay toàn tỉnh hiện có 1.058 chi hội trưởng phụ nữ, trong đó phần lớn đều đã lớn tuổi nhưng vẫn say mê, nhiệt huyết với phong trào, trở thành “cánh tay” đắc lực của Hội và là “cầu nối” hiệu quả giữa tổ chức Hội với hội viên, phụ nữ.

Trong đó, đội ngũ chi hội trưởng đã không quản ngại khó khăn vận động các tầng lớp phụ nữ vào Hội, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua của Hội đến với hội viên, phụ nữ. Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của tổ chức Hội cấp trên, các chi hội trưởng đã vận động thành lập các tổ phụ nữ tiết kiệm, tổ phụ nữ tương trợ để tạo ra nguồn vốn từ hội viên, phụ nữ khá để giúp cho hội viên phụ nữ khó khăn có nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, bằng uy tín của mình, đội ngũ chi hội trưởng còn vận động mạnh thường quân tài trợ kinh phí để tặng quà, học bổng, xe đạp cho hội viên, phụ nữ, con hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào, các cuộc vận động của Hội mà cá nhân các chi hội trưởng còn luôn làm gương để hội viên, phụ nữ noi theo.

Nga Sơn

Tin xem nhiều