Dẫu biết rằng một đời người sống qua trăm tuổi, trăm năm là điều hiếm, nhưng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần, đã để lại biết bao niềm tiếc thương về một người cộng sản mẫu mực, trung kiên. Lúc còn làm việc, Bác Đỗ Mười nhiều lần về thăm và làm việc với Đồng Nai và dành cho tỉnh nhà những tình cảm ưu ái. Xin kể ra đây vài câu chuyện:
Dẫu biết rằng một đời người sống qua trăm tuổi, trăm năm là điều hiếm, nhưng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần, đã để lại biết bao niềm tiếc thương về một người cộng sản mẫu mực, trung kiên. Lúc còn làm việc, Bác Đỗ Mười nhiều lần về thăm và làm việc với Đồng Nai và dành cho tỉnh nhà những tình cảm ưu ái. Xin kể ra đây vài câu chuyện:
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong một lần về thăm và làm việc tại Đồng Nai (năm 1990) và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Bình. |
1. Ông Huỳnh Văn Bình, người có vinh dự nhiều lần được làm việc với Bác Mười và mỗi lần được gặp nhà lãnh đạo cao cấp quê gốc ở Hà Nội, ông Năm Bình đều được Bác Mười gọi một cách trân quý “hào khí Đồng Nai”, đã nhớ lại:
Vào những năm đầu 1980, Bác Mười lúc ấy là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chủ trì một cuộc họp tại TP.Hồ Chí Minh, để nghe báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng cho việc triển khai xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An. Lúc bấy giờ, ông Năm Bình là Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, kiêm Trưởng ban thu dọn lòng hồ, có nhiệm vụ, chỉ huy giải tỏa trắng 32 ngàn hécta rừng để bàn giao theo kịp tiến độ, đã chuẩn bị tờ trình và trong cuộc họp ấy, ông Năm Bình đã đề nghị Trung ương chi 7 tỷ đồng để trang bị cơ giới gồm: xe máy, cưa máy, vật tư, xăng dầu để đảm bảo tiến độ dọn sạch lòng hồ, lấp sông, chặn dòng. Nghe ông Năm Bình trình bày, Bác Mười hỏi lại: “Làm gì mà đòi lắm tiền thế? Cứ cưa tay, rựa bén dọn cho sạch thì thôi. Phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm mà! Sao lại đòi tiền?”.
Xin tiền, tiền chưa thấy đâu, lại bị lãnh đạo chất vấn, ông Năm Bình vội đứng lên thưa: “Dạ thưa anh Mười. Phải có cơ giới, vật tư, xăng dầu mới làm nhanh được. Bởi cây rừng, gốc có đường kính một, hai người ôm không xuể nên phải có cưa máy, chứ dùng rựa chặt cả tháng cũng không đốn nổi một cây đâu anh Mười”. Nghe ông Năm Bình trình bày, Bác Mười quay sang Thứ trưởng Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Nguyễn Văn Danh yêu cầu nhanh chóng kiểm tra thực tế và giải quyết theo đề nghị của Đồng Nai, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của các chuyên gia Liên Xô.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Công ty cao su Đồng Nai tháng 8-1989, thời gian này đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Công ty cao su Đồng Nai tháng 8-1989, thời gian này đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. |
2. Năm 1994, ông Năm Bình lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Ông mang văn bản ra Hà Nội, xin thành lập Hải quan Đồng Nai, vì khu công nghiệp đã phát triển kha khá. Nhưng đề nghị của ông Năm không được chấp thuận, vì không có biên giới, sân bay, cảng biển thì xây dựng hải quan để làm gì. Không được chấp nhận, lại còn bị phê bình là người thiếu thực tế, ông Năm Bình đau lắm. Quyết tâm phải làm cho được, bấm bụng, ông đến Văn phòng Trung ương Đảng đăng ký xin gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười và được Bác Mười niềm nở đón tiếp và hỏi: “Ra đây có chuyện gì?”.
Nghe Bác Mười hỏi, ông Năm Bình vô đề luôn: “Dạ thưa anh Mười. Trước đây các anh cho chị Hai Liên (đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Liên, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) và bọn em sang Đài Loan nghiên cứu khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên đó, hàng hóa hoặc các hoạt động dịch vụ ra vào khu chế xuất đều phải đóng thuế xuất nhập khẩu cả, thưa anh. Do vậy, Đồng Nai xin phép Trung ương cho lập hải quan, mong anh xem xét giải quyết”. Nghe vậy, Bác Mười quay sang đồng chí trợ lý hỏi có chuyện đó sao? Đồng chí trợ lý thưa có và nói thêm, không chỉ Đài Loan mà nhiều nước trên thế giới cũng lập hải quan để thu thuế xuất nhập khẩu ra vào các khu chế xuất. Đồng chí ấy còn nói thêm ở miền Nam trước 1975, có thuật ngữ “xuất nhập khẩu tại chỗ” và họ đều thu thuế. Bác Mười chăm chú lắng nghe và quyết ngay: “Thế thì cho Đồng Nai làm hải quan để tăng nguồn thu cho đất nước”.
Hải quan Đồng Nai ra đời từ tờ giấy khai sinh số 137/TTg ngày 1-4-1994 và lớn mạnh như ngày nay là nhờ sự quyết đoán từ Bác Mười, sau khi ông đã lắng nghe đầy đủ thông tin.
3. TP.Biên Hòa nay đã trở thành đô thị loại I, nhưng ít ai biết câu chuyện có liên quan đến Bác Mười, hồi thành phố xin lên đô thị loại II.
Lúc bấy giờ, Bác Mười chủ trì cuộc họp Ban Tổ chức - cán bộ của Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành Trung ương khác cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, TP.Biên Hòa để nghe trình bày về việc đề nghị công nhận Biên Hòa là đô thị loại II. Sau khi nghe các bộ, ngành trình bày xong, Bác Mười đứng dậy, đột ngột đặt câu hỏi: “Biên Hòa có cái gì của Trung ương đóng ở đấy không mà đòi nâng cấp đô thị?”.
Nghe Bác Mười đặt câu hỏi, với tư cách là người đứng đầu tỉnh Đồng Nai, ông Năm Bình đứng lên giải bày: “Dạ thưa anh Mười. Biên Hòa được chế độ cũ xây dựng khu công nghiệp khá sớm, trong đó có mấy chục nhà máy do Trung ương quản lý. Cũng có những cơ sở được xây dựng thời Pháp mang tầm cỡ Đông Dương hồi đó, thưa anh Mười”. “Cậu nói cái gì mà mang tầm cỡ Đông Dương?”, Bác Mười vặn lại. Ông Năm Bình phải đứng lên thưa: “Dạ thưa anh, đó là Nhà máy gỗ BIF và Nhà thương điên Biên Hòa hồi đó mang tầm cỡ Đông Dương!”… Nghe trình bày, Bác Mười quay sang trao đổi với trợ lý, rồi khoát tay: “Thôi! Đồng ý cho lên đô thị loại II”.
4. Khoảng cuối những năm 1990, trong một lần về thăm Đồng Nai với tư cách là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bác Mười được chị Mười Hoàng, Bí thư Tỉnh ủy và anh Hai Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đưa đi thăm một số cơ sở sản xuất mà những phát biểu của bác lúc đó vẫn còn nóng hổi tính thời sự cho đến hôm nay.
Lần ấy, với thời gian không nhiều nhưng Bác Mười đã lần lượt đến thăm, tìm hiểu tình hình sản xuất và lắng nghe những vướng mắc trong quá trình sản xuất ở các nhà máy: Fujitsu, Mitsui Vina, Vedan, Sacom, Vikyno, Vinapro... Khi nghe các cơ sở nêu những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nghe đến đâu Bác Mười trực tiếp điện đàm với lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan đề nghị phải nhanh chóng giải quyết. Mặc dù, lúc đó Bác Mười đã bước qua tuổi 80, nhưng với tác phong nhanh nhẹn, làm việc khẩn trương, giải quyết cụ thể, đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với mọi người có dịp tiếp xúc với bác hồi ấy.
Nhưng có lẽ, những nội dung gợi mở rất mới của Bác Mười cách đây 20 năm, bây giờ ngẫm nghĩ lại mới thấy bác là người có tư duy rất sắc bén, tầm nhìn xa trông rộng. Lúc đó đến doanh nghiệp nào, Bác Mười cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Muốn thực hiện thành công nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước tiên phải “hiện đại hóa con người”. Bác Mười nói: “Ta vừa ký hiệp định thương mại với Mỹ, điều đó đặt ra nhiều vấn đề buộc chúng ta phải nỗ lực rất lớn… phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt không chỉ với Mỹ mà còn với tất cả các đối tác của chúng ta… phải tuyển chọn và đào tạo tại chỗ những nhà quản lý giỏi, công nhân lành nghề. Đồng thời, khẩn trương đổi mới công nghệ, tiến hành quản lý chất lượng sản phẩm theo yêu cầu quốc tế…”.
Hồi ấy, chưa ai nói đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà thực chất cuộc cách mạng này là do con người và vì con người nhưng Bác Mười đã nghĩ đến chuyện phải “hiện đại hóa con người”. Thuật ngữ này, hồi ấy còn rất mới nên nhiều người ở Đồng Nai chưa hiểu được tâm ý sâu xa của bác về tiến trình xây dựng đất nước. Ngày nay, chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhớ lại lời của Bác Mười phải “hiện đại hóa con người”, chúng ta càng thấm thía và phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mai Nguyên Cách