Thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trảng Bom đã tổ chức nhiều cuộc phản biện xã hội, góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo đồng thuận xã hội, đảm bảo các chủ trương, chính sách được thực hiện đúng quy định pháp luật.
Thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trảng Bom đã tổ chức nhiều cuộc phản biện xã hội, góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo đồng thuận xã hội, đảm bảo các chủ trương, chính sách được thực hiện đúng quy định pháp luật.
Cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) tham gia phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về quy định chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp (khu phố) và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tổ nhân dân, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trảng Bom Nguyễn Văn Lai cho biết, năm 2015 khi chưa có hướng dẫn cụ thể của Trung ương về giám sát, phản biện xã hội nên cơ sở khó tiến hành công tác này. Nhưng với quan niệm, vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trảng Bom mạnh dạn tiến hành phản biện xã hội đối với dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa II trình Đại hội Đảng bộ huyện khóa III (nhiệm kỳ 2015-2020).
* Vì quyền lợi người dân
Sau thành công của phản biện này, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trảng Bom tiếp tục thực hiện phản biện xã hội đối với nhiều nội dung khác như: dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước huyện Trảng Bom năm 2014; dự thảo Nghị quyết về bổ sung các giải pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm của các năm: 2015, 2016, 2017. Đồng thời, phản biện xã hội về dự thảo Nghị quyết việc điều chỉnh, bổ sung danh mục và kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017; dự thảo về đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn huyện Trảng Bom đến năm 2021”.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trảng Bom Nguyễn Văn Lai cho biết, giám sát và phản biện của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội mang tính nhân dân chứ không phải mang tính quyền lực như giám sát của HĐND và của ủy ban kiểm tra Đảng. Kết quả giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội giúp đơn vị được giám sát nhận thức đầy đủ hơn, biết sai để sửa, đi đúng lòng dân chứ không phải để xử lý kỷ luật. |
Qua các hội nghị phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, hiệu quả, giúp HĐND, UBND cùng cấp có thêm căn cứ để thảo luận, xây dựng các dự thảo nghị quyết phù hợp thực tế địa phương và nguyện vọng chính đáng của người dân.
“Không nhất thiết việc gì được “đặt hàng” Mặt trận mới phản biện, mà vấn đề nào liên quan đến quyền lợi người dân, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng được đúng đắn, kịp thời; chủ trương, chính sách được ban hành triển khai có hiệu quả thì chúng tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cung cấp dự thảo nghị quyết để phản biện. Chẳng hạn, khi huyện có dự thảo nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục và kế hoạch vốn đầu tư công, chúng tôi đề nghị huyện phải giao cho Mặt trận phản biện xã hội. Phản biện xã hội đặt ra những câu hỏi để cơ quan chức năng giải thích tại sao làm con đường đó mà không làm con đường kia. Mục đích là để tránh lợi ích nhóm, cục bộ, thân quen, tiêu cực tham nhũng, làm đường vì đi qua nhà “quan”, nhà người quen thân chứ không phải làm vì lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - ông Nguyễn Văn Lai bộc bạch.
* Lắng nghe tiếng nói người trong cuộc
Đối với công tác giám sát xã hội, MTTQ các cấp huyện Trảng Bom chú trọng giám sát những nội dung liên quan đến quyền lợi người dân và những vấn đề được xã hội quan tâm. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trảng Bom tổ chức giám sát về chế độ chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; về thực hiện cải cách hành chính; cấp kinh phí hoạt động cho MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; về thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ở 17 xã, thị trấn của huyện. Ngoài ra, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân huyện, thực hiện giám sát việc thực thi nhiệm vụ pháp luật tại cơ quan công an huyện; phối hợp với HĐND huyện, giám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới…
Qua giám sát, MTTQ Việt Nam huyện tập hợp được nhiều ý kiến, kiến nghị của nhân dân, kịp thời đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, nâng cao trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức; hạn chế đơn thư khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở.
Trong quá trình giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trảng Bom mời một số trường hợp trong diện được thụ hưởng chính sách cùng dự để kiểm chứng những nội dung trong báo cáo của đơn vị được giám sát có đúng hay không. Trong đó, giám sát về thực hiện chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, MTTQ Việt Nam huyện mời già làng, người có uy tín hoặc đại diện đồng bào dân tộc thiểu số cùng dự để nói lên tiếng nói của mình, xem quyền lợi của người dân đã được đảm bảo chưa. Đồng thời, khi làm việc, MTTQ yêu cầu đơn vị được giám sát không đọc lại báo cáo, vì báo cáo đã được gửi trước cho các thành viên để nghiên cứu, dành thời gian cho hỏi - đáp, làm rõ những vấn đề trong báo cáo chưa đề cập.
Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Quang Huy nhận xét, Đồng Nai có 11 đơn vị cấp huyện nhưng công tác giám sát, phản biện xã hội, nơi này làm tốt nơi kia làm không đáng kể. Những nơi thực hiện chưa tốt công tác giám sát và phản biện xã hội nên học cách làm của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trảng Bom.
Phương Hằng