Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nhân làm chủ công nghệ

07:09, 25/09/2018

Lực lượng công nhân lao động Đồng Nai với hơn 1,2 triệu người đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Công nhân lao động đã thể hiện khả năng nắm bắt và làm chủ công nghệ...

Lực lượng công nhân lao động Đồng Nai với hơn 1,2 triệu người đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Công nhân lao động đã thể hiện rõ khả năng nắm bắt, làm chủ công nghệ và khẳng định được mình trong tình hình mới.

Công nhân Công ty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) thiết kế giày thể thao sử dụng công nghệ mới tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm công nhân lao động Đồng Nai ngày 30-10-2017.
Công nhân Công ty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) thiết kế giày thể thao sử dụng công nghệ mới tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm công nhân lao động Đồng Nai ngày 30-10-2017.

Anh Nguyễn Tiến Hân là một công nhân kỳ cựu tại Công ty TNHH Pousung Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom). Được đào tạo bài bản lại yêu công việc nên anh Hân đã có nhiều sáng kiến không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp mà công nhân cũng... được nhờ.

* Sáng kiến làm lợi

Chia sẻ về một trong số những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của mình đã được ứng dụng thành công tại công ty, anh Hân cho biết ở công ty luôn có hàng chục ngàn công nhân làm việc liên tục với cường độ cao. Riêng ở bộ phận sấy khô giày sau khi dán keo, thiết bị sấy tỏa ra lượng nhiệt dư thừa khá lớn, gây nóng bức cho công nhân. Thấy duy trì tình trạng này trong thời gian dài sẽ không tốt cho sức khỏe và ảnh hưởng đến năng suất lao động, anh Hân đã tận dụng một số máy móc cũ chế thành máy thu nhiệt hút trực tiếp ra ngoài. 

Phát biểu tại Đại hội Công đoàn tỉnh Đồng Nai lần thứ X, đồng chí Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: “Tiềm năng sáng tạo của công nhân lao động sẽ được phát huy nhiều hơn nếu có cơ chế chính sách phù hợp đúng và trúng. Công đoàn là tổ chức gần công nhân nhất và cũng gần doanh nghiệp nhất, do đó Công đoàn cần là cầu nối cho công nhân nâng cao trình độ”.

Anh Hân còn được đánh giá là người có “bàn tay vàng” về tận dụng cải tiến các loại khuôn định hình gót giày thường chỉ dùng cho một loại mẫu. Thông thường nếu ngừng sản xuất mẫu gót giày cũ chuyển sang mẫu mới, công ty phải mua khuôn định hình khác.

“Thấy những chiếc khuôn định hình gót giày có vòng đời ngắn, mỗi lần mua mới công ty lại bỏ ra 300-400 triệu đồng nên tôi đã mày mò chế lại khuôn cũ để phù hợp với mẫu mới và điều này làm lãnh đạo công ty khá bất ngờ về năng lực của công nhân Việt Nam” - anh Hân cho hay.

Tại Công ty hữu hạn công nghiệp chính xác Việt Nam - VPIC (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) mỗi năm có hàng chục sáng kiến của công nhân lao động được khen thưởng. Trong đó, chỉ với 1 sáng kiến của anh Nguyễn Văn Hậu tại bộ phận sơn mà mỗi năm công ty tiết kiệm được cả trăm triệu đồng.

Anh Hậu cho hay, mỗi lần tẩy sạch bề mặt sản phẩm để thực hiện công đoạn sơn, bồn tẩy thường xuất hiện một lớp váng dầu, lớp váng này bám vào bề mặt sẽ tạo thành những vết cặn làm hư sản phẩm, công nhân có thể sẽ phải xử lý lại từ đầu. Thấy bất lợi cho sản xuất anh Hậu đã nghiên cứu sáng chế ra một thiết bị thu váng dầu trước một bước, sau đó dùng hóa chất để tiếp tục vô hiệu hóa váng dầu lần cuối. So với cách làm cũ đã giảm rất nhiều thao tác, thời gian, chi phí hóa chất...

Trong quá trình anh Nguyễn Duy An công tác tại Công ty TNHH một thành viên động cơ và máy nông nghiệp miền Nam (Vikyno - Vinappro, TP.Biên Hòa) đã cho ra đời hàng chục sáng kiến cải tiến lớn nhỏ. Với sáng kiến cải tiến máy tạo lỗ buồng đốt động cơ đã giúp Vikyno - Vinappro nâng năng suất tạo từ 60-80 sản phẩm mỗi ca. Hay sáng kiến khoan lỗ dầu nắp xy lanh của anh đã mang lại sự ổn định cho máy tạo chi tiết sản phẩm này, qua đó làm giảm tỷ lệ hư hỏng từ 5-6% xuống chỉ còn chưa đến 1%.

* Tạo động lực cho sáng tạo

Theo anh Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Dona Standard (Khu công nghiệp Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc), để khuyến khích và ươm mầm sáng tạo trong công nhân lao động, mỗi năm Công đoàn đã đề xuất Ban giám đốc công ty chi hàng tỷ đồng thưởng cho công nhân với nhiều hình thức như thưởng sáng kiến tăng năng suất, sáng kiến tiết kiệm điện, sáng kiến an toàn lao động và bảo vệ môi trường… Những sáng kiến cải tiến của công nhân được ứng dụng thực tế không chỉ được thưởng mà còn được thông báo giới thiệu rộng rãi cho nhiều bộ phận biết. Từ sự khuyến khích kịp thời đó đã có thêm nhiều sáng kiến mới tiếp tục ra đời, tạo thành những chuỗi sáng tạo trong công nhân lao động.

Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại công ty không chỉ có ở những cán bộ, nhân viên được đào tạo bài bản có trình độ cao đẳng, đại học trở lên mà ngay cả lao động phổ thông cũng đã cho ra đời nhiều sáng kiến, thậm chí có những sáng kiến khá chất lượng, có thể làm thay đổi cả một dây chuyền sản xuất.

Bà Liên cho biết thêm: “Nếu như năm 2017 người lao động công ty có 35 chuyên đề cải tiến, 438 mẫu sản phẩm mới thì trong 8 tháng của năm 2018 số sáng kiến cải tiến đã đạt mức gần bằng và nhiều khả năng năm nay sẽ vượt năm trước với số tiền thưởng trên 1,5 tỷ đồng”.

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết đại hội Công đoàn tỉnh Đồng Nai lần thứ X (nhiệm kỳ 2018-2023) đề ra là việc tiếp tục tạo điều kiện cho công nhân lao động học tập nâng cao trình độ, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, làm lợi cho công nhân, doanh nghiệp và đất nước. Việc tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ được công nhân lao động kỳ vọng rất lớn vào tổ chức Công đoàn. Những kỳ vọng và mong muốn của công nhân lao động thực sự bức thiết, đặc biệt là những thay đổi về công nghệ sản xuất trong doanh nghiệp ngày một nhanh và mạnh mẽ.

Chị Nguyễn Thị Diệu Châu, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho biết: “Doanh nghiệp nơi tôi làm việc đang có nhiều thay đổi về công nghệ theo hướng tự động hóa cao. Bản thân tôi không khỏi cảm thấy bối rối khi những máy móc tự động có năng suất lao động cao hơn con người. Do đó, tôi mong muốn Công đoàn hỗ trợ tạo điều kiện về thời gian, cơ hội học tập để nắm bắt cơ hội mới trong tương lai. Công nhân sẽ khó thắng nổi máy móc tự động nếu không làm chủ công nghệ bằng trình độ thực sự”.

Chị Trần Thị Phương Hà (chuyên viên Tỉnh đoàn): Không để người lao động đơn độc trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Việc làm của người lao động trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nội dung được nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại các diễn đàn kinh tế nhưng dường như vấn đề này chưa bao giờ hết nóng. Cảnh báo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế cho rằng cuộc cách mạng tự động hóa sẽ lấy đi việc làm của 66 triệu người tại các nước phát triển trong những năm tới. Việt Nam cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước tình hình này, tổ chức Công đoàn cần làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động về những thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp đem lại, từ đó nâng cao ý thức tự học để đáp ứng tốt hơn yâu cầu công việc trong tình hình mới. Bên cạnh đó, với vai trò cầu nối giữa người lao động với chủ doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn cần làm tốt vai trò đề xuất với chủ doanh nghiệp trong việc tự đào tạo hoặc đào tạo tại lực lượng lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, không để người lao động lạc lõng trong cuộc cách mạng 4.0.

Nga Sơn (ghi)

Công Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích