73 năm trước, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công, đập tan xiềng xích nô lệ ngót 80 năm của chế độ thực dân cũ - mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do trong lịch sử.
73 năm trước, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công, đập tan xiềng xích nô lệ ngót 80 năm của chế độ thực dân cũ - mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do trong lịch sử.
Cuộc mít tinh Tổng khởi nghĩa ở quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8. |
Năm nay đã ở tuổi 98 nhưng ký ức về mùa thu Tháng Tám cách đây gần 3/4 thế kỷ vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của ông Phan Nựu, cán bộ tiền khởi nghĩa, ngụ KP.4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa).
* Ngày hội của toàn dân tộc
Dù không còn nhanh nhẹn như trước, nhưng những câu chuyện về khoảng thời gian tham gia hoạt động cách mạng vẫn được ông Phan Nựu kể một cách lưu loát.
Ông Nựu kể, Hà Tĩnh quê ông là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng nên thực dân Pháp ngay từ những ngày đầu đã tăng cường đàn áp, khủng bố. Vì vậy, cuối năm 1939 rất nhiều cán bộ cách mạng chủ chốt ở Hà Tĩnh bị địch bắt. Bên cạnh đàn áp, khủng bố những người yêu nước, thực dân Pháp còn tăng cường bắt lính, bắt phu, thu thuế... khiến cho đời sống người dân ngày càng cơ cực, lòng căm thù thực dân Pháp vì thế càng tăng lên gấp bội. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp và đặc biệt là sau khi Đảng có Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ban hành ngày 12-3-1945 thì phong trào cách mạng ở quê ông càng dấy lên mạnh mẽ.
Lúc này ông Phan Nựu đang làm công nhân đường sắt cho Pháp cũng bỏ việc về tham gia cách mạng tại địa phương là xã Ngu Lâm (nay là xã Đức Thủy), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Nhiệm vụ của ông lúc ấy ngoài tập hợp thanh niên, còn tham gia học hát, tuyên truyền các bài hát cổ vũ, khích lệ tinh thần đấu tranh cho thanh niên và quần chúng nhân dân; vận động thanh niên ra sức luyện tập quân sự, tham gia các đội tự vệ...
Ông Nựu còn nhớ, sau khi huyện Can Lộc giành chính quyền vào ngày 16-8 thì đến ngày 18-8 hầu hết các huyện của tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có huyện Đức Thọ quê ông cũng giành được chính quyền một cách trọn vẹn và an toàn. “Không thể diễn tả chính xác cảm xúc lúc đó, chỉ biết rằng rất sung sướng vì từ đây cuộc đời tôi cũng như người dân quê hương tôi bước sang một trang mới tốt đẹp hơn, không còn cảnh một cổ hai tròng, ba tầng áp bức như trước nữa” - ông Nựu cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch (bìa phải) ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu say sưa kể chuyện tham gia cách mạng Tháng Tám 1945. |
Mỗi khi nhắc đến cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ký ức trong ông Nguyễn Ngọc Thạch (92 tuổi), ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) hiện về. Ông Thạch sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở phủ Hoài Nhơn (nay là huyện Hoài Nhơn), tỉnh Bình Định. Cha mẹ hoạt động cách mạng nên tuổi thơ của ông và 2 người em gắn liền với ông bà ngoại. 16 tuổi, ông Thạch được đưa vào Phan Thiết đi học và từ đây ông bắt đầu tham gia hoạt động trong phong trào học sinh. 2 năm sau, ông trở về và tiếp tục hoạt động cách mạng tại quê nhà với nhiệm vụ là tuyên truyền, dạy chữ quốc ngữ cho những người mù chữ...
Ông Thạch đã được chứng kiến đầy đủ không khí Cách mạng Tháng Tám nơi ông sinh ra. Ông cho biết, phủ Hoài Nhơn quê ông những ngày cuối tháng 8-1945 sục sôi khí thế cách mạng. Hàng ngàn người đã cùng nhau xuống đường khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
* Hòa cùng tiếng gọi non sông
Không khí Cách mạng Tháng Tám không chỉ diễn ra ở các tỉnh miền Trung mà diễn ra khắp cả nước. Trong cuốn sách Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (sự kiện, hình ảnh và ký ức) do Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông viết: “... Sáng ngày 19-8, hàng chục vạn nhân dân nội, ngoại thành Hà Nội xuống đường biểu dương lực lượng. Tất cả tập trung trước Nhà hát Lớn. Đúng 11 giờ, Ủy ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng, có sự hỗ trợ của các đội tự vệ chiến đấu, lần lượt chiếm các cơ quan đầu não của địch: Phủ Khâm sai Bắc bộ, Sở Mật thám, Sở Cảnh sát trung ương, Sở Bưu điện... Tối 19-8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã kết thúc hoàn toàn thắng lợi...”.
Ở Nam bộ, theo sử sách ghi chép lại, ngày 21-8-1945 lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay giữa lòng TP.Sài Gòn. Tại tỉnh lỵ Biên Hòa, những ngày này cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm, cờ vàng sao đỏ (cờ của tổ chức Thanh niên tiền phong), dán khẩu hiệu khắp các phố chợ… Hầu hết các tầng lớp nhân dân đều sục sôi cách mạng, tinh thần quyết tâm giành độc lập đang dâng cao.
ThS.Trần Quang Toại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai cho biết sáng sớm 23-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Nhà máy cưa BIF, Chi bộ Ga Biên Hòa, công nhân và nhân dân các ấp đã nổi dậy làm chủ, đồng thời tập hợp lực lượng xung kích để làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa ở tỉnh lỵ Biên Hòa. Đêm 24-8-1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức với hàng trăm quần chúng tham gia. Các đồng chí trong Ủy ban Khởi nghĩa công khai diễn thuyết, kêu gọi đồng bào tham gia Mặt trận Việt Minh, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Và sáng sớm 26-8-1946, hàng trăm quần chúng tiến vào Tòa bố Biên Hòa (nay là UBND tỉnh) treo lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên tại dinh tỉnh trưởng. Đông đảo người dân đã tập trung trước Tòa bố Biên Hòa reo hò vang dậy và say sưa ngắm nhìn ngọn cờ cách mạng phất phới tung bay trên dinh thự đầu não của địch tại Biên Hòa.
ThS.Trần Quang Toại cũng cho biết thêm sau khi chiếm lĩnh, tiếp quản các cơ quan, công sở còn lại, sáng 27-8-1945 tại Quảng trường Sông Phố, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức thu hút sự tham gia của gần một vạn người từ khắp các quận về dự lễ. Đáng chú ý hơn, kết thúc cuộc mít tinh, hơn 1 vạn người thay mặt cho 15 vạn đồng bào trong tỉnh đã giơ cao nắm tay tuyên thệ, sẵn sàng hy sinh tính mạng, tài sản, kiên quyết bảo vệ nền độc lập tự do cho Tổ quốc.
Nói về ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” (Trích: Tập 6, Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia năm 1995). |
Nguyễn Tuyết