Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho công nhân lao động, đặc biệt là lao động nhập cư, là điều được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm.
Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho công nhân lao động, đặc biệt là lao động nhập cư, là điều được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm.
Anh Phạm Văn Bình, công nhân Công ty cổ phần công nghiệp chính xác Việt Nam (VPIC) kèm con tập viết chữ trong căn phòng do công ty đầu tư xây dựng. |
Tại buổi làm việc với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cần tích cực tháo gỡ những khó khăn, khẩn trương triển khai các thiết chế Công đoàn, đặc biệt là nhà ở cho người lao động.
* Cần nhân rộng những điển hình
Trở về căn phòng rộng 24m2 trong cư xá của Công ty cổ phần công nghiệp chính xác Việt Nam (VPIC, đóng tại Khu công nghiệp Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) sau giờ tan ca, anh Phạm Văn Bình công nhân lắp máy lại có thời gian để nghỉ ngơi thoải mái và chơi đùa với con.
Tại buổi làm việc giữa Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 25-7, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đề xuất Thủ tướng giao Tổng liên đoàn xây dựng và phê duyệt giá bán, cho thuê, mua nhà đảm bảo tính đúng, tính đủ và phù hợp với thực tế để gửi các cơ quan chuyên môn của địa phương thực hiện thẩm định theo quy định; cho phép các tổ chức là doanh nghiệp có nhiều công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có dự án được mua, thuê để bố trí cho công nhân của doanh nghiệp mình mua, thuê theo các tiêu chí, điều kiện, thủ tục, trình tự do Tổng liên đoàn ban hành. |
Anh Bình cho biết, vì điều kiện ở quê khó khăn nên cách đây 2 năm vợ chồng anh khăn gói từ Nghệ An vào Đồng Nai lập nghiệp. Ban đầu cả gia đình ở trọ bên ngoài, sau khi biết công ty có cư xá, anh làm đơn xin được ở tại đây. Mỗi tháng, gia đình anh chỉ phải đóng tổng cộng gần 600 ngàn đồng, chưa bằng một nửa giá trọ ở ngoài.
“So với ở phòng trọ bên ngoài, ở cư xá rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ và an toàn hơn rất nhiều. Mỗi năm vợ chồng tôi tiết kiệm được 8-9 triệu đồng tiền thuê nhà trọ. Số tiền đó được dành gửi về quê cho ông bà. Riêng tiền lương mỗi tháng của chúng tôi trung bình khoảng 18 triệu đồng, chúng tôi mua sắm đầy đủ các máy móc, thiết bị cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày, đồng thời dành dụm để sau này có thể mua đất, làm nhà và sinh sống luôn ở Đồng Nai” - anh Bình bộc bạch.
Còn anh Nguyễn Tiến Dũng và vợ đã có 9 năm gắn bó với căn phòng trong ký túc xá của Công ty TNHH Great Veca Việt Nam (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom). Vợ chồng anh Dũng quê Hà Tĩnh, vào Đồng Nai làm ăn với mong muốn ổn định cuộc sống để có điều kiện lo cho 2 con học hành.
Anh Dũng cho biết, ở ký túc xá của công ty rất thuận tiện vì gần chỗ làm việc, lại chỉ phải đóng có 100 ngàn đồng/tháng để dọn dẹp vệ sinh, còn tiền phòng được miễn phí hoàn toàn. “Trong khu ký túc xá này có nhiều người cùng quê với vợ chồng tôi, có người ở miền Bắc, miền Tây đến đây lập nghiệp. Với những công nhân xa quê như chúng tôi, điều mong mỏi nhất là có được nơi ở ổn định, an toàn để an tâm làm việc, gắn bó dài lâu với doanh nghiệp” - anh Dũng chia sẻ.
Công ty cổ phần công nghiệp chính xác Việt Nam, Công ty TNHH Great Veca Việt Nam cùng Tập đoàn Phong Thái (huyện Trảng Bom), Công ty TNHH quốc tế Kim Bảo Sơn (huyện Long Thành) hay Tập đoàn Hưng nghiệp Formosa Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) là những đơn vị tiên phong trong việc xây dựng nhà ở, ký túc xá miễn phí, giá rẻ cho người lao động làm việc tại công ty.
Trong các khu ký túc xá, Công đoàn và Ban quản lý khu ký túc xá thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để người lao động và người thân của họ có điều kiện vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần. Mô hình này cần được nhân rộng ra nhiều doanh nghiệp khác trong tỉnh để người lao động được hưởng nhiều ưu đãi cần thiết.
* Tích cực tháo gỡ khó khăn
Thời gian qua, mặc dù tỉnh đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng ký túc xá dành cho công nhân lao động nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đa phần công nhân lao động (nhất là công nhân nhập cư) vẫn phải thuê chỗ ở trong các khu nhà trọ tư nhân lân cận các khu công nghiệp, doanh nghiệp. Điều kiện sinh sống, sinh hoạt nhiều nơi vẫn chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn, dễ phát sinh các tệ nạn xã hội.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 25 dự án nhà ở cho công nhân lao động và nhà ở xã hội có khả năng bố trí cho gần 30 ngàn người. Bên cạnh đó, một số ít doanh nghiệp có từ 15-20 ngàn lao động bước đầu triển khai các hồ sơ để thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân lao động.
Vừa qua, tại Đại hội Công đoàn tỉnh, lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao biểu trưng số tiền 550 tỷ đồng để Đồng Nai triển khai thực hiện xây dựng thiết chế Công đoàn (trong đó có nhà ở/ký túc xá) để phục vụ người lao động, con của người lao động. Đây là một trong 50 thiết chế Công đoàn được Tổng liên đoàn lựa chọn, trình Chính phủ phê duyệt thực hiện tại các địa phương trong cả nước. Hiện tại, Liên đoàn Lao động tỉnh đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đề xuất khu đất sạch khoảng 3 hécta để có thể xây dựng thiết chế Công đoàn này.
Hạnh Dung