Trong số hơn 1,2 triệu công nhân, viên chức, người lao động toàn tỉnh, có đến 67% là lao động nữ.
Trong số hơn 1,2 triệu công nhân, viên chức, người lao động toàn tỉnh, có đến 67% là lao động nữ.
Bà Nguyễn Thị Thu Sang (giữa), Khoa Bệnh nghề nghiệp Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai, hỏi thăm sức khỏe công nhân lao động đến tư vấn, thăm khám tại trung tâm. |
Để lực lượng này an tâm công tác, sản xuất, chăm lo cuộc sống gia đình, có cơ hội phát triển năng lực, thời gian qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã có những chương trình, hoạt động quan tâm, chăm lo cho lao động nữ.
* Đa dạng các hình thức chăm lo, bảo vệ
Bà Đỗ Thị Thúy Kiều, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch), chia sẻ thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của lao động nữ, thời gian qua, Công đoàn đã chủ động phối hợp tổ chức nhiều lớp tuyên truyền đề án của Chính phủ về “giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và “giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” cho lao động nữ.
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Phước Mạnh cho biết: “5 năm qua, bên cạnh các hoạt động an sinh xã hội, nữ đoàn viên, người lao động còn được các cấp Công đoàn tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Toàn tỉnh đã có gần 144 ngàn lượt nữ đoàn viên Công đoàn được giải quyết vay 1.678 tỷ đồng từ các nguồn tín chấp, Quỹ Tương trợ và Quỹ Vì nữ công nhân lao động nghèo”. |
Hằng năm, Công đoàn phối hợp với chủ doanh nghiệp tổ chức khám phụ khoa, bệnh nghề nghiệp kết hợp cho lao động nữ. Chính sách thai sản, chế độ thai sản, nghỉ sinh… của lao động nữ được thực hiện đầy đủ. Lao động nữ mang thai đến tuần 25 được về sớm 1 tiếng được hưởng nguyên lương. Lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng được nghỉ sớm 1 giờ làm việc để phục hồi sức khỏe và chăm sóc con nhỏ. Mỗi tháng, công ty chi trả trợ cấp kinh nguyệt quy đổi thành tiền cho lao động nữ. Lao động nữ làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng đến chức năng sinh đẻ và nuôi con được chuyển làm công việc nhẹ nhàng hơn. Công ty không sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và không đi công tác xa với những lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7, nuôi con dưới 12 tháng. Lao động nữ nuôi con dưới 7 tuổi được công ty trợ cấp 200 ngàn đồng/người/tháng.
Trong khi đó, tại Công ty TNHH Pousung Việt Nam (khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), nữ lao động được tư vấn miễn phí, tiêm chủng vaccine phòng virus HPV ngừa ung thư cổ tử cung với chi phí rẻ hơn thông thường. Vào các dịp lễ của phụ nữ, Công đoàn công ty tổ chức tặng quà cho nữ công nhân lao động làm mẹ đơn thân tại xưởng sản xuất nhằm chia sẻ khó khăn với những bà mẹ đơn thân trong nhà máy.
Theo ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam, đảm bảo quyền lợi, chế độ chính đáng cho lao động nữ, đặc biệt với những doanh nghiệp có đông lao động nữ như Công ty Pousung (hơn 21 ngàn người, chiếm 86% tổng số lao động) là điều được cả Công đoàn và Ban giám đốc đặc biệt chú trọng.
Bên cạnh việc được hưởng quyền lợi như lao động nam, lao động nữ được hưởng nhiều ưu đãi khác, đặc biệt liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, chế độ thai sản. Ngoài ra, hằng năm Công đoàn còn tổ chức tuyên dương con công nhân lao động học giỏi, sống tốt, có hoàn cảnh khó khăn với số tiền từ 200-400 ngàn đồng/cháu. Qua đó, phần nào động viên, khích lệ lao động nữ sản xuất giỏi, nuôi dạy con tốt...
* Động lực vươn lên khẳng định mình
Năm 2002, bà Nguyễn Thị Thu Sang về công tác tại Khoa Cấp cứu - điều trị thuộc Trung tâm y tế khu công nghiệp (nay là Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai) với vai trò phó khoa. 10 năm sau, chấp hành sự phân công của Ban giám đốc bà chuyển sang công tác tại Khoa Bệnh nghề nghiệp. Bà Thu Sang cho biết công việc ở Khoa Cấp cứu - điều trị không mang tính chuyên sâu, chủ yếu là trực cấp cứu và điều trị các trường hợp bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông... và tham gia khám định kỳ cho công nhân. Vì vậy, khi chuyển sang Khoa Bệnh nghề nghiệp đòi hỏi bà phải có kiến thức chuyên sâu về các loại bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh việc Ban giám đốc tạo điều kiện cho tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn chuyên sâu, bà còn tự đọc, tự học hỏi từ đồng nghiệp. Với sự nỗ lực không ngừng, năm 2015 bà Sang được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp.
Sự nỗ lực vươn lên khẳng định mình trong lao động không chỉ diễn ra ở nữ cán bộ, công chức, viên chức khối các cơ quan nhà nước mà nữ công nhân viên, người lao động khối doanh nghiệp cũng đang từng ngày, từng giờ vươn lên trong lao động, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho doanh nghiệp.
Từ một công nhân làm những công việc giản đơn trong công ty, sau nhiều năm cố gắng, bà Vũ Thị Thu Hương đã vươn lên trở thành nhân viên Phòng Kiểm định chất lượng Công ty cổ phần Bibica (Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Bà Thu Hương bộc bạch, để có được thành quả như hôm nay ngoài chăm chỉ làm việc, cần có sự sáng tạo thể hiện ở những sáng kiến, đề xuất cải tiến kỹ thuật góp phần làm lợi cho doanh nghiệp. Sáng kiến gần đây nhất của bà là tiết kiệm nước. Theo bà Hương, Phòng Kiểm định chất lượng phải sử dụng nước cất để làm thí nghiệm. Muốn có loại nước này không có cách nào khác là phải chưng cất. Sau khi chưng cất có một số lượng lớn nước thải đi rất lãng phí. Vì vậy, bà Hương đã đề xuất tận dụng lại để sử dụng vào việc khác.
Cũng với sự tích cực trong công việc mà bà Đoàn Thị Quyết từ một phiên dịch viên đã trở thành Trưởng bộ phận sản xuất đầu golf lớn của Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam. Đáng trân trọng hơn, ở vị trí công việc mới, sự nỗ lực ấy lại được bà duy trì gấp đôi, gấp ba. Với số lượng sáng kiến, đề xuất liên quan đến tiết kiệm nguyên vật liệu, tiết kiệm sức lao động... đứng tốp đầu công ty, bà Quyết đã góp phần làm lợi cho doanh nghiệp mỗi năm hàng tỷ đồng.
Nga Sơn - Hạnh Dung