Cách đây 70 năm, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trong giai đoạn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, kêu gọi toàn dân tộc tích cực thi đua để làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.
Cách đây 70 năm, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trong giai đoạn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, kêu gọi toàn dân tộc tích cực thi đua để làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư (hàng đầu bên phải), trao cờ thi đua xuất sắc cho đơn vị huyện Xuân Lộc. |
Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, cả dân tộc Việt Nam, không phân biệt tầng lớp, giai cấp, già trẻ, gái trai, ở trong nước hay ngoài nước, trong mọi lĩnh vực đã hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước, tạo nên nguồn động lực, sức mạnh mới cho cách mạng Việt Nam.
* Không khí thi đua sôi nổi
Bên cạnh vai trò gương mẫu, nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên, bà Vy Vũ Hồng Thảo, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh, cũng đặt ra trách nhiệm của người đứng đầu. Theo bà Thảo, nếu như người đứng đầu nhận thức được tầm quan trọng của thi đua, coi trọng việc phát động, xây dựng cụ thể tiêu chí thi đua và gương mẫu đi đầu thực hiện phong trào thì phong trào thi đua ở nơi đó sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ. |
Thực hiện lời kêu gọi của Người, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các phong trào thi đua diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm... diễn ra hết sức sôi nổi.
Năm nay ngoài 90 tuổi, ông Nguyễn Hạnh (ở phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) không thể quên giai đoạn làm nhiệm vụ xóa mù chữ của mình trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông Hạnh kể, lúc đó ông là cán bộ Đoàn Thanh niên nên nhận nhiệm vụ dạy chữ vào buổi tối. Người học lúc đó đủ mọi lứa tuổi. Dụng cụ học tập thiếu thốn, chủ yếu là tận dụng cánh cửa hay bức tường làm bảng; phấn trắng có khi được thay bằng than củi..., còn người học không có vở thì dùng vỏ bao xi măng để viết... Điều đáng quý là trong hoàn cảnh khó khăn ấy, tinh thần học tập với mong muốn xóa mù chữ của các tầng lớp nhân dân rất cao.
Sau năm 1954, các phong trào thi đua trong cả nước lại tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược đó là: đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt, vừa xây dựng và tạo cơ sở vật chất chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn ở miền Nam.
Theo đơn vị ra miền Bắc tập kết và chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng nông trường nên ông Nguyễn Hạnh có thêm may mắn được chứng kiến không khí thi đua diễn ra ở miền Bắc. Ông Nguyễn Hạnh cho biết ở miền Bắc lúc ấy nổi lên một số phong trào như: tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng; một ngày làm việc bằng hai; tháng không tuần, ngày không giờ; ba sẵn sàng; ba đảm đang... thu hút các tầng lớp tham gia. Với khí thế thi đua sôi nổi, chỉ sau 2 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân miền Bắc đã sản xuất được hơn 4 triệu tấn lương thực; khôi phục 29 xí nghiệp cũ và xây dựng 55 xí nghiệp mới chủ yếu sản xuất hàng tiêu dùng...
Trong khi đó ở miền Nam lúc bấy giờ lại nổi lên các phong trào như: một tấc không đi, một ly không rời; dũng sĩ diệt Mỹ... Bên cạnh các phong trào này, theo bà Nguyễn Thị Minh Tư (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa), ở miền Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ còn có các phong trào thi đua trong lao động. Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, bà hoạt động ở địa bàn Nam Cát Tiên và trực tiếp tham gia phong trào tăng gia sản xuất - vừa hoạt động cách mạng vừa phát rẫy, tỉa bắp, trồng mì, lúa, khoai…
Năm 1963, bà Tư được điều về công tác tại Ban Kinh tài của tỉnh Lâm Đồng với nhiệm vụ chủ yếu là may quân trang cho bộ đội. Bà Tư cho hay thành viên trong tổ của bà luôn hăng say thi đua và đạt nhiều thành tích cao. Bà là một trong những người được bình chọn là chiến sĩ thi đua và được cử tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua tỉnh Lâm Đồng. “Được dự đại hội, cá nhân tôi thấy tự hào lắm nhưng hơn hết là trách nhiệm phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu chiến sĩ thi đua” - bà Tư bộc bạch.
Đoàn viên, thanh niên các bệnh viện, Trường cao đẳng y tế Đồng Nai khám bệnh, cấp thuốc cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Định Quán. |
* Tiếp tục đổi mới, phù hợp với thực tiễn
TS.Vũ Thị Nghĩa, Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị tỉnh, cho biết từ thực tiễn của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho thấy mỗi giai đoạn cách mạng không thể thiếu các phong trào thi đua ái quốc. Vì vậy, sau khi đất nước thống nhất, cả nước bước vào giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua được duy trì và phát triển rộng khắp. Trong đó, phải kể đến là các phong trào thi đua: tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc nhân dân; tất cả vì 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Các phong trào đó đã góp phần nhanh chóng hàn gắn vết thương sau chiến tranh, vượt qua mọi khó khăn, nhất là khó khăn về kinh tế sau nhiều năm bị tàn phá bởi chiến tranh.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước (năm 1986), đặc biệt là từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, nội dung của các phong trào thi đua đã được thay đổi cho phù hợp với thực tiễn. Đảng đã đề ra khẩu hiệu thi đua: tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Từ đây, nhiều phong trào được phát động và thực hiện có hiệu quả như: xóa đói, giảm nghèo, toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, tuổi trẻ sáng tạo, lao động giỏi, lao động sáng tạo, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… Và gần đây nhất, cả nước đang tập trung triển khai 3 phong trào lớn, đó là: cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển; cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bà Vy Vũ Hồng Thảo, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh, cho biết phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, toàn diện và rộng khắp với nội dung và hình thức phong phú, tạo khí thế thi đua sôi nổi với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Từ các phong trào thi đua lớn, tỉnh Đồng Nai cũng đã phát động các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào như: thi đua lập thành tích thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; dân vận khéo; xây dựng quan hệ lao động lành mạnh trong doanh nghiệp; toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới… Bên cạnh đó, ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị đều căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để xác định nội dung và mục tiêu thi đua tại đơn vị.
Chia sẻ thêm về giải pháp nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, ông Nguyễn Hạnh cho rằng động cơ thi đua phải trong sáng. Mỗi cán bộ, đảng viên hay bất kỳ người dân nào cũng cần làm hết trách nhiệm vì công việc chứ không phải làm vì khen thưởng. Bên cạnh đó, hạn chế khen thưởng cán bộ, đảng viên mà thay vào đó là khen những người trực tiếp làm, dù là việc nhỏ có ích cũng xứng đáng được khen.
Nguyễn Tuyết