Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ mãi "tinh thần Điện Biên"

10:05, 06/05/2018

64 năm trôi qua nhưng nhiều chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn không thể nào quên được những ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" để cùng nhau làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu vào ngày 7-5-1954.

64 năm trôi qua nhưng nhiều chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn không thể nào quên được những ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” để cùng nhau làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu vào ngày 7-5-1954.

Quân đội nhân dân Việt Nam kéo pháo băng rừng vào trận địa. Ảnh: Tư liệu
Quân đội nhân dân Việt Nam kéo pháo băng rừng vào trận địa. Ảnh: Tư liệu

Hàng năm, cứ vào mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, dù đã tuổi cao, sức yếu (từ 80 đến hơn 90 tuổi) nhưng những cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sống ở Đồng Nai vẫn ngồi cùng nhau ôn lại những câu chuyện hào hùng năm xưa.

* Đánh thắng đội quân chuyên nghiệp

Ông Lê Thiếu Lang (Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Đồng Nai, từng là chiến sĩ Đại đoàn 351) kể lại: “Đúng 17 giờ ngày 13-3-1954, Đại đoàn 312 của Quân đội nhân dân Việt Nam đã nổ súng tiến công cụm cứ điểm Him Lam của Pháp, mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ. 17 giờ ngày 7-5-1954, Thiếu tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. 17 giờ 30, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Việt Nam tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy địch, báo hiệu chiến dịch kết thúc bằng chiến thắng cho những người lính xuất thân dân cày như chúng tôi”.

Trong ký ức của ông Vũ Bộ (nguyên chiến sĩ Đại đoàn bộ binh 316, hiện ngụ xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) là hình ảnh những người lính trẻ, hừng hực ý chí đánh thắng quân thù. Dù biết được con đường chuyển quân, chuyển pháo rất gian lao, chủ yếu chỉ có sức người, không có máy móc hỗ trợ, nhưng không ai nhụt chí mà đều hăng hái lên đường. Sau chiến dịch, với nhiều chiến công trong trận đánh mà ông được vinh dự là một trong số ít chiến sĩ của đại đoàn được khen thưởng và gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Các chiến sĩ Điện Biên năm xưa khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa rất quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam. Chiến thắng đã xây dựng nên vị thế của một đất nước, một quân đội xuất thân nông dân đánh bại được đội quân viễn chinh hùng mạnh, có vũ khí hiện đại.

* Lòng quyết tâm còn cao hơn núi

Ông Nguyễn Duy Đăng (nguyên chiến sĩ Đại đoàn 308, hiện ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) nhớ lại, Mường Thanh là một lòng chảo khổng lồ, xung quanh là núi, đứng trên núi, nhìn xa là núi, nhìn gần là các vị trí đóng quân của địch, xung quanh là hàng ngàn cánh dù xanh, trắng. Đường ngày đó lên trận địa là đường núi, vực sâu, bộ đội, dân công từ các tỉnh đồng bằng lân cận chỉ dùng sức người để chuyển vũ khí, hàng hóa lên núi đánh Pháp. Dù gian nan vất vả, nhưng tinh thần ai cũng lên cao, thậm chí nhiều tiểu đội lính trẻ măng, chỉ tầm 18-19 tuổi, xung phong lên một lượt rồi quay về là coi như bổ sung người mới gần như toàn bộ vì hy sinh nhiều quá.

“Ấy vậy mà 56 ngày đêm trôi qua, quân ta bổ sung liên tục, lớp trước ngã xuống, lớp sau lấp vào lại tiến lên, hầu như khi đó ai cũng có niềm tin sắt đá rằng phải bằng mọi cách thắng trận này, dù phải hy sinh bản thân”  - ông Đăng bùi ngùi xúc động.

Còn với ông Bùi Thanh Nghễ (84 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), ký ức Chiến dịch Điện Biên Phủ là chặng đường dài đi bộ từ tỉnh Thanh Hóa lên đến khu vực núi bao quanh lòng chảo Mường Thanh. Khi vào trận thì lại sát cánh cùng đồng đội trong Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 52, Đại đoàn 312 luôn theo sát chỉ huy, rải dây, nối dây để duy trì thông tin liên lạc giữa đơn vị và cấp chỉ huy.

Ông Nghễ kể: “Bước vào chiến dịch, chúng tôi bị ngập trong mưa, khói bom đạn nên ai cũng đen nhẻm, đi lại khó khăn vì giao thông hào bị đẫm nước. Là lính thông tin nên việc của tôi là duy trì thông tin liên lạc, khi dây bị đứt, tôi lại bò đi nối. Đồng đội tôi có người đang nối dây thì bị hy sinh, tôi liền bò đến ngay vị trí đó, vừa gạt nước mắt, vừa làm tiếp công việc dang dở. Ngày đó, ai cũng chung một niềm tin rằng đánh phải thắng, có thắng thì mới có được một đất nước thật sự sạch bóng quân thù, thật sự độc lập, tự do”...

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra suốt 56 ngày đêm, từ ngày 13-3-1954 đến 7-5-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức 3 đợt tiến công vào các vị trí của quân Pháp tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (quân Pháp tại đây đồn trú trên 16 ngàn quân). Quân đội nhân dân Việt Nam đưa vào chiến dịch trên 50 ngàn chiến sĩ và trên 200 ngàn dân công cùng nhiều phương tiện vận tải hiện đại, thô sơ...

Minh Thành

Tin xem nhiều