Đồng Nai hiện có gần 30 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, là điều kiện để phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp. Thế nhưng, thực tế công tác phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp vẫn còn là bài toán khó cho các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh.
[links()]Đồng Nai hiện có gần 30 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, là điều kiện để phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp. Thế nhưng, thực tế công tác phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp vẫn còn là bài toán khó cho các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, tặng quà cho con thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Nhơn Trạch. |
Một trong những khó khăn được đại diện các đơn vị huyện, thị, thành đoàn nêu lên tại các hội nghị liên quan đến công tác Đoàn, Hội trong doanh nghiệp chính là sự thờ ơ, thiếu quan tâm của chủ doanh nghiệp.
* Chủ Doanh nghiệp thờ ơ…
Nhiều năm phụ trách công tác Đoàn, Hội trong doanh nghiệp, tiếp cận nhiều doanh nghiệp khác nhau anh Ngô Chí Thọ, cán bộ Thành đoàn Biên Hòa, nhớ mãi chuyện cách đây mấy năm, anh cùng với đồng nghiệp liên hệ đến Công ty TNHH cơ khí Đ. (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) để vận động thành lập tổ chức Đoàn. Ban đầu, đại diện công ty tưởng là người của Liên đoàn Lao động thành phố xuống làm việc nên rất nhiệt tình. Sau khi nghe đại diện Thành đoàn Biên Hòa trình bày mục đích của buổi gặp gỡ, lãnh đạo công ty đã từ chối thẳng thừng. Không có cách nào khác, anh Thọ và đồng nghiệp ngậm ngùi dắt xe ra về. Từ đó đến nay, đã mấy năm trôi qua nhưng việc vận động thành lập tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp này vẫn bỏ ngỏ.
Ngày 24-10-2014, Chính phủ ban hành nghị định quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (có hiệu lực ngày 10-12-2014). Nghị định là cơ sở pháp lý quan trọng hướng dẫn doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong việc hướng dẫn, tạo điều kiện để thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, theo phản ánh của cán bộ Đoàn, Hội các cấp thì nghị định này không mang tính bắt buộc nên nhiều doanh nghiệp còn xem nhẹ. |
Chia sẻ lý do không muốn thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp, ông Huỳnh Quốc Thái, Giám đốc sản xuất, Giám đốc nhân sự, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH mỹ phẩm LG Vina (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch), cho biết hiện tại công ty đã có tổ chức Công đoàn và 100% công nhân đều là đoàn viên Công đoàn. Vì vậy, không cần thiết phải có thêm tổ chức Đoàn Thanh niên. Theo ông Thái, nếu có thêm tổ chức Đoàn Thanh niên sẽ chồng chéo với hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Vận động thành lập tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp tư nhân đã khó, gặp gỡ và vận động thành lập tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại càng khó khăn hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Đồng Nai có tổ chức Đoàn, Hội chỉ chiếm khoảng 10% tổng số tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp.
Xuân Lộc không phải là huyện tập trung đông doanh nghiệp như các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và TP. Biên Hòa. Mỗi năm chỉ tiêu mà Tỉnh đoàn giao cho Huyện đoàn là phải vận động thành lập được 1 tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp.
Anh Hà Văn Niệm, Phó bí thư Huyện đoàn Xuân Lộc - phụ trách công tác Đoàn, Hội trong doanh nghiệp, cho hay Công ty TNHH giày Dona Standard là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp hiện có tới 17 ngàn công nhân đang làm việc, trong đó có khoảng 8 ngàn công nhân trong độ tuổi thanh niên. 8 năm nay, Huyện đoàn đeo bám, tiếp cận để vận động thành lập tổ chức Đoàn trong công ty nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía doanh nghiệp.
Trong khi đó, có nhiều doanh nghiệp đồng ý cho thành lập tổ chức Đoàn, Hội nhưng sau đó lại không tạo điều kiện về thời gian, kinh phí để tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp hoạt động. Lý do được đại diện doanh nghiệp đưa ra đơn giản là tổ chức Đoàn, Hội cấp trên đã sinh ra thì phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, cấp kinh phí đảm bảo cho tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp hoạt động; còn về phía doanh nghiệp chỉ hỗ trợ về thời gian trong trường hợp cần thiết.
* Thanh niên chưa mặn mà
Mặc dù chưa vướng bận vợ con, nhưng anh Nguyễn Trọng Nhân, công nhân Công ty TNHH Vĩnh Cường (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) vẫn không tham gia công tác Đoàn. Anh Nhân chia sẻ: “Biết là tham gia sinh hoạt Đoàn rất vui, nhất là với công nhân xa quê đi ở trọ làm công nhân như mình. Thế nhưng, cũng vì xa quê đi làm nên mong muốn duy nhất là làm sao kiếm được thật nhiều tiền để gửi về quê phụ giúp gia đình, để trang trải cuộc sống ở trọ và đặc biệt là để cuộc sống sau này của mình khá hơn hiện tại”.
Đoàn viên, thanh niên khối doanh nghiệp tham gia hiến máu tình nguyện |
Có lẽ vì thế mà ngoài giờ làm việc theo quy định, nhiều thanh niên công nhân lao vào vòng xoáy tăng ca; thậm chí không tăng ca thì xin đi phụ việc ở quán ăn, quán cà phê... Về tới phòng trọ, họ chỉ kịp tắm rửa xong, đặt lưng xuống là ngủ đến sáng để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.
Với những thanh niên công nhân đã có gia đình, việc tham gia hoạt động Đoàn, Hội lại càng hạn chế hơn.
Sau 1 ngày làm việc, chị Bạch Thị Sáu, công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), lại trở về với vòng quay của gia đình với các công việc chăm sóc con, chợ búa, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo... Khi được hỏi tại sao không tham gia tổ chức Đoàn tại công ty để được giao lưu với những người cùng lứa tuổi thì chỉ nhận được cái lắc đầu từ chị. Chị Sáu phân trần phải lo đưa đón con, việc nội trợ, nhiều hôm phải kèm cặp con học bài.
Chính vì suy nghĩ tham gia công tác Đoàn mất thời gian, ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, thời gian tăng ca làm giảm thu nhập nên phần đông thanh niên công nhân chưa mặn mà với hoạt động Đoàn, Hội trong doanh nghiệp. Đó cũng là lý do mà nhiều doanh nghiệp có vài ngàn đến chục ngàn công nhân trong độ tuổi thanh niên nhưng số lượng đoàn viên, hội viên tham gia tổ chức Đoàn, Hội chỉ có vài chục người đến trên 100 người. Điển hình như: Công ty TNHH Changshin Việt Nam hiện có trên 27 ngàn công nhân nhưng đến nay Đoàn cơ sở chỉ có khoảng 115 đoàn viên; Công ty TNHH Taekwang Vina (TP.Biên Hòa) có trên 26 ngàn công nhân nhưng chi đoàn chỉ có 76 đoàn viên; Công ty TNHH Pousung (huyện Trảng Bom) có trên 20 ngàn công nhân nhưng chi đoàn chỉ có 38 đoàn viên…
Anh Lý Trung Kiên, Bí thư Đoàn khối doanh nghiệp tỉnh, cho rằng số lượng đoàn viên chênh lệch quá lớn so với tổng số thanh niên công nhân trong doanh nghiệp còn xuất phát từ việc các doanh nghiệp sợ làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, kinh doanh nên không muốn để thanh niên công nhân trực tiếp sản xuất tham gia. Chưa kể, thanh niên công nhân trực tiếp sản xuất làm việc theo ca kíp, khó khăn cho công tác tổ chức sinh hoạt nên nhiều cơ sở Đoàn, Hội lựa chọn phát triển ở lực lượng văn phòng để giảm bớt áp lực...
Nga Sơn
Bài 3: Khẳng định vị thế của Đoàn, Hội