Tiếp tục chương trình làm việc hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thảo luận tại hội trường về đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vào chiều 10-5.
Tiếp tục chương trình làm việc hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thảo luận tại hội trường về đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vào chiều 10-5.
Chiều 10-5, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì phiên thảo luận về đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: Trí Dũng -TTXVN. |
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng cơ bản nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được xác định trong đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; thống nhất ban hành nghị quyết của Trung ương về vấn đề này; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng về các nội dung Bộ Chính trị trình xin ý kiến Trung ương.
* Mở rộng diện bao phủ, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân
Cơ quan thuế thực hiện thu phí bảo hiểm xã hội Đề cập đến việc trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội cho người lao động mà đề án ít đề cập đến, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tăng mức phạt và có sự tham gia của cơ quan thuế: “Cơ quan thuế có thể sẽ thực hiện đồng thời việc thu thuế và thu các khoản bảo hiểm bắt buộc của các đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, sẽ hạn chế tình trạng chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội và tình trạng 2 sổ lương như hiện nay”. |
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng việc thực hiện đề án hướng tới một hệ thống bảo hiểm xã hội đa dạng, đa tầng, trong đó chú ý tăng bảo hiểm xã hội bắt buộc về đối tượng và quy mô, tiến tới bao phủ toàn dân. Bởi hiện nay trong tổng số 53 triệu lao động chỉ có 13,9 triệu người tham gia bảo hiểm, trong đó 200 ngàn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là con số quá nhỏ.
Đại diện cơ quan tham gia chuẩn bị đề án, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung phân tích để mở rộng vững chắc, tăng diện bao phủ, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân phải bám sát 3 nguyên tắc: công bằng, đóng - hưởng và chia sẻ, từ đó thiết kế lại hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng chuyển từ đơn tầng sang đa tầng. Đa tầng thực chất là có 3 tầng: hưu trí xã hội; hưu trí bảo hiểm cơ bản gồm bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện; hưu trí bổ sung dành cho lao động có thu nhập cao tham gia đóng thêm bên cạnh hưu cơ bản. Về bản chất, thiết kế đa tầng thực ra là căn chỉnh lại, tăng cường kết nối giữa bảo hiểm xã hội với bảo trợ xã hội và kết nối giữa các loại bảo hiểm ngắn hạn với nhau trên tinh thần chia sẻ bên cạnh nguyên tắc đóng - hưởng và công bằng.
Đại biểu Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Cải cách bảo hiểm xã hội phải gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội. Muốn phát triển bảo hiểm xã hội thì phải chú ý tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, đặc biệt là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, chúng ta còn khoảng 15,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Số này trong thời gian tới phải tập trung rất cao để phát triển bảo hiểm xã hội... Đây là dư địa cần quan tâm trong thời gian tới”.
* Cân nhắc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn khi sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội xuống còn 10 năm. Đại biểu cho rằng không nên giảm quá sâu như vậy, vì sẽ xảy ra mất cân đối giữa thu và chi quỹ bảo hiểm xã hội.
Về vấn đề này, đại biểu Đào Ngọc Dung cho biết thời gian đóng ngắn thì mức hưởng sẽ tương xứng, bảo đảm nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối và chia sẻ giữa các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm ngắn hạn. Rất nhiều quỹ ngắn hạn kết dư rất lớn như: quỹ về an toàn lao động, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nhưng chưa kết nối được với các quỹ khác, không chia sẻ được vì chính sách chúng ta chưa thiết kế.
* Điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu
Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, bởi đây là vấn đề dư luận xã hội, đặc biệt là người lao động, rất quan tâm. Các đại biểu cho rằng việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, việc này nhằm hướng tới đa mục tiêu như: đối phó với tình trạng già hóa dân số, sự biến đổi của thị trường lao động, đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Đào Ngọc Dung phân tích: Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, nhưng đến năm 2026, Việt Nam bắt đầu vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới thời gian tới. Nếu Việt Nam không có quyết tâm chính trị, có tầm nhìn xa và hành động mau lẹ thì chúng ta sẽ chuyển gánh nặng này cho thế hệ con cháu.
Đứng ở góc độ nghỉ hưu, tuổi thọ và sự bền vững của quỹ, tuổi nghỉ hưu được xây dựng từ năm 1960, nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi. Ở thời điểm đó, tuổi thọ bình quân của Việt Nam mới chỉ trên 40 tuổi. Song đến nay, Việt Nam là một trong những nước có tuổi thọ trung bình cao nhất trong khu vực: nam là 78 tuổi, nữ là 79,5 tuổi. Nhưng tuổi nghỉ hưu thực tế của lao động Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực: nam là 55,6 và nữ là 52,6. Nam đóng bảo hiểm bình quân là 28 năm và hưởng lương hưu là 22,5 năm, nữ đóng 23 năm nhưng hưởng tới 27 năm. Do đó, bài toán cân đối quỹ nếu tự thân nó sẽ rất khó khăn.
Các đại biểu cũng khẳng định đây là thời điểm phù hợp để quyết định việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cần có lộ trình và phân tách các đối tượng có đặc thù nghề nghiệp.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều nhấn mạnh bảo hiểm xã hội là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, vì vậy đề án cải cách cần cân nhắc kỹ lưỡng từng phương án, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Cần giải pháp để hạn chế số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần Nhiều đại biểu kiến nghị cần có giải pháp nhằm hạn chế tình trạng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần ngày càng tăng. Điều này không chỉ làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc đóng bảo hiểm, mà cũng ảnh hưởng đến cân đối thu - chi của quỹ. “Mục tiêu của chính sách là đóng hiện tại để hưởng tương lai, đóng khi còn trẻ để sống khỏe khi về già. Tuy nhiên, hiện nay cứ 2 người tham gia bảo hiểm xã hội thì 1 người rút ra khỏi hệ thống. Do đó, cần nghiên cứu tính toán quy định khi nhận trợ cấp một lần chỉ nhận phần người lao động đóng còn phần nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận. Như vậy mới hạn chế được tình trạng này” - Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường kiến nghị. |
L.V (tổng hợp)