Tình trạng chậm thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp kém hiệu quả dẫn đến vi phạm trong quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp... là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận ngày 28-5 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Tình trạng chậm thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp kém hiệu quả dẫn đến vi phạm trong quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp... là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận ngày 28-5 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận tại hội trường. |
Một số ý kiến cho rằng nhiều bộ, ngành không muốn rời xa các doanh nghiệp vốn được coi là “sân sau”. Đây là biểu hiện của lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích khi một số cơ quan quản lý nhà nước “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
* Phân định rạch ròi giữa quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội đã lựa chọn ra 4 nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Các bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn gồm: giao thông - vận tải, tài nguyên - môi trường, GD-ĐT, lao động - thương binh và xã hội. |
Các đại biểu phân tích, từ góc độ của đại diện chủ sở hữu, phần lớn doanh nghiệp vẫn có tổ chủ quản hoặc chính quyền cấp tỉnh chủ quản. Các cơ quan quản lý nhà nước cùng lúc thực hiện 2 chức năng nên dễ gây xung đột lợi ích trong việc ban hành chính sách với chỉ đạo thực hiện và kiểm tra giám sát. Cách thức thực hiện giám sát, đánh giá hiện chủ yếu căn cứ vào các báo cáo của doanh nghiệp nhà nước mang tính thống kê hơn là báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu của chủ sở hữu.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng việc quản lý vốn nhà nước, người đại diện sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, yếu kém, trong đó có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Theo Bộ trưởng, thể chế, quy phạm pháp luật liên tục được cải tiến, bổ sung từ thực tiễn, hàng loạt văn bản luật và dưới luật còn xung đột, thậm chí khoảng trống dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thời gian qua còn nhiều khó khăn, bất cập. Ngoài ra, có sự chồng chéo giữa chức năng quản lý nhà nước với vai trò quản trị doanh nghiệp khiến hoạt động của các doanh nghiệp thiếu sự tự chủ, đội ngũ quản trị doanh nghiệp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Việc này cũng dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” vì hàng loạt chủ trương lớn trong phát triển lĩnh vực kinh tế ngành, quy hoạch, chiến lược được nghiên cứu, xây dựng bởi chính doanh nghiệp nhà nước, rồi lại được thẩm định, phê duyệt bởi cơ quan quản lý nhà nước làm cho chất lượng đầu tư các dự án sản xuất - kinh doanh chưa hiệu quả, thua lỗ, lãng phí.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, khung pháp lý cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước; xác định nguyên tắc hoạt động là không phải bán đi lĩnh vực kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp để lấy tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác mà hiệu quả không cao bằng. Khi thoái vốn trong một số dự án cần lưu ý hiệu quả nhà nước được đảm bảo cao nhất, nếu giữ phần vốn quá cao sẽ không đảm bảo mục tiêu thoái vốn gắn với phát triển bền vững.
Thời gian tới ngành công thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để thực hiện chỉ đạo của Nhà nước, đặc biệt hoàn thiện cơ chế quản lý, phân định rạch ròi giữa quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế trong nước, cam kết hội nhập để doanh nghiệp nhà nước, tư nhân khai thác được cơ hội thị trường.
* Sẽ thanh tra việc quản lý và sử dụng các khu đất “vàng”
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), có 3 dạng làm thất thoát tài sản nhà nước là: kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến lỗ, làm mất vốn; mua bán tài sản làm thất thoát tài sản và tiền vốn; định giá doanh nghiệp thấp khi cổ phần hóa. Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) thì chỉ ra nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước qua cổ phần hóa do việc định giá giá trị doanh nghiệp thấp hơn giá trị thực tế.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất thoát tài sản nhà nước là do các doanh nghiệp chưa được xem xét trước khi tiến hành cổ phần hóa, nguồn lực đất đai chưa được quản lý và có sự đánh giá đúng về giá trị. Đây cũng là lý do dẫn đến việc không thể tính toán được giá trị từ đất đai để đưa vào giá trị của doanh nghiệp.
Trước tình hình này Bộ Tài nguyên - môi trường đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 01 từ tháng 1-2017, sửa đổi và quy định chi tiết về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp cổ phần hóa phải có trách nhiệm rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, lập phương án xử lý theo pháp luật về đất đai và sắp xếp, xử lý đất thuộc sở hữu nhà nước, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi cổ phần hóa.
Về thực trạng thất thoát nguồn lực dẫn đến thiếu đất đai đưa vào sử dụng phục vụ phát triển kinh tế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đã đề nghị thanh tra, kiểm tra, đặc biệt đối với tất cả các dự án có đất “vàng”. Bộ trưởng khẳng định hiện nay các bộ, ngành đang tích cực thực hiện công việc này; nếu phát hiện vấn đề thiếu minh bạch, không đảm bảo sự phù hợp trong xác định giá đất sẽ xem xét để có những biện pháp xử lý thích hợp.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tranh luận sôi nổi về đề xuất miễn tiền sử dụng đất cho các dự án có mục đích sử dụng đất từ 10-30 năm tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
H.L (tổng hợp)