Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiêng liêng nước Việt

08:04, 16/04/2018

Năm 968, với việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đổi tên nước là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) đã trở thành dấu mốc trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Năm 968, với việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đổi tên nước là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) đã trở thành dấu mốc trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Đền thờ Đinh Tiên Hoàng - người sáng lập Nhà nước Đại Cồ Việt, ở Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình).
Đền thờ Đinh Tiên Hoàng - người sáng lập Nhà nước Đại Cồ Việt, ở Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình).

Quốc hiệu Đại Cồ Việt được dùng trong suốt 8 đời vua của 3 triều Đinh, Tiền Lê, Lý (2 đời vua Lý) với quãng thời gian dài 86 năm. Đến năm 1054, vua Lý Thánh Tông mới đặt lại quốc hiệu là Đại Việt. Như vậy, Nhà nước Đại Cồ Việt tuy buổi đầu do Đinh Bộ Lĩnh sáng lập, nhưng sự phát triển của nhà nước gắn với gần 3 triều đại. Đại Cồ Việt có ý nghĩa là nước Việt to lớn, điều này được thể hiện qua 2 câu đối đặt trong đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư: Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo/ Hoa Lư đô thị Hán Trường An (Nước Cồ Việt ngang hàng với nhà Tống đời Khai Bảo/ Kinh đô Hoa Lư như Tràng An của nhà Hán).

* Nhà nước độc lập sau thời kỳ Bắc thuộc

Trong Lịch triều hiến chương loại chí, nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: “Xét nước ta từ thời Hùng Vương mới bắt đầu thông hiếu với Trung Quốc nhưng danh hiệu còn nhỏ không được dự vào hàng chư hầu triều hội... đến khi Đinh Tiên Hoàng bình định các sứ quân, khôi phục mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ, sách phong của Trung Quốc mới cho đứng riêng là một nước”.

Việc ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt được giới sử học đánh giá là sự kiện hết sức trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bởi trước đó sau gần ngàn năm bị các chế độ phong kiến phương Bắc đô hộ, vào năm 544 Lý Bí sau khi khởi nghĩa đánh bại nhà Lương đã lên ngôi tự xưng là Lý Nam Đế, thành lập nước Vạn Xuân, định đô ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) và thiết lập triều đình ngang hàng với phương Bắc, nhưng Nhà nước Vạn Xuân chỉ tồn tại gần 1 năm và chưa kịp xây dựng các thể chế chính trị, sau đó lại lệ thuộc vào phương Bắc. Năm 938, Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán, lên ngôi nhưng chỉ xưng vương, nước ta không có quốc hiệu. So với 2 nhà nước trước đó, Nhà nước Đại Cồ Việt có những bước phát triển mới mẻ, đưa nước ta từ hình thái phong kiến phân quyền (điển hình là loạn 12 sứ quân) trở thành chế độ quân chủ trung ương tập quyền.

Nhà nước Đại Cồ Việt là một quốc gia thống nhất, độc lập, có tổ chức quân đội riêng và xác định được lãnh thổ, cương vực (biên giới Nhà nước Đại Cồ Việt kéo dài từ Lạng Sơn đến Ninh Bình ngày nay). Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, có nhà nước phát hành tiền tệ riêng, không còn lệ thuộc vào tiền tệ các triều đình phong kiến phương Bắc. Đồng tiền Thái Bình hưng bảo của Nhà nước Đại Cồ Việt đúc và lưu hành vào năm 970, tức chỉ 2 năm sau khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, đã góp phần khẳng định nền độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa.

* Nền tảng cho mai sau

Cùng với sự thành lập nhà nước độc lập, Đại Cồ Việt bắt đầu có những chính sách phát triển về kinh tế - văn hóa. Nhà Đinh, sau đó là nhà Tiền Lê và nhà Lý đã đặt ra và hoàn thiện dần hệ thống chính trị từ trung ương (triều đình) cho đến cơ sở (thời đó gọi là đạo, sau đổi là lộ, châu, phủ).

Lê Đại Hành, vị vua có công rất lớn trong sự phát triển Nhà nước Đại Cồ Việt, hiện được thờ tại Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình).
Lê Đại Hành, vị vua có công rất lớn trong sự phát triển Nhà nước Đại Cồ Việt, hiện được thờ tại Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình).

Nông nghiệp rất được chú trọng, nông dân được chia ruộng để cày cấy, chính sách khẩn hoang được khuyến khích. Lê Đại Hành (Lê Hoàn) là vị vua đầu tiên cử hành lễ cày tịch điền vào mùa xuân hàng năm để cổ động người dân, từ đó các vua thời sau đều giữ lệ ấy. Nghề trồng dâu nuôi tằm và một số nghề tiểu thủ công nghiệp khác (gốm, dệt, khai mỏ, luyện sắt, đúc đồng...) cũng được phát triển, mở mang trong thời đại này. Song song đó, vấn đề thủy lợi cũng được coi trọng, kênh ngòi được đào vét nhiều nơi vừa để tưới ruộng vừa để tiện lợi giao thông bằng thuyền bè, điển hình là công trình sông đào nhà Lê do Lê Hoàn chủ trương thực hiện. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, từ năm 976 kinh đô Hoa Lư đã trở thành một thương cảng lớn có thuyền buôn nước ngoài cập bến. Bến Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh ngày nay) cũng trở thành thương cảng. Hệ thống giao thông đường bộ cũng được mở mang khắp cả nước. Đặc biệt, những trục đường giao thông chính đều có đặt trạm xá để tiện lợi cho thương nhân cũng như khách bộ hành.

Về văn hóa, Nhà nước Đại Cồ Việt có những thành tựu nhất định. Nghệ thuật sân khấu chèo - loại hình sân khấu tiêu biểu và có truyền thống lâu đời nhất nước ta ra đời trong thời đại này; người được tôn là Tổ hát chèo là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh. Đáng chú ý, quan lại của Nhà nước Đại Cồ Việt có chế phục, lễ phục và các nghi lễ riêng, không lệ thuộc vào triều đình phương Bắc dù trước đó nước ta trải qua thời kỳ đô hộ rất dài, điều này khẳng định tính tự cường, độc lập trong văn hóa của dân tộc ta.

Nhà nước Đại Cồ Việt cũng là nhà nước quân chủ đầu tiên của nước ta đặt quan hệ bang giao với Trung Quốc. Năm 970, vua Đinh Tiên Hoàng sai sứ thần sang giao hảo với nhà Tống. Ông cũng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thi hành những biện pháp và nghi thức ngoại giao vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn đối với đế chế Trung Hoa. Nhà nước Đại Cồ Việt để lại một bài học kinh nghiệm ngoại giao cho các vương triều quân chủ Việt Nam đối với thế lực phong kiến khổng lồ của phương Bắc là “ở trong xưng đế, bên ngoài xưng vương”, với phương châm là “ngoài mềm trong cứng”.

Đặc biệt, Nhà nước Đại Cồ Việt với việc hình thành quân đội riêng đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ đất nước. Các chiến thắng của Lê Hoàn trước quân nhà Tống, chém tướng Tống là Hầu Nhân Bảo, bắt sống tướng Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư; Lý Thường Kiệt phạt Tống, bình Chiêm... đã khẳng định sức mạnh của Nhà nước Đại Cồ Việt. Có thể nói, Nhà nước Đại Cồ Việt đã tạo cơ sở ban đầu để các vương triều sau này bổ sung, củng cố và điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của đất nước trong quá trình hình thành và xác lập chế độ phong kiến. Từ đây, đất nước của cộng đồng các dân tộc Việt bằng sức sống bền bỉ và năng động của mình đã vươn lên mạnh mẽ, đủ sức chống chọi với mọi âm mưu và hành động xâm lược của giặc ngoại xâm, giữ một vị trí quan trọng trong khu vực.

Năm 944, Ngô Quyền - người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng nổi tiếng, chính thức kết thúc gần một thiên niên kỷ Bắc thuộc, qua đời. Từ đó, nước ta trải qua các cuộc tranh giành quyền lực chính trị liên miên, mà đỉnh điểm là các thổ hào, quan lại có thế lực mạnh về kinh tế, chính trị cát cứ các khu vực, tạo ra sự phân tán quyền lực. Sử sách gọi giai đoạn này là Loạn 12 sứ quân, kéo dài hơn 20 năm (944-968). Loạn 12 sứ quân kết thúc khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt. Từ Đinh Tiên Hoàng trở về sau, các vua triều đại phong kiến nước ta không xưng vương hay tiết độ sứ như trước mà đều xưng hoàng đế, quân chủ của một quốc gia chính thống.

Vũ Trung Kiên - Hà Lam

Tin xem nhiều