42 năm trước, vào ngày 25-4-1976 trên 23 triệu cử tri trên lãnh thổ hình chữ S đã nô nức làm nghĩa vụ công dân - bỏ phiếu bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất là Quốc hội.
42 năm trước, vào ngày 25-4-1976 trên 23 triệu cử tri trên lãnh thổ hình chữ S đã nô nức làm nghĩa vụ công dân - bỏ phiếu bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất là Quốc hội.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa VI tại KP.Ba Đình, Hà Nội, tháng 4-1976. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam |
Đây là lần thứ 2 cuộc tổng tuyển cử được tiến hành trên phạm vi cả nước (lần thứ nhất là vào năm 1946). Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất đất nước về mặt nhà nước.
* Nhiệm vụ cấp bách của lịch sử
Ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của nhân dân ta toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Từ đây, cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập thống nhất cùng thực hiện một nhiệm vụ chung là xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ngày 25-4-1976, Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Hơn 23 triệu cử tri (chiếm tỷ lệ 98,8% tổng số cử tri) đi bầu và bầu ra 492 đại biểu. Cuối tháng 6, đầu tháng 7-1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất với 492 đại biểu họp kỳ đầu tiên tại Hà Nội. |
Nói về hoàn cảnh đất nước sau ngày giải phóng, bà Mai Thị Liễu, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai khóa VI, hiện ở phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) cho biết mặc dù về mặt lãnh thổ, Tổ quốc Việt Nam thời điểm ấy đã được thống nhất, song mỗi miền vẫn tồn tại một hình thức tổ chức nhà nước khác nhau. Ở miền Bắc, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; chính quyền các cấp là HĐND và Ủy ban hành chính địa phương. Ở miền Nam có Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ; các cấp là UBND cách mạng ở địa phương.
Cũng theo bà Liễu, một trong những nguyện vọng tha thiết của nhân dân 2 miền Nam - Bắc lúc này là sớm được sum họp, mong muốn có một chính phủ thống nhất lãnh đạo nhân dân 2 miền Nam - Bắc cùng thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Thấu hiểu được nguyện vọng chính đáng của nhân dân đồng thời phù hợp với thực tế lịch sử của dân tộc nên Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước. Từ đó những công việc nhằm tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước được gấp rút triển khai.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng như: lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca, quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Hà Nội là thủ đô, TP.Sài Gòn đổi tên là TP.Hồ Chí Minh. |
Trong cuốn Đại cương Lịch sử Việt Nam (tập III) của Nhà xuất bản Giáo Dục có ghi: Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn từ ngày 15 đến 21-11-1975. Hội nghị tiến hành thảo luận và đi đến nhất trí mọi vấn đề liên quan đến chủ trương, bước đi, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Hội nghị nhấn mạnh: “Cần tổ chức sớm cuộc tổng tuyển cử trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất”.
Từ tháng 2-1976, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiến tới cuộc tổng tuyển cử được triển khai trên phạm vi cả nước. Và ngày 25-4-1976, Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trên phạm vi toàn quốc.
* Ký ức khó quên
Năm nay trên 90 tuổi, những ký ức của ông Nguyễn Hạnh (ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) về những lần tổng tuyển cử của đất nước vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ. Ông Hạnh kể ngày 6-1-1946, lần đầu tiên trong đời ông được cầm lá phiếu bầu cử.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai khóa VI Mai Thị Liễu (giữa, ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) và người thân trong gia đình xem lại những tấm ảnh kỷ niệm trong những lần họp Quốc hội khóa VI. |
Thời điểm ấy, tình hình nước nhà đang nguy cấp. Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam vừa phải tìm kiếm những sách lược, đối sách tạm hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, chống lại những hành động điên cuồng phá hoại đất nước ta của chúng… Vì vậy, cuộc tổng tuyển cử lần đầu tiên trên phạm vi cả nước diễn ra hết sức khẩn trương. Ông Hạnh được bỏ phiếu ngay tại rừng cây ở xã Tân Phong (nay là phường Tân Phong,TP.Biên Hòa).
Sau năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, ông Nguyễn Hạnh tập kết ra Bắc. Trong suốt 20 năm công tác ở Nông trường Lam Sơn (Thanh Hóa), ông Hạnh có cơ hội được tham gia những cuộc bầu cử sau đó ở miền Bắc.
Ông cho biết so với cuộc tổng tuyển cử lần đầu tiên mà ông được tham gia, cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 25-4-1976 đặc biệt hơn. Trước ngày bầu cử, cử tri được tìm hiểu về các ứng cử viên, được tiếp xúc với các ứng cử viên. Ứng cử viên nào đạt nhiều thành tích, có nhiều đóng góp cho cách mạng, có nhiều huân huy chương thì được cử tri bầu. Ngày diễn ra tổng tuyển cử, khu vực Biên Hòa như ngày hội, đi đến đâu cũng thấy cờ, hoa, biểu ngữ.
Ở Huế - nơi ông Nguyễn Văn Thường (hiện ngụ xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) công tác cũng vậy. Ông Thường cho biết hầu như tất cả các tầng lớp nhân dân đều phấn khởi chờ đón ngày được cầm lá phiếu bầu cử. Bởi với nhiều người trong đó có ông Thường, đây là lần đầu tiên được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Chưa kể, để có cuộc tổng tuyển cử này, quân và dân ta đã phải trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với biết bao máu xương của anh hùng liệt sĩ.
Với bà Mai Thị Liễu, ký ức về cuộc tổng tuyển cử không chỉ là ngày hội của toàn dân mà còn là một mốc son trong cuộc đời - khi bà là một trong 13 đại biểu của Đồng Nai được bầu vào Quốc hội. Bà Liễu bộc bạch, tự hào vì được cấp trên giới thiệu, được cử tri tin tưởng đồng thời với bà đó là trách nhiệm lớn lao. Để đáp lại sự tin yêu của cử tri, trong suốt thời gian làm đại biểu Quốc hội khóa VI, bà Liễu luôn nỗ lực hết mình cùng với 12 đại biểu của tỉnh Đồng Nai đưa ra những ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đến nghị trường Quốc hội.
Nga Sơn