Từ năm 1986 đến nay, sau 32 năm đổi mới, với nỗ lực đổi mới hệ thống chính trị, Đảng đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Từ năm 1986 đến nay, sau 32 năm đổi mới, với nỗ lực đổi mới hệ thống chính trị, Đảng đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ... Vì vậy, tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), một lần nữa Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 18 - một nghị quyết chuyên đề về “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Trước hết cần khẳng định đây là một chủ trương đúng và cấp thiết, nhưng để thực hiện cho thật sự có hiệu quả thì không hề đơn giản vì đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của cán bộ. Vậy nên, để có thể vượt qua những khó khăn, phức tạp khi triển khai tổ chức thực hiện, trước hết cần phải nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa của chủ trương này để từ đó hạ quyết tâm thực hiện cho bằng được.
Tinh gọn tổ chức là sắp xếp lại tổ chức và bộ máy, giảm đầu mối, giảm biên chế, không chỉ nhân sự làm việc chuyên môn mà còn nhân sự lãnh đạo, quản lý. Tình trạng quá nhiều cấp phó, lại có nơi quá nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý nhưng quá ít nhân viên như đã từng xảy ra là phi lý, nghịch lý không thể không xử lý.
Sẽ không có một nền kinh tế nào, dù tiềm lực mạnh đến đâu có thể nuôi nổi bộ máy cồng kềnh nhiều tầng nấc. Điều này cũng trái với tinh thần dân chủ và mục đích phục vụ dân; trái với đạo lý, bởi mọi chi phí lớn nhỏ cho bộ máy đều lấy từ tiền đóng thuế của dân. Tinh gọn bộ máy tổ chức là hợp lòng dân, hợp với yêu cầu và đạo lý của phát triển. Nhưng cần hiểu rằng, tinh gọn tổ chức không phải là phép cộng số học, là thay đổi cơ học giản đơn, tách rời lượng với chất, mà tinh gọn tổ chức phải đi liền với tinh giản biên chế, phải đảm bảo chất lượng nhân lực, chất lượng công việc. Đây thực sự phải là việc tổ chức lại, cơ cấu lại tổ chức theo đúng chức năng, nhiệm vụ, làm cho hệ thống chính trị trở nên tinh gọn, trong sạch, hiệu quả để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, vì cuộc sống của người dân. Còn việc sáp nhập bao nhiêu đơn vị, tinh giản bao nhiêu biên chế công chức chỉ là những nội dung mang tính chất kỹ thuật.
Kinh nghiệm quá trình thực hiện nhiệm vụ tinh gọn bộ máy trong thời gian qua cho thấy nếu không quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và sâu sắc mục đích và yêu cầu nói trên thì mọi sự sắp xếp và tinh giảm sẽ dẫn tới tình trạng giảm chỗ này sẽ tăng chỗ khác, nhập đơn vị này sẽ thành lập đơn vị khác, giảm công chức địa phương này sẽ tăng thêm ở địa phương khác, thu nhỏ ở ban, ngành này sẽ phình to ở ban, ngành khác... Kết quả cuối cùng là sau khi sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, trên tổng thể toàn bộ hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh, chồng chéo và kém hiệu quả.
Thời gian vừa qua, cái giá phải trả cho việc “tách - nhập”, rồi lại “nhập - tách” của các cơ quan, địa phương đã gây nên nhiều sự xáo trộn, lãng phí, tốn kém, chỉ đơn thuần giảm hình thức về số lượng đầu mối nhưng không tăng chất lượng hoạt động, nhất là rơi vào nghịch lý biên chế không giảm mà còn tăng lên, là vấn đề rất nhức nhối cho bài toán quản lý phải tiếp tục xử lý.
Vậy nên, nhìn nhận một cách đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa của chủ trương này là vấn đề có ý nghĩa quyết định thực hiện thành công việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở nước ta trong thời gian tới.
Vũ Thị Nghĩa