Năm 2012, từ một chi đoàn "trắng" đoàn viên, sau 1-2 tháng bám trụ ở cơ sở, nữ thủ lĩnh Đoàn xã An Hòa (TP.Biên Hòa) Lương Thị Cẩm Nhung đã củng cố và đưa Chi đoàn ấp 1, xã An Hòa đi vào hoạt động.
Năm 2012, từ một chi đoàn “trắng” đoàn viên, sau 1-2 tháng bám trụ ở cơ sở, nữ thủ lĩnh Đoàn xã An Hòa (TP.Biên Hòa) Lương Thị Cẩm Nhung đã củng cố và đưa Chi đoàn ấp 1, xã An Hòa đi vào hoạt động.
Chị Lương Thị Cẩm Nhung (giữa), Bí thư Đoàn xã An Hòa (TP.Biên Hòa), chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm tại nhà với cán bộ, đoàn viên thanh niên. |
Đây là một trong những kỷ niệm đáng nhớ kể từ khi bén duyên với công tác Đoàn của chị Lương Thị Cẩm Nhung, đại biểu duy nhất của Đồng Nai được trao Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2018 vào tối 26-3.
* Đam mê với phong trào
Không có điều kiện để tiếp tục học lên cao nên sau khi tốt nghiệp THPT, Cẩm Nhung xin đi làm công nhân để có thu nhập phụ giúp gia đình. Bản tính vốn thích hoạt động phong trào nên khi được Bí thư Chi đoàn ấp rủ đi tham gia sinh hoạt chi Đoàn, Nhung nhận lời ngay. Sau gần 2 năm tham gia tích cực các hoạt động của Chi đoàn ấp, chị Nhung được bầu làm Bí thư Chi đoàn, kiêm Tổ trưởng Tổ nhân dân. Trong một lần tình cờ đến nhà Bí thư Đảng ủy xã để làm công tác điều tra nhân khẩu, thấy chị Nhung “máu” với phong trào nên vị Bí thư đã gợi ý để chị về xã làm rồi cho đi học. Chị vui như mở cờ trong bụng, liền xin nghỉ làm tại công ty để về xã làm việc.
Anh Nguyễn Minh Hiếu, Bí thư Thành đoàn Biên Hòa, chia sẻ dù là nữ cán bộ Đoàn bận rộn với công việc gia đình, có con nhỏ nhưng chị Lương Thị Cẩm Nhung luôn làm tốt vai trò thủ lĩnh, luôn tìm tòi, sáng tạo ra những cách làm mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn. Vì vậy, xã An Hòa luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của thành phố. |
Công việc mà chị được giao là công tác phụ nữ. Chị Nhung bộc bạch, với suy nghĩ làm công tác Đoàn hay công tác phụ nữ cũng đều là làm phong trào nên chị luôn hết mình với công việc. Sau này dù chuyển công tác nhiều lần giữa 2 đoàn thể là Hội Liên hiệp phụ nữ và Đoàn Thanh niên nên có gặp nhiều khó khăn nhưng chị không hề nản mà luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy vậy, khó khăn nhiều vẫn là quá trình vực dậy hoạt động Đoàn ở ấp. Chị Nhung kể thời điểm năm 2012 xã An Hòa có 4 ấp nhưng duy nhất chỉ có ấp 1 là không có bí thư, phó bí thư chi đoàn, “trắng” đoàn viên. Lúc đó chị là Phó bí thư Đoàn xã nhưng tình nguyện đảm nhận nhiệm vụ củng cố hoạt động của Chi đoàn ấp 1. Chị Nhung bắt đầu đến từng hộ trong ấp để nắm lại số lượng cũng như vận động thanh niên tham gia sinh hoạt chi đoàn. Công việc tưởng đơn giản nhưng cũng mất gần 2 tháng chị Nhung mới làm xong.
Tiếp đến, chị gửi giấy mời họp nhưng chỉ có trên 10 thanh niên tham gia. Từ lực lượng này chị kiện toàn các chức danh bí thư, phó bí thư, ủy viên ban chấp hành chi đoàn và bắt đầu triển khai các hoạt động. Hoàn thành nhiệm vụ kiện toàn bộ máy, chị vẫn bám sát để theo dõi và kịp thời định hướng hoạt động. Nhờ đó, hoạt động của Chi đoàn ấp 1 có chuyển biến tích cực, nhiều thanh niên đã tự nguyện tìm đến với tổ chức Đoàn.
Năm 2015, chị đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Đoàn xã. Ở vai trò thủ lĩnh thanh niên, mọi người thấy chị ở cơ sở nhiều hơn ở phòng làm việc. Chị Nhung cho hay chỉ có gần gũi với anh em mới nắm được tình hình thực tế, mới kịp thời định hướng, hoạt động mới hiệu quả thực chất.
* Sáng tạo trong tập hợp đoàn viên, thanh niên
Năm 2012, từ kinh nghiệm củng cố hoạt động của Chi đoàn ấp 1, chị Nhung đã đưa ra sáng kiến cải tiến phương pháp tập hợp đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã. Áp dụng sáng kiến này, Đoàn xã An Hòa đã tổ chức được nhiều đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, giao lưu văn nghệ, thể dục - thể thao, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.
Bên cạnh việc tạo sân chơi, chị còn triển khai cho đoàn viên, thanh niên các chi đoàn thực hiện nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa, như: xây nhà nhân ái cho hộ nghèo, đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà cho thanh niên công nhân, học sinh có hoàn cảnh khó khăn...; phối hợp với đơn vị lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường...
Đặc biệt, bản thân chị từ năm 2017 đến nay đã và đang thử nghiệm nhiều mô hình phát triển kinh tế nhằm tìm ra các mô hình kinh tế phù hợp giúp đoàn viên thanh niên ổn định kinh tế ngay tại gia đình. Đây là giải pháp tập hợp đoàn viên thanh niên mà chị Nhung cho là bền vững nhất hiện nay. Bởi theo chị, mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động đã khiến cho một bộ phận thanh niên có lối sống thực dụng, vì vậy công tác đoàn kết tập hợp đoàn viên thanh niên ngày càng khó khăn hơn. “Thủ lĩnh của Đoàn nếu không sáng tạo, tìm ra những mô hình phù hợp với nhu cầu thiết thân của thanh niên thì rất khó để tập hợp anh em vào tổ chức Đoàn” - chị Nhung trăn trở.
Nga Sơn