Trong khi nhiều chị em được đón nhận những bó hoa, món quà, những lời chúc tốt đẹp từ chồng, con, bạn bè trong Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3, thì vẫn còn một số phụ nữ vì nỗi lo cơm áo,...
Trong khi nhiều chị em được đón nhận những bó hoa, món quà, những lời chúc tốt đẹp từ chồng, con, bạn bè trong Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3, thì vẫn còn một số phụ nữ vì nỗi lo cơm áo, chưa bao giờ có được một ngày 8-3 trọn vẹn.
Gánh chè chuối gắn bó với bà Lê Thị Quyên hơn nửa cuộc đời. |
Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3 với chị Nguyễn Thị Tám, công nhân ở trọ tại phường An Bình (TP.Biên Hòa), càng vất vả hơn với công việc làm thêm tại quán cà phê vào buổi tối.
* Tất bật mưu sinh
Chị Nguyễn Thị Tám chia sẻ như bao cô gái vùng quê, lớn lên chị lập gia đình, sinh con. Chồng chị không có nghề nghiệp nên cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng. Cuộc sống vốn khó khăn lại càng khốn khó hơn khi vợ chồng chị vừa phải nuôi con, vừa phải chăm lo cho 2 người em chồng không được bình thường. Cách đây hơn 10 năm, để lại chồng, con ở quê nhà, một mình chị vào TP.Biên Hòa ở trọ đi làm công nhân.
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 108 năm Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3 và 1.978 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sáng nay (8-3), Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Câu lạc bộ cán bộ Hội Phụ nữ hưu trí tỉnh phối hợp tổ chức họp mặt truyền thống lần thứ 43. Ngoài hoạt động ôn lại ý nghĩa Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3, Câu lạc bộ cán bộ Hội Phụ nữ hưu trí sẽ tổ chức đánh giá lại kết quả hoạt động của câu lạc bộ trong năm 2017, thảo luận kế hoạch tổ chức cho các thành viên đi tham quan... |
Ở công ty, chị Tám xin làm công việc nặng nhọc để có thêm tiền độc hại, không bỏ sót buổi tăng ca nào. Thậm chí, ngày chủ nhật hay ngày lễ, công ty tổ chức vệ sinh máy móc với mức phụ cấp tăng ca cao chị cũng xin làm.
Ngoài công việc ở công ty, tối đến chị Tám còn xin rửa ly cho các quán cà phê ở gần nơi trọ để kiếm thêm thu nhập. Ngày bình thường, rửa xong ly cũng phải 22 giờ mới về đến phòng trọ nên ngày 8-3, số lượng khách đến quán đông hơn và công việc rửa ly của chị cũng vất vả hơn ngày thường.
Dưới cái nắng đứng bóng của những ngày đầu tháng 3, bà Lê Thị Quyên (72 tuổi) bán chè chuối trước cổng Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, vẫn cần mẫn nướng những quả chuối bọc bột nếp trên bếp than hồng.
Bà Quyên tâm sự, chồng bà mất để lại một người con gái. Trước đây, 2 mẹ con ở trọ đi bán chè chuối nuôi nhau. Từ ngày con gái đi lấy chồng xa, gia cảnh lại khó khăn nên chỉ có mình bà đi bán chè kiếm sống.
Chỉ vào gánh chè, bà bảo lớn tuổi lại mắc nhiều chứng bệnh người già nên để có được gánh chè ngồi bán mỗi ngày, từ 5 giờ sáng bà đã dậy lọ mọ chuẩn bị. Chuẩn bị từ sáng sớm và bán tới tối mịt mới về nhưng bà cũng chỉ kiếm được 70-100 ngàn đồng/ngày. Vì vậy, chỉ trừ những ngày mưa hay ốm nặng không thể đi lại được, những ngày còn lại bà đều chăm chỉ gánh chè ra lề đường bán với hy vọng cuộc sống ổn định hơn và có chút tiền chuẩn bị cho tuổi già.
* Những ước mơ bình dị
Tất bật với cuộc sống mưu sinh, những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ước mơ trong Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3 không phải là những bông hoa, món quà hay những lời chúc tốt đẹp mà đơn giản chỉ là có đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc, kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình.
Người dân dọc các tuyến đường Huỳnh Văn Nghệ, Cách Mạng Tháng Tám, 30-4, Hà Huy Giáp, Võ Thị Sáu... hàng ngày không khó để bắt gặp hình ảnh chiếc xe đẩy tự chế của bà Nguyễn Thị Tuyết và đứa cháu 5 tuổi, ở KP.2, phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) dừng lại bên cạnh những thùng rác để lượm ve chai.
Theo lời kể của bà Tuyết, gia đình bà vốn là người Tiền Giang nhưng chuyển lên TP.Biên Hòa sinh sống từ khi bà còn rất nhỏ. 12 tuổi, bà phụ giúp cha mẹ bằng công việc lượm ve chai bán. Lớn lên lập gia đình, bà sinh được 3 người con (1 trai, 2 gái). 2 người con lớn đều đã có gia đình cũng nghèo khó, người con gái út lấy chồng sinh con xong thì bỏ lại cho bà. Người chồng thứ 3 và cũng là người bạn đời cuối cùng cũng bỏ bà đi vì rượu.
Không còn ai để có thể nương tựa, 65 tuổi bà Tuyết vẫn hàng ngày dắt theo đứa cháu nhỏ đi khắp các con đường của TP.Biên Hòa lượm bọc, ve chai, bìa cạc-tông, báo... để bán lấy tiền lo cho bản thân, nuôi cháu. Đưa mắt nhìn đứa cháu mặt mũi lem luốc, bà Tuyết cho biết không có tiền cho cháu đi học, trong khi xem trên truyền hình thấy nói nhiều về tình trạng bắt cóc trẻ em, bà lo sợ nên đành dắt theo.
Ngày nào cũng như ngày nấy, 2 bà cháu ra khỏi nhà từ lúc 6 giờ sáng đến 19 giờ mới về mà cũng chỉ kiếm được khoảng 100 ngàn đồng. Bà chia sẻ công việc lượm ve chai ngày một khó khăn hơn vì người dân giờ tự gom tại nhà để bán. Vì vậy, ngày 8-3 bà không mong muốn gì hơn là có thể lượm được nhiều hơn bọc, chai lọ bỏ đi để kiếm thêm thu nhập.
Không chỉ mơ ước có nhiều sức khỏe để đi bán vé số kiếm tiền lo cho mẹ, chị Bùi Thị Tĩnh, ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) còn mong muốn cho người mẹ năm nay đã 85 tuổi sớm vượt qua cơn bạo bệnh. Chị Tĩnh cho biết anh chị lớn có gia đình riêng, bản thân chị không có chồng con, ở với cha mẹ cùng người em trai không được bình thường.
Chị cũng từng đi làm công nhân nhưng cách đây 4 năm, chân trái của chị yếu dần và không thể tiếp tục công việc nên chuyển sang bán vé số. Vì không thông thuộc đường sá, di chuyển bằng xe lăn ở ngoài đường không an toàn nên chị chỉ bán loanh quanh trong phường mỗi ngày được khoảng 100 tờ vé số. 3 tháng nay mẹ chị đổ bệnh, ngày nào cũng nhờ bác sĩ đến tận nhà châm cứu rồi thuốc men liên tục nên số tiền chị kiếm được mỗi ngày cũng không thấm vào đâu.
Không chỉ mong muốn cho mẹ khỏi bệnh để yên tâm đi bán vé số mà người phụ nữ ở cái tuổi 50 này còn có một khát khao nhỏ nhoi là được ai đó tặng một bông hồng trong ngày 8-3. Chị Tĩnh bộc bạch có lần cũng vào dịp 8-3, chị đi bán vé số, đi qua hàng bông thấy bông đẹp nên cứ đưa mắt nhìn. Chị bán bông thấy vậy liền rút tặng chị một bông hồng. Chỉ vậy thôi nhưng cảm giác khi được người khác tặng bông làm chị thấy vui và nhớ mãi…
Nga Sơn