Từ một huyện miền núi nhiều khó khăn, sau gần 30 năm xây dựng và nhất là từ quá trình xây dựng nông thôn mới và nay là nông thôn mới nâng cao, diện mạo nông thôn ở Xuân Lộc đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân nâng lên rõ rệt.
Từ một huyện miền núi nhiều khó khăn, sau gần 30 năm xây dựng và nhất là từ quá trình xây dựng nông thôn mới và nay là nông thôn mới nâng cao, diện mạo nông thôn ở Xuân Lộc đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân nâng lên rõ rệt.
Các thành viên Câu lạc bộ thanh niên sản xuất - kinh doanh giỏi xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) thăm vườn xoài của anh Lê Phú Cường (giữa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc). |
Đây là kết quả của cả hệ thống chính trị huyện Xuân Lộc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ đoàn viên, thanh niên.
* Từ phát triển kinh tế...
Tốt nghiệp cao đẳng quản trị kinh doanh (Trường đại học công nghệ TP.Hồ Chí Minh), chàng trai Lê Phú Cường (xã Xuân Trường) trở về quê nhà bắt tay vào chăm sóc 3 hécta cây ăn trái của gia đình, đồng thời tận dụng đất chăn nuôi thêm bò, gà, dê, heo rừng tăng thu nhập... Anh Cường chia sẻ không có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, mọi việc ban đầu với anh thật khó khăn, nhiều đợt gà bị chết không rõ nguyên nhân. Qua tìm hiểu anh mới tìm ra được phương pháp chủ động phòng dịch bệnh. Hiện tại, 3 hécta trồng cây ăn trái và chăn nuôi của anh mỗi năm cho thu nhập khoảng 700 triệu đồng.
Theo anh Phạm Thanh Kiên, Bí thư Huyện đoàn Xuân Lộc, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên đã làm được rất nhiều việc góp phần xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên chủ yếu vẫn là các hoạt động bề nổi, chưa thể hiện rõ được vai trò của Đoàn trong tham gia xây dựng nông thôi mới. Thời gian tới Huyện đoàn sẽ tiếp tục cùng với các đơn vị trực thuộc phấn đấu mỗi năm sẽ thực hiện một công trình, phần việc để lại dấu ấn; tập trung xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, triển khai các phong trào của Đoàn đi vào thực chất. |
Nhằm nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, anh Cường còn tham gia làm thành viên Câu lạc bộ thanh niên sản xuất - kinh doanh giỏi xã Xuân Trường. Anh Trần Thanh Nhật, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên sản xuất - kinh doanh giỏi xã Xuân Trường, chia sẻ các thành viên tham gia câu lạc bộ không chỉ chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi mà còn hỗ trợ nhau về ngày công, cây, con giống khi cần. Hàng năm, vào vụ đông - xuân, câu lạc bộ đứng ra thuê đất của người dân tiến hành trồng bắp vụ đông - xuân, vừa là để tăng thu nhập cho anh em, vừa có thêm nguồn quỹ cho câu lạc bộ hoạt động.
Để khuyến khích đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế, tham gia các mô hình kinh tế tập thể, nhiều nơi “thủ lĩnh” thanh niên còn tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình, mạnh dạn áp dụng những cách làm mới, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.
Bí thư Đoàn xã Xuân Thành Nguyễn Ngọc Hiếu năm 2013 đã thực hiện bước đột phá khi trồng 1,2 ngàn cây trôm để làm nọc tiêu trên diện tích đất của gia đình. Nhờ thân cây sần sùi có độ bám dính, đặc biệt là ít hút chất dinh dưỡng nên vườn tiêu của gia đình anh Hiếu phát triển tốt và cho năng suất cao. Ngoài giờ làm việc ở xã, anh Hiếu còn cùng vợ chăn nuôi heo rừng, gà, thỏ và đang thử nghiệm khá thành công với mô hình nuôi dúi.
* ... Đến các hoạt động an sinh xã hội
Anh Phạm Thanh Kiên, Bí thư Huyện đoàn Xuân Lộc, cho hay tuổi trẻ Xuân Lộc không chỉ đóng góp và phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao bằng kết quả sản xuất, kinh doanh mà còn được thể hiện thông qua các phong trào xây dựng đời sống văn hóa nông thôn và đặc biệt là các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.
Đoàn viên thanh niên nông thôn của huyện đã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đây, nhiều thanh niên nông thôn sản xuất - kinh doanh giỏi góp phần giải quyết việc làm cho số lượng đáng kể người dân địa phương với mức thu nhập ổn định.
Bí thư Huyện đoàn Xuân Lộc Phạm Thanh Kiên chia sẻ thêm ngoài việc triển khai các phong trào, Huyện đoàn cũng đã vận động được 136 thẻ bảo hiểm y tế cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại các trường tiểu học, THCS trong huyện với tổng trị giá gần 70 triệu đồng (trong đó các cơ sở Đoàn đã vận động đoàn viên, thanh niên đóng góp được gần 50 triệu đồng) góp phần nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện lên trên 85% (tính đến cuối năm 2017).
Các đơn vị trực thuộc, tùy vào thực lực, cũng đã tổ chức thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó phải kể đến là Đoàn khối kinh tế huyện Xuân Lộc từ các vật dụng bỏ đi và một số vật dụng khác để tạo ra những món đồ chơi hấp dẫn với trẻ tại Trường tiểu học Xuân Tâm 1 (Phân hiệu Bằng Lăng), thuộc địa bàn ấp Bằng Lăng, xã Xuân Tâm với tổng trị giá khoảng 18 triệu đồng. Hay như Đoàn trường THPT Xuân Hưng với mô hình nuôi heo đất đã trao 50 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em tiếp tục được đến trường. Đoàn trường tiểu học - THCS Nguyễn Hữu Cảnh, xã Xuân Thành với phần việc xây dựng hòn non bộ trong khuôn viên trường kết hợp với tranh phong cảnh và nhà vòm giúp học sinh có được khu vui chơi thoải mái sau giờ học căng thẳng...
Nguyễn Tuyết