Trong năm 2017, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ về công tác kiểm tra, giám sát. Theo đó, số cuộc kiểm tra, giám sát; kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm… đều tăng cao so với năm trước.
Trong năm 2017, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ về công tác kiểm tra, giám sát. Theo đó, số cuộc kiểm tra, giám sát; kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm… đều tăng cao so với năm trước.
Cán bộ kiểm tra trong tỉnh trao đổi nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. |
Ủy ban kiểm tra các cấp còn chủ động tham mưu cấp ủy giải quyết nhiều vụ việc có nội dung tính chất phức tạp, liên quan nhiều ngành, nhiều cấp, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch vững mạnh, hoàn thành nhiệm vụ chính trị đề ra.
* Chủ động phát hiện sai phạm
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thống Nhất Lương Văn Định cho biết năm 2017 huyện có 26 đảng viên bị thi hành kỷ luật, tăng 0,5% so với chỉ tiêu của tỉnh. Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 17 trường hợp do cấp ủy, tổ chức Đảng và qua công tác kiểm tra, giám sát chủ động phát hiện được. Nguyên nhân đảng viên bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm trong công việc, thiếu tu dưỡng rèn luyện, ý thức kém; công tác quản lý, giáo dục đảng viên bị buông lỏng; cấp ủy thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở đảng viên thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến đảng viên vi phạm phải kỷ luật vẫn cao.
Trong năm 2017, toàn tỉnh có 372 đảng viên vi phạm bị thi hành kỷ luật, nội dung vi phạm chủ yếu do thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, vi phạm công tác cán bộ, vi phạm về kê khai tài sản, tham nhũng, cố ý làm trái, phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm đất đai... Ngoài việc bị thi hành về mặt Đảng, như khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ, có 12 đảng viên còn bị xử lý về mặt pháp luật là phạt tù và 22 đảng viên bị xử lý hành chính. |
Trong số đảng viên bị kỷ luật nói trên, đáng nói là có nhiều đảng viên vi phạm liên quan đến đánh bạc với 7 trường hợp thuộc lực lượng công an, xã đội. Số tiền đánh dù nhỏ nhưng huyện đã kiên quyết xử lý. Ngoài ra có đảng viên là phó chỉ huy quân sự xã đã nhận tiền để lo cho 1 đối tượng không phải đi nghĩa vụ quân sự, đảng viên này sau đó đã bị xử lý về mặt pháp luật bằng hình phạt tù giam.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thống Nhất đề xuất với tỉnh nên xem xét lại tiêu chí thi đua trong ngành kiểm tra. Hiện nay đang có tình trạng đơn vị nào làm tích cực, phát hiện xử lý được nhiều đảng viên vi phạm thì lại bị trừ điểm thi đua, vì có số đảng viên bị kỷ luật vượt quá chỉ tiêu của tỉnh.
Trước vấn đề này, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Lê Ngọc Minh cho rằng trong công tác kiểm tra, giám sát không nên đặt nặng vấn đề xử lý nhiều hay ít cán bộ, đảng viên. Quan trọng là xử lý làm sao để Đảng vững mạnh, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, không phải cứ xử nhiều là yếu. Trong công tác kiểm tra, giám sát luôn có tâm lý ngại va chạm, đây là điều khó tránh khỏi. Khi “mất” cán bộ, rất đau lòng. Để không “mất” cán bộ, cách tốt nhất là giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời ngay từ đầu.
Theo đồng chí Lê Ngọc Minh, năm 2017 ngành nội chính tỉnh đã tiếp nhận 680 lượt đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến hành vi tố tụng của đội ngũ làm việc trong các cơ quan tố tụng. Sau nhận đơn, ngành đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, qua đó phát hiện được một số vụ việc sai phạm, đem lại lòng tin cho nhân dân.
* Thiếu cán bộ kiểm tra cơ sở
Ở góc độ khác, Phó bí thư Thành ủy Biên Hòa Thi Văn Dũng nêu: “Các Đảng bộ khối thuộc Đảng bộ cấp huyện đang có nhiều hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát. Các Đảng bộ khối rất đông đảng viên, từ 200-300 đảng viên nhưng không có cán bộ chuyên trách công tác Đảng; bí thư, phó bí thư các Đảng bộ khối đều là kiêm nhiệm, phần lớn chỉ tập trung vào công việc chuyên môn của đơn vị mình”.
Đối với ủy ban kiểm tra các xã, phường đã thường xuyên được củng cố, nhưng nhiều lúc cũng chưa kịp thời, vì rất khó bố trí cán bộ kiểm tra cho cơ sở. Đồng chí Thi Văn Dũng cho biết: có người khi được bố trí làm công tác Đảng, Mặt trận, đoàn thể đã xin “cho em làm ở ủy ban, việc gì cũng được”. Làm công tác Đảng, đặc biệt là công tác của ủy ban kiểm tra phải nắm vững kiến thức, quy trình, quy định, phải đụng chạm đủ thứ nên nhiều người “ngán” không muốn làm công tác kiểm tra.
Nói thêm về đội ngũ công tác kiểm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Biên Hòa Nguyễn Thị Hà cho hay vừa qua HĐND tỉnh đã nâng mức phụ cấp cho đội ngũ không chuyên trách cấp xã nhằm động viên tinh thần làm việc của đội ngũ này ở cơ sở, nhưng đội ngũ cán bộ kiểm tra ở cơ sở vẫn thiếu và yếu. Ngoài trình độ chuyên môn, yêu cầu thực tiễn đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải có sự lập luận, phân tích vấn đề. Thời gian qua, có cán bộ kiểm tra, trong quá trình tác nghiệp của mình gặp phải vấn đề, “đụng chuyện” lập tức làm đơn xin nghỉ việc. Do đó, hiện có xã, phường đang khuyết chủ nhiệm và phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cơ sở. Ngay tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Biên Hòa, số lượng cán bộ kiểm tra cũng không hơn các huyện khác, trong khi Biên Hòa có số đảng viên đông nhất tỉnh, trên 18 ngàn đảng viên. Đội ngũ cán bộ kiểm tra ở Biên Hòa đang phải thực hiện một khối lượng công việc quá lớn, để hoàn thành nhiệm vụ phải cố gắng hết sức.
Phương Hằng