Báo Đồng Nai điện tử
En

Tinh thần Tuyên ngôn sống mãi

07:02, 24/02/2018

Đại hội II của Đồng minh những người cộng sản được tổ chức từ ngày 29-11 đến 8-12-1847 đã giao cho Karl Marx và Friedrich Engels  soạn thảo cương lĩnh của Đồng Minh. Cương lĩnh đó chính là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Đại hội II của Đồng minh những người cộng sản được tổ chức từ ngày 29-11 đến 8-12-1847 đã giao cho Karl Marx và Friedrich Engels  soạn thảo cương lĩnh của Đồng Minh. Cương lĩnh đó chính là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Vào ngày 24-2-1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã chính thức được công bố lại London.

Tuyên ngôn thể hiện cô đọng những bộ phận hợp thành của chủ nghĩa Marx, do đó đây là tác phẩm đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa Marx nói chung, chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng, tổng hợp tất cả những kiến thức mới mẻ và đúng đắn mà 2 ông đã tích lũy. Khi tổng kết nguồn gốc của học thuyết Marx, Lênin đã khẳng định Tuyên ngôn là thừa kế chính đáng nhất của tất cả những cái tốt đẹp nhất mà loài người đã tạo ra hồi thế kỷ 19.

* Không ngừng xuyên tạc

Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, các thế lực chống cộng trên thế giới đã hô hào về sự cáo chung của chủ nghĩa Marx. Người ta gán cho Marx rất nhiều sai lầm. Các nhà tư tưởng, các nhà chính trị của tư sản vội vã lên tiếng rêu rao về sự diệt vong của chủ nghĩa cộng sản. Điều ấy không có gì lạ, bởi ngay từ khi mới ra đời ở châu Âu vào nửa đầu thế kỷ 19, học thuyết này đã bị xem là “bóng ma ám ảnh châu Âu”. Vì vậy, nó có bị chống đối cũng là điều đương nhiên và dễ hiểu.

Đảng ta khẳng định kiên định chủ nghĩa Marx-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề nguyên tắc số một, là nhiệm vụ hàng đầu trong toàn bộ công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng - được vũ trang bằng lý luận của chủ nghĩa Marx, nhân dân ta đã chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc và đang thu được những thành quả to lớn trong xây dựng và bảo vệ đất nước trong hòa bình. Với sự kiên định chủ nghĩa Marx -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phát triển một cách tốt nhất, khoa học nhất những nguyên lý của chủ nghĩa Marx, nhất định Đảng và nhân dân ta sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nhằm biến lý tưởng nhân văn cao đẹp của Tuyên ngôn từng bước trở thành hiện thực.

Chỉ có một điều hơi “khó hiểu” là ngay trong đội ngũ những người cộng sản, trong đó có những người từng giữ trọng trách lớn, có những người từng là những “môn đồ trung thành” của chủ nghĩa Marx  thì nay đã vội vã “đổi màu”, cho rằng học thuyết này đã lỗi thời. Một trong những nguy cơ rất lớn hiện nay không chỉ là sự chống phá của các thế lực thù địch thông qua “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” mà còn là nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Để chống phá, xuyên tạc hệ tư tưởng của chủ nghĩa xã hội, nhiều người thường dẫn ra những sai lầm, khuyết điểm mà Liên Xô và Đông Âu vấp phải trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong thời đại tiến bộ vượt bậc hiện nay của nền văn minh nhân loại, cũng có những quan điểm cho rằng kinh tế tri thức, thời đại công nghệ thông tin không dung nạp chủ nghĩa xã hội. Lý do mà họ đưa ra là nhiều chủ doanh nghiệp có bóc lột đâu, ngược lại còn đóng góp rất nhiều cho các quỹ từ thiện, nhân đạo. Họ cũng cho rằng cái gì tốt sẽ được chấp nhận và tồn tại, cái gì không phù hợp sẽ bị lỗi thời và tẩy chay, hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới sụp đổ, chứng tỏ học thuyết Marx là sai lầm.

* Sức sống lâu bền

Mặc dù chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ nhưng đây chỉ là sự sụp đổ của một mô hình máy móc, rập khuôn, không đúng với bản chất của chủ nghĩa Marx chứ không phải sự sụp đổ của một hệ tư tưởng. Chủ nghĩa xã hội vẫn đang có sức hấp dẫn chinh phục hàng tỷ người trên hành tinh và dù có đi theo chủ nghĩa Marx hay không thì nhiều quốc gia gần như đã đoạn tuyệt với phương cách bóc lột của chủ nghĩa tư bản…

Sở dĩ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản có sức sống lâu bền và giá trị to lớn bởi nội dung của nó mang tính cách mạng và khoa học sâu sắc. Những người sáng lập chủ nghĩa Marx  - bằng thiên tài của mình - đã sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để luận giải một cách khoa học về quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, đặc biệt là học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội; về vị trí và ý nghĩa quan trọng của sản xuất vật chất cũng như vai trò của kiến trúc thượng tầng; về quá trình phát sinh, phát triển và sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản; về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong đấu tranh nhằm xây dựng một xã hội tương lai tốt đẹp.

Giới học giả trên thế giới vẫn đang không ngừng nghiên cứu về chủ nghĩa Marx và càng không khỏi khâm phục những người sáng lập ra nó. Năm 1995, một đại hội quốc tế về Marx đã được tổ chức tại Paris quy tụ hơn 500 đại biểu là những nhà chính trị, nhà triết học trên thế giới. Các đại biểu đã thống nhất đánh giá: “Gương mặt Marx vẫn là biểu tượng của sự phủ nhận trật tự đang thống trị và tư tưởng của Marx  vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện đại”.

Thực tế lịch sử 170 năm qua chứng minh rằng nhờ Marx mà chủ nghĩa tư bản đã điều chỉnh rất nhiều phương pháp và cách thức hoạt động của nó - cái mà ngày nay gọi là chủ nghĩa tư bản thích nghi. Và, mặc dù nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ngày nay đã phát triển đến một trình độ cao, tạo ra lực lượng sản xuất khổng lồ, nhưng mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất vẫn diễn ra hết sức gay gắt. Chủ nghĩa tư bản đã phải thường xuyên đương đầu với những cuộc khủng hoảng nặng nề, với nhiều nguy cơ suy thoái và nạn thất nghiệp của hàng chục triệu người. Mặc dù thay đổi và điều chỉnh, song bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản vẫn không thay đổi, những mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản còn tồn tại. Điều này chứng tỏ chủ nghĩa Marx  vẫn còn nguyên giá trị và vẫn sẽ mãi là ánh sáng chỉ đường cho hoạt động của con người vì sự tiến bộ của nhân loại.

Hồng Phúc

Tin xem nhiều