Báo Đồng Nai điện tử
En

Căn cứ địa anh hùng

07:02, 01/02/2018

Xuất phát từ đặc điểm vị trí chiến lược của chiến trường Đông Nam bộ, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông đã xây dựng các căn cứ địa kháng chiến lớn tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày nay.

Xuất phát từ đặc điểm vị trí chiến lược của chiến trường Đông Nam bộ, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông đã xây dựng các căn cứ địa kháng chiến lớn tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày nay. Trong số đó, căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (mật danh U1), được thành lập tháng 9-1965 nay thuộc khu vực xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) và tồn tại đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (1965-1975) nhận bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX tặng nhân dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước năm 2015.ảnh: Tư liệu
Lãnh đạo Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (1965-1975) nhận bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX tặng nhân dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước năm 2015.ảnh: Tư liệu

Năm 1965, khi sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam ngày càng rầm rộ, với sự chuyển biến của tình hình tại chiến trường miền Nam lúc đó, vào tháng 9-1965, Trung ương Cục quyết định sáp nhập TX.Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu thành đơn vị chiến trường ngang cấp tỉnh gọi là Biên Hòa  và chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Trị (hy sinh năm 1969) làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Công An làm Tỉnh đội trưởng. Tỉnh ủy Biên Hòa được xác định phải củng cố và phát triển cơ sở ở nội ô và ngoại ô thị xã, kết hợp đấu tranh chính trị với hoạt động vũ trang.

* căn cứ giữa ân tình của dân

Cụm tượng đài U1 hoàn thành sau hơn 1,5 năm thi công

Khởi công vào tháng 7-2016, đến ngày 26-1, Cụm tượng đài U1 đã được nghiệm thu. Cụm tượng đài có chiều cao 21,4m, gồm: phần đế cao 1,2m; phần phù điêu cao 4,7m và phần cụm trung tâm cao 14,35m.

Trên cụm tượng thể hiện rõ các công tác phục vụ chiến đấu, các trận đánh anh hùng, ngày giải phóng và đặc biệt là 9 nhân vật trên trung tâm tượng thể hiện sức sống, niềm tin của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Ngoài cụm tượng đài di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa, dịp này nhà lưu niệm truyền thống tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa cũng được tổ chức khánh thành vào ngày 2-2. Tổng diện tích khu di tích rộng trên 1,1 hécta thuộc xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom).              

Đăng Tùng

Chỉ cách Sài Gòn hơn 80km, cách Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 chế độ cũ 40km nhưng suốt 10 năm tồn tại, căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa vẫn kiên cường bám trụ bất chấp sự tấn công ác liệt bằng nhiều phương tiện hiện đại của địch.

Theo những người từng sống, chiến đấu tại khu vực căn cứ, như các ông: Trần Văn Cao (con trai Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An), Phùng Duy Tường (nguyên cán bộ Tiểu đoàn 1 Đặc công U1)…, khu căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa là nơi đứng chân trọng yếu của các lực lượng vũ trang và cơ quan đầu não Tỉnh ủy Biên Hòa.

Từ đây, Tỉnh ủy Biên Hòa tập trung lãnh đạo, triển khai các cuộc tấn công của các đơn vị lớn, như: Sư đoàn 5, các đơn vị đặc công, biệt động TX.Biên Hòa… đánh vào các vị trí trọng yếu của địch ở TX.Biên Hòa.

Ông Trần Văn Cao kể: “Xung quanh căn cứ khi đó là rừng, rừng che bộ đội, rừng vây quân thù. Đánh xong 1 trận, chúng tôi phải lập tức về chuyển thương binh ra bệnh xá, tổ chức anh em chống càn. Dù địch có đông đến mức nào, vũ khí có mạnh đến đâu cũng không thể tàn phá được toàn bộ rừng Cây Gáo bạt ngàn nơi đây. Do đó, anh em chiến sĩ chúng tôi cùng các cấp lãnh đạo vẫn kiên cường bám trụ, vượt qua mọi khó khăn để đánh địch”.

Thời kỳ đó, các cán bộ, chiến sĩ cách mạng sống dựa vào dân, Những vườn rẫy, ao, bàu ở các xã lân cận là nguồn lương thực dồi dào cho cán bộ, chiến sĩ căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa. Xung quanh căn cứ có những bàu rau muống tự nhiên nên chiều nào cán bộ, chiến sĩ cũng cắt về ăn. Ngoài ra, các loại củ rừng, củ dại cũng được mọi người tận dụng ăn thay cơm.

Đồng chí Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U1, cho hay trong suốt 10 năm cán bộ, chiến sĩ đã sống, công tác và chiến đấu tại căn cứ, đồng bào không chỉ giúp đỡ về lương thực mà còn tìm nhiều cách qua mặt kẻ địch để đem nhu yếu phẩm cho thương binh gửi vào căn cứ. Như việc bà con đem thuốc, đường, sữa bỏ dưới thúng, bên trên đổ phân bón, phủ lá che như đang gánh phân vào bón rẫy; hoặc hòa tan muối thành nước, giả như đem nước vào rẫy uống, sau đó giao cho cán bộ nấu ra để có muối dùng hàng ngày.

* Nơi thắp lên ngọn lửa cách mạng

Từ khi thành lập đến suốt những năm chống Mỹ sau này, quân dân tại khu căn cứ vừa đánh địch vừa xây dựng lực lượng, từ cấp đại đội, rồi Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 đặc công tinh nhuệ.

Các cựu chiến binh từng sống, chiến đấu tại căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa góp ý về cụm tượng đài di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (ảnh: Tư liệu)
Các cựu chiến binh từng sống, chiến đấu tại căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa góp ý về cụm tượng đài di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (ảnh: Tư liệu)

Trong năm 1965 và những năm tiếp theo, các tiểu đoàn này liên tục đánh Sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình với nhiều hình thức và cách đánh khác nhau. Đây là những nhiệm vụ nặng nề, nhưng nhờ sự giúp đỡ của người dân và cơ sở mật khắp nơi nên các chiến sĩ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong các ngày: 23-6, 17-11 và 10-12-1966, Tổng kho Long Bình bị Tiểu đoàn 1 đặc công U1 tấn công với những vụ nổ kinh hoàng, gây thiệt hại rất lớn cho địch và làm ảnh hưởng đến cục diện của nhiều chiến trường.

Còn tại Sân bay Biên Hòa, vào ngày 23-2-1966, trên 120 máy bay các loại của địch đã bị phá hỏng bởi hàng trăm quả đạn pháo của quân ta nã cấp tập vào sân bay. Đến tháng 8-1966, trên 40 kho đạn và 2 máy bay trong sân bay tiếp tục bị Đặc công U1 phá hủy hoàn toàn.

Ông Phùng Duy Tường cho hay: “Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa nằm tại Bàu 17 là địa điểm chính, xung quanh đó còn nhiều vị trí đóng quân ở cánh rừng thuộc các xã lân cận. Từ khu căn cứ, mệnh lệnh tấn công, phục kích, làm rối loạn quân địch được ban bố về các đơn vị. Ngoài các đơn vị chính cấp tiểu đoàn, trung đoàn đóng gần căn cứ, kề sát bên trong trung tâm TX.Biên Hòa ngày đó còn có các tổ biệt động ẩn náu tại các vị trí ven sông Đồng Nai, như: cù lao Phố, An Hảo, Khu kỹ nghệ Biên Hòa…, sẵn sàng giáng những đòn đánh bất ngờ về phía địch rồi rút lui chớp nhoáng”.

Sau ngày đất nước thống nhất, Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa trở thành “địa chỉ đỏ” được các cấp, các ngành quan tâm, thường xuyên tổ chức thăm viếng mỗi dịp lễ lớn, tết. Tháng 4-2013, Đền tưởng niệm Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa được khánh thành. Ngày 2-2, cụm tượng đài và nhà lưu niệm truyền thống tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa sẽ được khánh thành.

Năm 1971, Trung ương Cục miền Nam quyết định nhập Tỉnh ủy Biên Hòa U1 và Phân khu 5 thành Phân khu Thủ Biên. Căn cứ U1 vẫn là nơi đứng chân của một bộ phận Phân khu Thủ Biên lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang đánh hậu cứ Mỹ, quân đội Sài Gòn, đấu tranh giành quyền lợi thiết thực cho quần chúng.

Năm 1972, sau khi tách Phân khu Thủ Biên, tỉnh Biên Hòa được thành lập. Tỉnh ủy Biên Hòa vẫn trụ tại căn cứ này chỉ đạo Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, tại căn cứ này, Khu ủy miền Đông, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông cùng hàng trăm cán bộ tập kết tại đây và phổ biến nghị quyết của Trung ương Đảng giải phóng miền Nam cho Thành ủy Biên Hòa. Đồng thời giao Thành ủy Biên Hòa tổ chức lực lượng tại chỗ trong nội thành kết hợp quân chủ lực đánh tiêu diệt địch bên ngoài.

Sau khi nhận lệnh, lực lượng tại chỗ nội thành đã nhanh chóng giành chính quyền, giải phóng tỉnh lỵ Biên Hòa, góp phần mở đường cho các cánh quân tiến vào Sài Gòn, nhanh chóng thống nhất đất nước sau 21 năm chia cắt.

Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U1 đầu tiên

Tháng 9-1965, khi thành lập Tỉnh ủy Biên Hòa (U1), Trung ương Cục đã điều Khu ủy viên dự khuyết Nguyễn Văn Trị làm Bí thư Tỉnh ủy (9-1965 - 10-1968).

Đồng chí Nguyễn Văn Trị nắm vững phương châm chỉ đạo 3 mặt: chính trị, quân sự và binh vận, đồng thời kết hợp 3 mũi giáp công; sau khi cân nhắc tình hình đã ủng hộ phương thức tác chiến quân sự tổ chức đánh vào Sân bay Biên Hòa, rồi Tổng kho Long Bình năm 1966.

Việc đánh vào cơ sở hậu cần của địch đã gây tiếng vang lớn ra toàn thế giới, đồng thời đưa phong trào đấu tranh chính trị ở TX.Biên Hòa, đặc biệt là ở Khu kỹ nghệ Biên Hòa (nay là Khu công nghiệp Biên Hòa 1) lên cao.

Trong một đêm năm 1969, trên đường cùng 1 tiểu đội đưa Nghị quyết hội nghị Trung ương Cục lần thứ 9 về 7 nhiệm vụ lớn của cách mạng miền Nam từ Tây Ninh về, đồng chí Nguyễn Văn Trị đã trúng mai phục của địch tại khu vực huyện Xuân Lộc ngày nay và tất cả đều hy sinh.

Đồng chí Nguyễn Văn Trị tham gia cách mạng từ năm 1945, khi mới 24 tuổi. Ông từng học Trường Pétrus Ký ở Sài Gòn, đã đậu bằng diplome và là con trai duy nhất của thầy giáo Nguyễn Văn Vận nổi tiếng về đạo đức trong khắp vùng, mẹ là bà Cao Thị Tợ, chủ một nhà máy xay lúa lớn ở xã Tân Triều (nay thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu).

Gia đình thuộc vào loại có “máu mặt” ở Biên Hòa này rất giàu lòng yêu nước. Khi Pháp tái chiếm Biên Hòa đã cho mời ông giáo Vận ra làm làng và nhờ ông kêu người con trai đi làm cộng sản trở về hợp tác với Nhà nước Đại Pháp. Tuy nhiên, ông giáo Vận đã khẳng khái từ chối và bị chúng đem ra xử bắn tại bót Cây Đào.

Hiện nay, tên đồng chí Nguyễn Văn Trị được đặt cho con đường dài khoảng 1,7km trước UBND tỉnh và dọc theo công viên bờ sông Đồng Nai.

Đ.T (tổng hợp)

Minh Thành

Tin xem nhiều