Báo Đồng Nai điện tử
En

Yếu tố bất ngờ trong cuộc tổng tiến công

07:01, 30/01/2018

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã giáng một đòn chí tử vào quân viễn chinh Mỹ, làm đảo lộn thế chiến lược của địch, lung lay ý chí xâm lược của chúng, buộc Washington phải từng bước xuống thang trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã giáng một đòn chí tử vào quân viễn chinh Mỹ, làm đảo lộn thế chiến lược của địch, lung lay ý chí xâm lược của chúng, buộc Washington phải từng bước xuống thang trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thắng lợi đó do nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố bất ngờ là nét nổi bật.

Khí thế tiến công của tuổi trẻ Sài Gòn trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Khí thế tiến công của tuổi trẻ Sài Gòn trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Đêm giao thừa Tết Mậu Thân (ngày 30-1-1968), quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy ở 4 trong tổng số 6 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn, quân lỵ tiến công vào hầu hết các cơ quan đầu não ở trung ương và địa phương của Mỹ, ngụy.

* Hiệu lực chiến đấu cao

Nghệ thuật tạo bất ngờ đối với Mỹ và Quân đội Việt Nam cộng hòa thực sự là một trong những nhân tố đóng vai trò quyết định thắng lợi của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Đây là “sản phẩm đặc biệt” của tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, nét đặc sắc đáng ghi nhớ nhất của sự kiện Xuân Mậu Thân đã diễn ra cách đây 50 năm. Bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tạo bất ngờ trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân nói riêng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, vẫn mãi giữ nguyên giá trị để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Một số trận đánh gây chấn động lớn như: tiến công Tòa đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy ở Sài Gòn, Dinh Độc Lập, Đài phát thanh... Trong trận tiến công và làm chủ Huế 25 ngày đêm, quân và dân ta tổ chức chính quyền cách mạng, đánh hàng trăm trận phản kích gây cho địch nhiều thiệt hại. Ở hầu hết các vùng nông thôn, lực lượng vũ trang địa phương hỗ trợ nhân dân nổi dậy, phá tan từng mảng hệ thống kìm kẹp của ngụy quyền ở thôn, xã, giành thắng lợi cả về tiêu diệt sinh lực địch và giành quyền làm chủ.

Xét về quy mô cũng như tính chất đồng loạt, Tổng tiến công và nổi dậy Mậu thân 1968 đã sáng tạo ra một hình thức tiến công chiến lược mới với hiệu lực chiến đấu cao, làm lung lay ý chí xâm lược của một siêu cường, làm cho chính quyền Mỹ và Sài Gòn sững sờ, choáng váng. Cuộc tiến công không chỉ diễn ra ở một vài vùng mà diễn ra trên toàn miền Nam, không chỉ diễn ra một đợt mà diễn ra nhiều đợt, không chỉ tiến công tuần tự từ ngoài vào mà còn kết hợp từ trong ra, làm bất ngờ không chỉ toàn bộ chính quyền Mỹ - Sài Gòn, mà làm bất ngờ và chấn động cả nước Mỹ và dư luận trên toàn thế giới.

Thời điểm tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã làm cho kẻ thù vô cùng lúng túng và bị động. Chọn thời điểm mở đầu cuộc tiến công chiến lược khi đế quốc Mỹ đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Quân Mỹ đã trải qua 3 năm trực tiếp tham chiến ở Việt Nam; từng mở 2 cuộc phản công chiến lược lớn vào mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 nhưng không đạt được kết quả gì đáng kể, trái lại còn bị quân và dân ta đánh cho thiệt hại nặng nề và thất bại hoàn toàn về mục tiêu chiến lược “bẻ gãy xương sống Việt cộng”.

Ngay cả âm mưu leo thang đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam và uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân ta cũng không xoay chuyển được tình thế. Mỹ hầu như đã huy động mọi nỗ lực có thể cho cuộc chiến ở Việt Nam. Chi phí chiến tranh tính đến năm 1968 đã gấp 3 lần chiến tranh Triều Tiên, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, chính sách xã hội, xây dựng quốc phòng của Mỹ. Việc chọn thời điểm tiến công chiến lược năm 1968 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, năm mà nước Mỹ rất nhạy cảm về chính trị cũng là một lợi thế cho ta.

* Bất ngờ liên tiếp bất ngờ

Chọn thời điểm mở đầu Cuộc tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân 1968 được ta tạo ra và nắm bắt đúng lúc, không sớm và cũng không muộn. Nếu sớm quá, ta chưa đánh thắng 2 cuộc phản công chiến lược vào hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 thì Mỹ còn mạnh và không chịu thua, chúng còn thời gian để triển khai đầy đủ chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Nếu để muộn, cuộc tiến công sau năm bầu cử Tổng thống thì áp lực quân sự khó làm lung lay ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ.

Quân giải phóng miền Nam tấn công Sân bay Tân Sơn Nhất trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Quân giải phóng miền Nam tấn công Sân bay Tân Sơn Nhất trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Độc đáo hơn cuộc tiến công được tiến hành vào dịp Tết Nguyên đán - đúng đêm giao thừa và mùng 1 tết, khi nhiều sĩ quan tham mưu và quân báo của địch nhận định cuộc tiến công có nhiều khả năng xảy ra vào thời gian trước tết, nhưng đến những ngày trước tết, khi thấy tình hình vẫn im ắng thì phía Mỹ lại thêm chủ quan, lơ là mất cảnh giác. Vì vậy khi ta tiến công, địch hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp đối phó.

Tiếp đến là sự bất ngờ trong chọn hướng tiến công. Hướng tiến công chủ yếu không phải là rừng núi và nông thôn như trong các mùa khô trước - nơi địch tương đối yếu, mà nhằm vào đô thị, trước hết là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng...  nơi tập trung các cơ quan đầu não trung ương và địa phương của chính quyền Sài Gòn, mặc dù địch ở đây khá mạnh. Đây là một quyết định táo bạo nên đã gây bất ngờ lớn đối với địch, bởi vì chúng vẫn chủ quan cho rằng bộ đội ta ít kinh nghiệm đánh thành phố và chưa có khả năng đánh vào các trung tâm chính trị, quân sự của chúng.

Để tiến công bất ngờ và đồng loạt vào thành phố, thị xã trên khắp chiến trường miền Nam ta phải điều chỉnh, tăng cường lực lượng, vật chất, đưa vũ khí ém sẵn các mục tiêu trong lúc hơn 1 triệu quân Mỹ - ngụy và chư hầu co vào phòng ngự, trụ tại các đô thị miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.

Để giải quyết vấn đề khó khăn, phức tạp này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã dùng chiến thuật điều chủ lực địch ra khỏi các thành phố, thị xã, làm cho chúng lầm tưởng rằng mùa xuân năm 1968, ta vẫn tiến công địch ở rừng núi là chính, bằng việc mở Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, đánh thẳng vào khu vực phòng ngự của địch, nơi chúng quyết giữ nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc vào miền Nam. Thời điểm tiến công Khe Sanh không sớm quá và cũng không muộn quá so với thời gian tổng tiến công và nổi dậy ở các thành phố, thị xã.

Thực hiện chủ trương này, đêm 20-1-1968, trước tổng tiến công và nổi dậy 10 ngày, các sư đoàn chủ lực của ta nổ súng tiến công Khe Sanh. Ngay sau khi phát hiện chủ lực của ta đánh Khe Sanh, Bộ Chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam lập tức điều thêm 12 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn kỵ binh bay, Sư đoàn 101 không vận, Sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy ra khu vực Đường 9 để đối phó.

Đúng lúc địch đang cố gắng điều động lực lượng cố giữ bằng được Khe Sanh thì đêm 30 và 31-1-1968 - đêm giao thừa và mùng 1 tết, lợi dụng địch sơ hở ở đô thị ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác làm cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó.

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, giáng đòn quyết định vào chiến lược Chiến tranh cục bộ, làm lung lay một bước nghiêm trọng ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chuyển sang chiến lược phi Mỹ hóa chiến tranh rồi Việt Nam hóa chiến tranh, bắt đầu rút dần quân Mỹ về nước, chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận ngồi đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Thắng lợi của Tổng tiến công Xuân 1968, cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiến đến mở Cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

TS. Vũ Thị Nghĩa

Tin xem nhiều