Báo Đồng Nai điện tử
En

Phan Bội Châu với Nguyễn Ái Quốc

07:12, 26/12/2017

Cụ Phan Bội Châu sinh ngày 26-12-1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.  Thuở thiếu thời, cụ đã sớm có lòng yêu nước.

Cụ Phan Bội Châu sinh ngày 26-12-1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.  Thuở thiếu thời, cụ đã sớm có lòng yêu nước.

Năm 17 tuổi, cụ viết bài Hịch Bình Tây Thu Bắc đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng việc Bắc kỳ khởi nghĩa kháng Pháp. Mới đây trong lần sang thăm Việt Nam, Nhật hoàng Akihito đã tới thăm Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu ở Huế, bởi cụ là người đã khai mở con đường Đông Du từ Việt Nam sang Nhật Bản để tìm đường cứu nước. Thế nhưng, ngay từ lúc sinh thời và nhất là những năm cuối đời, cụ đã đặt trọn niềm tin vào người thanh niên xuất sắc: Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc.

* Yêu nước

Tại vùng Nghệ Tĩnh, người dân vẫn lưu truyền những câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Đụn Sơn phân giải/Bò Đái thất thanh/Thủy đáo Lam Thành/ Nam Đàn sinh thánh”’ (Khi núi Đụn chẻ đôi, khe Bò Đái mất tiếng, sông Lam khoét vào chân núi Lam Thành, đất Nam Đàn sẽ sinh ra bậc thánh nhân).

Sau phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, câu sấm này được nhắc lại và bàn tán. Lúc đó, khe Bò Đái cũng đã không còn chảy và không còn nghe tiếng. Trong một cuộc gặp giữa Phan Bội Châu (lúc này đã bị Pháp bắt và quản thúc) với học giả Đào Duy Anh và nhà nho Trần Lê Hữu, ông Hữu có hỏi: “Thưa cụ Phan, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh chẳng phải là cụ hay sao? Cụ còn thất bại nữa là người khác!”. Phan Bội Châu đáp: “Kể cái nghề cử tử xưa kia tôi cũng có tiếng thật. Dân ta thường có thói trọng người văn học và gán cho người ta tiếng nọ tiếng kia. Nhưng nếu Nam Đàn có thánh thực thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc chứ chẳng phải ai khác”.

Không những chỉ đặt trọn niềm tin vào người thanh niên Nguyễn Ái Quốc, cụ Phan còn đặc biệt có cảm tình và hy vọng vào con đường xã hội chủ nghĩa. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời cho biết trong nhà của Phan Bội Châu có treo ở giữa tấm ảnh của Lênin, và khi còn ở Trung Quốc, Phan Bội Châu viết một cuốn tiểu sử Lênin. Ngoài ra, Phan Bội Châu còn viết một quyển sách với tựa đề Xã hội chủ nghĩa hơn 50 trang để giới thiệu về chủ nghĩa Mác và kết luận: “Ở trong các nhà xã hội học, ông (Marx) thật đáng là một vị tiên sư, sở dĩ chúng ta nghiên cứu xã hội chủ nghĩa, chỉ cần nghiên cứu Mã Khắc Tư (Marx) chủ nghĩa là xong rồi”.

* Tin tưởng và kỳ vọng

Sự kỳ vọng và tin tưởng của Phan Bội Châu dành cho Nguyễn Ái Quốc thể hiện rõ nhất trong tác phẩm Truyện Phạm Hồng Thái. Cụ Phan mượn lời Nguyễn Ái Quốc: “Người nước ta không nói cách mạng thì thôi, chứ nói cách mạng thì phải bắt tay vào làm cách mạng xã hội… Hơn nữa, việc huấn luyện cách mạng xã hội không thể thành công, nếu không dựa vào số đông người thuộc giai cấp dưới. Số đông của giai cấp dưới chính là công nhân và nông dân…”.

Trong thư gửi Lý Thụy (bí danh của Nguyễn Ái Quốc khi ở Quảng Châu, Trung Quốc) ngày 14-2-1925, cụ Phan Bội Châu viết: “Hôm trước anh Lâm Đức Thụ và anh Hồ Tùng Mậu gửi lại thư của cháu, trong thư có nói tường tận chuyện ông Hy Mã Phan Châu Trinh. Tuy thư dựa trực tiếp trên chuyện thật nhưng ngụ ý sâu sắc, mà lối lập luận lại dựa trên những ý tưởng lớn, nhân đó mới biết là học vấn, tri thức của cháu nay đã tăng trưởng quá nhiều”.

 Phan Bội Châu tâm sự: “Nhớ lại 20 năm trước đây, khi đến nhà cháu uống rượu gõ án ngâm thơ, anh em cháu thảy đều chửa thành niên, lúc đó Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này. Bây giờ đem kẻ già này so với cháu thì bác thấy rất xấu hổ. Nhận được liên tiếp 2 lá thư của cháu, bác cảm thấy vừa buồn vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh sáng ban mai. Ngày xế đường cùng, chỉ sợ không được thấy ngày đó, làm sao bác không cảm thấy buồn cho chính mình được? Một đời tận khổ, gánh vác công chuyện một mình, được sức lớn của cháu giúp vào thì ắt sẽ có nhiều người hưởng ứng theo. Việc gây dựng lại giang sơn, ngoài cháu có ai để nhờ ủy thác gánh vác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn lao như thế, làm sao bác không cảm thấy vui mừng được?”.

Sự kỳ vọng của cụ Phan vào Nguyễn Ái Quốc đã không lầm khi Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu con đường cách mạng vô sản, xây dựng chính Đảng và lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập, việc mà bao thế hệ đi trước, trong đó có cụ Phan Bội Châu đã không thể thực hiện.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều