Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Gắn kết hơn nữa Quốc hội với cử tri

09:11, 24/11/2017

Chiều 24/11, sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự, tiếp tục ghi dấu sự đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Bản in

Chiều 24/11, sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự, tiếp tục ghi dấu sự đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 24/11. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 24/11. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động tiếp tục được thể hiện rõ tại Kỳ họp này. 

* Tiếp tục có nhiều đổi mới 

Điểm mới nổi bật của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV là thời gian truyền hình, phát thanh trực tiếp được tăng lên nhằm tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, nắm bắt kịp thời nhiều nội dung quan trọng của kỳ họp.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết trong tổng số 26 ngày làm việc có 11 ngày được phát thanh, truyền hình trực tiếp về 13 nội dung của kỳ họp. 

Trong đó có 2 nội dung lần đầu tiên bố trí thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội là việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. 

Các phiên thảo luận về kinh tế​-xã hội và ngân sách nhà nước tại kỳ họp này được tăng thêm thời lượng, qua đó thêm nhiều đại biểu Quốc hội được trao đổi, nêu quan điểm, đề xuất các phương án giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước. 

Không khí thảo luận dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, không chỉ trong khuôn khổ hội trường Diên Hồng mà thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, được truyền tải tới toàn dân. 

Có thể nhận thấy, hoạt động của Quốc hội công khai, dân chủ ngày càng được mở rộng, toàn dân cùng tham gia bàn những việc quan trọng của đất nước. 

Là kỳ họp cuối năm nên việc bàn thảo quyết định mục tiêu và giải pháp để phát triển kinh tế​-xã hội trong năm tới là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Kỳ họp này. 

Quốc hội đã quyết định mục tiêu tổng quát trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh... 

Các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định cụ thể để triển khai đồng bộ ngay trong những tháng đầu năm 2018. 

Ngay trong tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu; việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Lê Minh Khái. Công tác nhân sự tại Kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng luật định. 

Thực hiện chức năng giám sát tối cao, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã dành trọn một ngày để thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. 

Đây là vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm bởi Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) cũng vừa thông qua Nghị quyết một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Nhiều vấn đề nổi cộm trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước như bộ máy cồng kềnh, biên chế phình to; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; chất lượng cán bộ, công chức chưa đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ... đã được các đại biểu Quốc hội thẳng thắn phân tích, mổ xẻ và đưa ra những giải pháp, kiến nghị cụ thể. 

Trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới. 

Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội tiếp tục giám sát nội dung này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. 

Tại Kỳ họp này, lần đầu tiên nội dung về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được Quốc hội dành trọn 2 ngày bàn thảo và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đông đảo cử tri, nhân dân cùng theo dõi. Nội dung này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cả nước. 

Những phân tích, đề xuất, giải pháp của các đại biểu Quốc hội cũng như cơ quan hữu quan đã khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng công tác tư pháp, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng. 

[Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV bế mạc sau một tháng làm việc]

* Dân chủ, thẳng thắn 

Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung đặc biệt của kỳ họp, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước qua phát thanh, truyền hình trực tiếp. 

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 3 ngày đã giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề trong công tác quản lý, điều hành, giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. 

Đây cũng là lần đầu tiên, số lượng đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều nhất từ trước đến nay với 191 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 37 lượt đại biểu tham gia tranh luận. 

Đánh giá khái quát về phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi và xây dựng. 

Các nhóm vấn đề chất vấn được Quốc hội lựa chọn đều là những vấn đề bức xúc, được đông đảo cử tri và dư luận xã hội quan tâm. 

Đại biểu Quốc hội đã thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề. 

Tiếp nối những đổi mới tích cực và hữu hiệu trong các phiên chất vấn lần trước, tại kỳ họp này, quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội tiếp tục được thực hiện và phát huy, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng. Qua phần trả lời của các thành viên Chính phủ, đại biểu nào chưa hài lòng với câu trả lời có thể chất vấn lại, phản biện hoặc tranh luận thêm, làm rõ hơn nội dung chất vấn, đề cập sâu sắc từ nhiều góc độ và đi đến tận cùng của vấn đề. 

Cũng qua phần tranh luận, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ có thể giải trình cặn kẽ hơn những việc đã làm, đang làm hoặc chưa làm được, những khó khăn đặt ra, định hướng sắp tới và giải pháp khả thi. 

Phát huy kết quả khả quan của kỳ họp trước, Kỳ họp thứ 4 tiếp tục duy trì hình thức đối với mỗi nhóm vấn đề chất vấn, cùng với phần trả lời của các tư lệnh ngành, các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực đã trực tiếp tham gia giải trình, làm rõ những nội dung vượt quá thẩm quyền quản lý của một bộ, thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. 

Trong nửa ngày cuối cùng của phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ, trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ. 

Khác với các phiên chất vấn trước đây, tại Kỳ họp này, Quốc hội dành trọn một buổi làm việc để Thủ tướng Chính phủ trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội, làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm. 

Việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn của Thủ tướng theo đánh giá của nhiều đại biểu là đã đáp ứng mong đợi của cử tri, bởi chỉ có Thủ tướng trên cương vị của mình mới có thể trả lời thỏa đáng những vấn đề hệ trọng quốc gia. 

Cử tri cả nước đồng tình, đánh giá cao phiên chất vấn và trả lời chất vấn của thành viên Chính phủ đã thẳng thắn làm rõ nhiều vấn đề liên quan tới quốc kế dân sinh. Các bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu Chính phủ, mặc dù trong thời gian giới hạn nhưng đã thể hiện việc nắm chắc tình hình với tầm nhìn bao quát, phần trả lời rất rõ ràng, cầu thị, đi thẳng vào các vấn đề dư luận quan tâm, đáp ứng sự mong đợi của cử tri. 

* Nâng cao chất lượng xây dựng luật 

Trên cơ sở thảo luận nhiều lần, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 6 luật, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý nợ công, cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, phát triển lâm nghiệp, thủy sản, tăng cường, thúc đẩy công tác đối ngoại trong tình hình mới. 

9 dự án luật khác đã được Quốc hội xem xét để tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí... 

Trong đó đáng chú ý, dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt lần đầu tiên được Quốc hội xem xét, cho ý kiến để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về "xây dựng một số đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị."

Tại kỳ họp này, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tiếp tục được thảo luận lần thứ 2 với nhiều nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội và cử tri về các vấn đề quy định kê khai tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng... 

Đây là những nội dung được xác định là "điểm nghẽn" trong công tác phòng, chống tham nhũng đã được công khai thảo luận, không né tránh, với tinh thần xây dựng, quyết tâm cao nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. 

Với tính chất đặc biệt quan trọng, dự luật đã được Quốc hội đề nghị thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Điều này thể hiện sự thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng dự án Luật, góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng. 

Phát huy những kết quả tích cực tại kỳ họp trước, việc thảo luận các dự án luật tiếp tục có sự tham gia của các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan. 

Cuối mỗi phiên thảo luận, bộ trưởng, trưởng ngành trả lời, giải đáp các nội dung đại biểu Quốc hội còn băn khoăn, qua đó tạo sự thống nhất, đồng thuận cao giữa các đại biểu và cơ quan xây dựng pháp luật. 

Không chỉ tranh luận với ban soạn thảo, các đại biểu Quốc hội khi không đồng quan điểm với nhau về một nội dung, vấn đề, có thể giơ bảng để đăng ký tranh luận trở lại. 

Tại phiên thảo luận dự thảo Luật An ninh mạng sáng 23/11, đã diễn ra sự tranh luận sôi nổi giữa các đại biểu Quốc hội về tính cần thiết ban hành luật. Không chỉ phát biểu nêu quan điểm, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu phản biện rồi tranh luận trở lại và cuối cùng là giải đáp của Bộ trưởng Bộ Công an đã làm sáng tỏ, tạo đồng thuận về vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. 

Hình thức này tuy đã được thực hiện tại kỳ họp trước nhưng vẫn được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao bởi đã góp phần làm sáng tỏ vấn đề. 

Đề cao chất lượng các văn bản luật được ban hành, trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thống nhất thông qua dự thảo Luật Quy hoạch với đa số phiếu tán thành sau ba lần đưa ra để Quốc hội cho ý kiến. Thông thường các dự thảo Luật được Quốc hội thông qua theo quy trình cho ý kiến tại hai kỳ họp. 

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến (lần 2) về dự thảo Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, để triển khai thi hành Luật Quy hoạch cần phải sửa đổi nhiều luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất. 

Bởi vậy, Quốc hội đã quyết định tiếp tục đưa dự thảo Luật Quy hoạch để các đại biểu tiếp tục cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp này, qua đó bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án Luật. 

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tiếp tục ghi dấu tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. 

Các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm thể hiện mong muốn, nguyện vọng của cử tri đã được các đại biểu trao đổi, tranh luận, gửi gắm trong một tháng làm việc của Quốc hội.

Đây là nền tảng, tiền đề cho những hoạt động hiệu quả tiếp theo của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân./.

QUỲNH HOA (TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều