Báo Đồng Nai điện tử
En

Dùng thông tin tích cực trên báo chí để đẩy lùi thông tin tiêu cực trên mạng xã hội

11:11, 17/11/2017

Trong phiên chất vấn của Quốc hội vào ngày 17-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn đã đăng đàn giải trình các vấn đề liên quan.

Trong phiên chất vấn của Quốc hội vào ngày 17-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn đã đăng đàn giải trình các vấn đề liên quan.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

* Bảo đảm an toàn trong hoạt động thanh toán

Về vấn đề gian lận trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ đang có xu hướng ngày một gia tăng, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tập trung vào các quy định pháp lý về an ninh an toàn trong hệ thống; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và bảo mật hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hệ thống thanh toán thẻ; đẩy mạnh công tác truyền thông từ phía các ngân hàng cho người sử dụng thẻ về công tác bảo mật.

Về việc quản lý các công ty tài chính tiêu dùng, nhất là các công ty cho vay với lãi suất cao, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có quy định các công ty tài chính phải công bố công khai lãi suất điều kiện cho vay; ban hành quy định về phương pháp tính lãi. Những quy định này là rất minh bạch. Ngân hàng Nhà nước cũng có một nhóm giải pháp riêng để tăng cường việc cơ cấu lại các công ty tài chính, trong đó có hoạt động tài chính tiêu dùng với lộ trình áp dụng riêng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định về xếp hạng các tổ chức tín dụng, đánh giá định kỳ hàng năm theo các tiêu chí về vốn, chất lượng tài sản, năng lực quản trị, điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản và mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường... để nhà đầu tư và người gửi tiền tham khảo, từ đó đưa ra quyết định đầu tư.

Về phương án xử lý các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém, Thống đốc khẳng định các phương án xử lý đều phải đặt mục tiêu đầu tiên là bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, củng cố lòng tin của người dân; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, không để gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát.

* Hạn chế thông tin xấu, độc

Liên quan đến vấn đề thông tin giả, xuyên tạc, thông tin chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo vẫn còn nhiều, gây bất an dư luận và ảnh hưởng không tốt đến uy tín Đảng, Nhà nước, theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, bên cạnh những tiện ích rất lớn thì những tác hại do mạng xã hội đem lại không phải là nhỏ. Đó là những thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn. Bộ trưởng nêu lên một thực trạng là xúc phạm nhau trên mạng xã hội vì bất kỳ lý do gì đang là vấn đề nhức nhối, thậm chí có những người tự tử vì bị bôi xấu trên mạng xã hội. “Ném đá tập thể” trên mạng xã hội, tung ra những lời lẽ chửi bới, lăng mạ nhau trên mạng xã hội một cách bất chấp, không đặt mình vào vị trí của nạn nhân, dẫn đến tình trạng “năng lượng xấu” bắt đầu lấn lướt trên mạng xã hội. Trong khi đó, nói tốt trên mạng xã hội thì ít người quan tâm.

Bộ trưởng cho biết thời gian qua Bộ đã làm việc với nhiều cơ quan liên quan phối hợp xử lý để tăng cường “năng lượng tốt”, giảm bớt và đi đến hạn chế tối đa “năng lượng xấu” trên mạng xã hội. Bộ Thông tin - truyền thông đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài, đề nghị khi đã hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Vừa qua, bộ đã tác động để gỡ bỏ gần 5 ngàn clip xâm hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xâm hại đến quyền của cá nhân trên YouTube.

Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, báo chí hiện nay đang ở tình trạng bị mạng xã hội dẫn dắt, trong khi lẽ ra chính báo chí là hạt nhân dẫn dắt, định hướng thông tin đúng trên mạng xã hội. Năm 2016, Bộ đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với gần 150 cơ quan báo chí, nhiều nhất từ trước đến nay; trong đó vi phạm về đăng tải thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ rất lớn. Có thời điểm chỉ trong 1 tháng, hơn 70 cơ quan báo chí bị xử lý vì thông tin sai sự thật, riêng vụ nước mắm có 50 cơ quan báo chí bị xử lý.

* Xử lý mạnh tay với nhà báo vi phạm

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, thời gian tới Bộ sẽ rà soát lại tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí, rà soát lại việc cấp thẻ nhà báo cho phóng viên, rút thẻ nhà báo đối với những trường hợp vi phạm kỷ luật. Bộ cũng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định liên quan đến việc cấp các loại giấy tờ và các loại thẻ “nhầm lẫn” với thẻ nhà báo. Bộ trưởng thừa nhận có tình trạng phóng viên thường trú vi phạm pháp luật, hù dọa doanh nghiệp. Bộ đã kiên quyết xử lý các trường hợp không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích như xử phạt vi phạm hành chính, đình bản hoạt động, xử lý phóng viên thường trú, nhưng tình trạng này gần đây hầu như không giảm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là lựa chọn phóng viên thường trú ở một số cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử không đủ tiêu chuẩn, thậm chí sử dụng những phóng viên bị kỷ luật ở địa phương đưa sang làm phóng viên thường trú. Ngoài ra, một số phóng viên thường trú cấu kết với cộng tác viên đi hù dọa doanh nghiệp, kêu gọi quảng cáo. Nhiều cơ quan báo chí khi tổ chức văn phòng thường trú không đảm bảo các điều kiện nhất định về cơ sở vật chất, tài chính mà khoán trắng cho anh em thường trú nên phóng viên phải kêu gọi quảng cáo để nộp về cho tòa soạn.

Thời gian qua, bộ đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan liên quan lập 5 đoàn kiểm tra tại miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Bộ đang tổng hợp lại để xem xét, xử lý, đề ra giải pháp căn cơ, trong đó chính cơ quan báo chí phải cử đúng người, phóng viên đủ năng lực, trình độ; tổ chức văn phòng, cơ quan thường trú có đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ được giao. Một trong những giải pháp được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh là dùng thông tin tích cực trên báo chí để đẩy lùi thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

Tại phiên chất vấn chiều 17-11, làm rõ thêm các vấn đề về quản lý mạng xã hội, Chính phủ điện tử, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh định hướng quản lý với mạng xã hội theo hướng cái gì tốt thì ưu tiên phát huy, không tốt thì ngăn chặn với các biện pháp không vi phạm các cam kết quốc tế. Phó thủ tướng cũng đưa ra cảnh báo vấn đề an toàn, an ninh thông tin của Việt Nam đứng thứ trên 100, tức là trung bình yếu, nhưng các chỉ số liên quan cá nhân ở mức yếu nhất thế giới. Nguyên nhân lớn nhất là do chưa nhận thức rõ nguy cơ mất an toàn, an ninh từ cá nhân đến tổ chức. Đây là điều đáng báo động. Theo Phó thủ tướng phải có chủ quyền quốc gia về an toàn, an ninh thông tin, chủ quyền thứ 5 chính là không gian mạng.

Hà Lam (tổng hợp)


 

 

Tin xem nhiều