Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa biển đảo đến gần học sinh

07:11, 16/11/2017

Thiếu tá Trần Trung Dũng, Trợ lý tuyên huấn của Vùng 2 Hải quân, là gương mặt thân quen với nhiều giáo viên và học sinh ở Đồng Nai. Người sĩ quan trẻ đã mang biển đảo đến gần hơn qua những câu chuyện sinh động và đầy cảm xúc.

Thiếu tá Trần Trung Dũng, Trợ lý tuyên huấn của Vùng 2 Hải quân, là gương mặt thân quen với nhiều giáo viên và học sinh ở Đồng Nai. Người sĩ quan trẻ đã mang biển đảo đến gần hơn qua những câu chuyện sinh động và đầy cảm xúc.

Thiếu tá Trần Trung Dũng chia sẻ những câu chuyện về biển đảo với học sinh Đồng Nai.
Thiếu tá Trần Trung Dũng chia sẻ những câu chuyện về biển đảo với học sinh Đồng Nai.

Những buổi nói chuyện về biển đảo cho học sinh của Thiếu tá Dũng thường rất sôi động và hào hứng. Học sinh có khi trật tự lắng nghe chăm chú, có khi lại vang lên những tiếng vỗ tay tán thưởng.

* Duyên với màu áo hải quân

Thiếu tá Dũng năm nay 35 tuổi, quê anh ở thành phố cảng Hải Phòng. Tốt nghiệp Học viện Hải quân với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành tên lửa pháo tàu, anh Dũng được phân công về nhận nhiệm vụ tại Vùng 2 Hải quân tại Đồng Nai. Anh có 4 năm liên tục chỉ huy dây chuyền lắp ráp tên lửa. Nhờ nắm vững kiến thức biển đảo kết hợp với năng khiếu văn nghệ nên anh được chuyển sang ngạch chính trị.

Chia sẻ về những thú vị của người chiến sĩ hải quân, anh Dũng cho biết đã có rất nhiều chuyến công tác ra các đảo và nhà giàn DK1 thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm thú vị và nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong mỗi chuyến công tác anh lại được cùng sinh hoạt, cùng chia sẻ với đồng đội của mình về cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trên đảo, được truyền thêm cảm xúc tự hào về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong buổi nghe Thiếu tá Trần Trung Dũng nói chuyện về biển đảo cuối tháng 10-2017, em Nguyễn Đức Trung, học sinh Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa) cảm nhận: “Lần đầu tiên được trực tiếp nghe chuyện biển đảo từ một sĩ quan hải quân, em thấy rất sinh động, thực tế và đầy xúc động. Những câu chuyện của anh Dũng đã giúp em hiểu nhiều hơn về truyền thống đấu tranh bảo vệ biển đảo của các chiến sĩ hải quân, sự hy sinh thầm lặng mà các anh đang hàng ngày trải qua để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Có lần anh Dũng được đơn vị phân công đi công tác Trường Sa cùng với Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Thưởng (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) bằng thủy phi cơ DHC-6. Nhờ chuyến đi đặc biệt này, anh đã được ngắm toàn cảnh Trường Sa từ trên cao, thấy được hình ảnh lá cờ Tổ quốc bằng gốm đỏ tươi với ngôi sao vàng 5 cánh khẳng định chủ quyền thiêng liêng.

Ngoài công việc chính tại đơn vị, anh Dũng thường xuyên tham gia nói chuyện chuyên đề về biển đảo với học sinh các trường ở một số tỉnh, thành khu vực phía Nam, trong đó có Đồng Nai. Anh Dũng làm công việc này đều đặn từ năm 2015 đến nay và số lượt học sinh được tiếp thu các kiến thức về biển đảo mỗi năm một tăng lên, như năm 2015 là trên 10 ngàn lượt học sinh thì năm 2016 là 16 ngàn. Từ đầu năm 2017 đến nay, anh đã nói chuyện cho trên 40 ngàn học sinh, trong đó phần lớn là ở Đồng Nai.

* Chuyện về biển đảo không khô khan

Nói về công việc tuyên truyền đưa biển đảo đến gần với học sinh, anh Dũng cho hay: “Mang kiến thức lịch sử và những câu chuyện đời thường về cuộc sống của người lính biển kể cho học sinh nghe là công việc mà tôi rất đam mê. Qua đó học sinh trở nên hiểu và yêu mến người lính biển chúng tôi hơn, đặc biệt là các em tự hào về biển đảo quê hương; cảm thấy có trách nhiệm thiêng liêng: sẵn sàng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”.

Để học sinh hào hứng với những kiến thức khô khan về biển đảo, anh Dũng chia sẻ: “Tôi thường không đọc văn bản, lý luận trên bục phát biểu với  học sinh mà thường hòa cùng với các em để kể những câu chuyện chân thực và hào hùng nhất về lịch sử biển đảo Việt Nam, về đời sống của người lính biển mà tôi đã được tìm hiểu và trải nghiệm thực tế qua những chuyến công tác của mình”.

“Chúng tôi truyền  tình yêu biển đảo cho học sinh bằng suy nghĩ và thái độ sống tích cực. Có không ít học sinh đã từng rơi nước mắt vì xúc động khi nghe tôi kể những câu chuyện về sự hy sinh, thiếu thốn thầm lặng mà cao cả của những người lính biển” - anh Dũng cho biết. Xen vào những câu chuyện anh Dũng còn thể hiện sự hòa đồng với học sinh bằng tài năng đàn hát. Nhiều học sinh rất thích thú và hào hứng khi được nghe anh đàn và hát về những ca khúc viết về biển và người lính.

Anh Dũng kể, có lần trong một cuộc nói chuyện, một em học sinh bày tỏ mong muốn được trở thành người chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam nhưng lại băn khoăn bởi điều kiện công tác ở biển đảo gian nan, vất vả như vậy, liệu đi rồi có cơ hội về nhà không? Anh Dũng đã trả lời: “Những người lính biển chúng tôi đã ra đi thì không sợ hy sinh mà chỉ có Tổ quốc là trên hết. Có thể có người không trở về nhưng cái họ để lại cho đất nước chính là sự bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc và sự hy sinh ấy sẽ mãi được ghi nhận lưu danh muôn đời sau”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích