Là một trong những đơn vị chủ lực của Quân đoàn 4, đứng chân trên địa bàn thuộc phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa), Sư đoàn 309 luôn luôn chú trọng đến chất lượng từng bữa ăn cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là từ việc phát huy vai trò của đội ngũ nhân viên quản lý bếp ăn.
Là một trong những đơn vị chủ lực của Quân đoàn 4, đứng chân trên địa bàn thuộc phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa), Sư đoàn 309 luôn luôn chú trọng đến chất lượng từng bữa ăn cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là từ việc phát huy vai trò của đội ngũ nhân viên quản lý bếp ăn.
Các nhân viên quản lý bếp ăn tham gia thuyết trình phần thi nấu ăn lễ, Tết |
Mới đây (từ 24-9 đến 7-11), đơn vị đã tổ chức Hội thi “Nhân viên quản lý bếp ăn giỏi” năm 2017 để cho các “Anh nuôi” trong toàn sư đoàn có dịp so tài và thể hiện hết khả năng.
* Không chỉ là việc đứng bếp
Công tác tại Sư đoàn 309 đã hơn 21 năm, Đại úy Phạm Văn Phạ đã có hơn 5 năm làm nhân viên quản lý bếp ăn tại Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309). Theo Đại úy Phạ, thì trách nhiệm của một nhân viên quản lý bếp ăn là phải nắm chắc tiêu chuẩn, chế độ …theo quy định; hiểu được ý tưởng của người chỉ huy, chuyên môn cấp trên và chủ động nắm bắt phản hồi của các cán bộ, chiến sĩ về khẩu vị và nhu cầu ăn uống...
Đại úy Phạ cho biết, trên cơ sở các loại thực phẩm đã tự túc được từ nguồn tăng gia sản xuất của đơn vị…, người quản lý bếp ăn phải chủ động xây dựng kế hoạch thực đơn tuần, đăng ký thực phẩm tại trạm chế biến, làm tốt công tác quản lý, điều hành từ kho đến tiếp nhận thực phẩm, phân chia thực phẩm ra từng bữa ăn; bảo quản, vệ sinh, sơ chế, chế biến, chia ăn…cho đến việc đăng ký thống kê sổ sách, cập nhật công khai tài chính hàng ngày…
Lãnh đạo Sư đoàn 309 trao phần thưởng cho các cá nhân đạt giải tại hội thi |
“Một yếu tố hết sức quan trọng nữa đó là Bếp ăn còn xây dựng 3 tiêu chí an toàn, gồm: an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn trong sử dụng bếp lò hơi cơ khí và an toàn trong chế biến” – Đại úy Phạ nói.
Sau hơn 1 tháng tổ chức, tại Lễ bế mạc hội thi, Sư đoàn 309 đã trao 5 giải cá nhân và 3 giải tập thể. Trong đó, giải Nhất cá nhân thuộc về Đại úy Phạm Văn Phạ, nhân viên quản lý bếp ăn Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31 và giải Nhất tập thể thuộc về đơn vị Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31. |
Còn Đại úy Nguyễn Thanh Tú, người đã có trên 26 năm công tác trong quân đội, hiện là nhân viên quản lý bếp ăn Tiểu đoàn Quân y 24 (Sư đoàn 309) thì cho hay, Tiểu đoàn Quân y 24 là đơn vị đặc biệt, vì ngoài khẩu phần cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị, bếp ăn còn phải trực tiếp bảo đảm khẩu phần ăn cho bệnh nhân đang điều trị, dưỡng bệnh.
Do khẩu phần ăn tăng thêm, việc xây dựng thực đơn đặc biệt cho người bệnh đòi hỏi tính thiết thực về khẩu vị, gia vị để họ ăn ngon, ăn nóng, ăn hết tiêu chuẩn. Ngoài ra, do đang là người bệnh nên thời gian ăn uống có lúc thất thường, bệnh nhân có thể đòi hỏi cho ăn đột xuất để giữ sức…
“Là những người quản lý bếp ăn, chúng tôi phải trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng làm theo kiểu cầm tay chỉ việc và cùng chia sẻ kinh nghiệm với chiến sĩ nuôi quân để mọi người, ai cũng có thể làm việc, đảm bảo hoàn thiện từng bữa ăn cho bộ đội” - Đại úy Nguyễn Thanh Tú tâm sự.
* Ấn tượng một kỳ thi
Đại tá Lê Văn Hạnh, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 309 cho hay, trong 5 năm trở lại đây, đây là lần thứ 4 đơn vị tổ chức hội thi về ngành Quân nhu (có năm thi cấp Bộ; có năm thi cấp Quân đoàn). Nhưng đây là lần đầu đơn vị tự tổ chức thi ở cấp Sư đoàn với 12 đầu mối bếp ăn và 12 thí sinh tham gia thi.
Đại úy Phạm Văn Phạ (trái) hướng dẫn cho chiến sĩ nuôi quân cách sử dụng máy cắt thịt để làm bữa ăn hàng ngày |
Có thể nói đây là hội thi quy mô nhất, chặt chẽ nhất từ việc xây dựng kế hoạch vào đầu năm đến kế hoạch chi tiết và thành lập ban tổ chức hội thi, hướng dẫn thi gồm nhiều nội dung cá nhân và tập thể…
Đại tá Lê Văn Hạnh cho biết: “Thông qua từng nội dung thi, đơn vị sẽ biết được những nội dung còn tồn tại, hạn chế, thiếu sót; thấy được vai trò, trách nhiệm của các cấp chỉ huy và đặc biệt là nắm rõ được trình độ, tâm huyết của từng nhân viên quản lý bếp ăn...để tập trung khắc phục...”.
Ngoài 5 nội dung thi cá nhân (gồm: công tác xây dựng chính quy ngành quân nhu; xây dựng thực đơn tuần; làm sổ sách thường xuyên; thi trắc nghiệm kiến thức tổng hợp về ngành quân nhu và nấu ăn lễ, Tết), Hội thi còn chấm thêm điểm về trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy của các cơ quan, đơn vị có tổ chức bếp ăn.
“Điều này đòi hỏi chỉ huy các cấp không thể đứng ngoài cuộc, phó mặc cho chuyên môn cấp dưới, mà phải thường xuyên quán xuyến, chỉ huy, chỉ đạo chặt chẽ, nắm chắc tình hình để tổ chức làm tốt việc nuôi dưỡng bộ đội tại cơ quan, đơn vị...” - Đại tá Lê Văn Hạnh nói.
Bài và ảnh: Đăng Tùng