Sau 4 năm thi công, ngày 30-4-1988, Thủy điện Trị An đã khánh thành đi vào hoạt động. Đây là thành quả của tình hữu nghị Việt - Xô, bởi công trình này đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía Liên Xô cũ.
Sau 4 năm thi công, ngày 30-4-1988, Thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu) đã khánh thành đi vào hoạt động. Đây là thành quả của tình hữu nghị Việt - Xô, bởi công trình này đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía Liên Xô cũ.
Thủy điện Trị An - công trình “để đời” của tình hữu nghị Việt - Xô. |
Trong giai đoạn xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An, có những thời điểm phía Liên Xô đã cử sang Đồng Nai khoảng 500 chuyên gia, kỹ sư để hỗ trợ Việt Nam sớm hoàn thành dự án, giải quyết tình trạng thiếu điện nghiêm trọng của các tỉnh phía Nam lúc bấy giờ. Với công suất 400 MW vào thời điểm đó, Thủy điện Trị An có công suất lớn thứ 2 trên cả nước.
Hàng vạn người tham gia
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, Thủy điện Trị An là công trình lớn của quốc gia. Để hoàn thành công trình này, trong thời gian ngắn nhất đã có nhiều chuyên gia, kỹ sư của Liên Xô cũ sang góp sức cùng với các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam thi công.
Thời đó, nhiều công đoạn còn phải làm thủ công nên công trình thu hút khá đông lao động làm việc, trung bình khoảng 8-10 ngàn người. Đặc biệt vào giai đoạn cao điểm năm 1987, đã có khoảng 19 ngàn lao động được huy động về đây để làm việc.
Thủy điện Trị An bắt đầu khởi công vào ngày 30-4-1984 và khánh thành đi vào vận hành tổ máy đầu tiên vào ngày 30-4-1988. Công trình có 2 tổ máy, công suất 400 MW. Dung tích của hồ chứa hơn 2,76 tỷ m3, cao trình của mực nước hồ 62m. Để thực hiện công trình, các lao động của Đồng Nai và nhiều tỉnh thành đã đào lấp khối lượng đất đá khoảng 23 triệu m3, dùng 73 ngàn tấn kết cấu sắt thép, thiết bị và 580 ngàn tấn bê tông. Sản lượng điện cung cấp cho lưới điện quốc gia hiện nay khoảng 1,8-1,9 tỷ kWh. |
Ông Võ Tấn Nhẫn, Phó giám đốc Công ty thủy điện Trị An, người đã có 30 năm gắn bó với thủy điện, nhớ lại: “Tôi là một trong số những kỹ sư trẻ được điều về Thủy điện Trị An ngay khi nhà máy khánh thành và đi vào hoạt động. Công trình xây dựng nhanh, sớm phát điện là niềm vui, niềm tự hào của người dân Đồng Nai cũng như cả nước lúc bấy giờ và trong ấy còn xen lẫn lòng cảm kích các chuyên gia, kỹ sư Liên Xô đã hết lòng chung sức hỗ trợ”.
Các chuyên gia, kỹ sư Liên Xô cũ đã cùng miệt mài làm việc không kể ngày đêm cùng phía Việt Nam để công trình hoàn thiện đảm bảo tốt nhất về kỹ thuật.
Thủy điện Trị An được xây dựng thành công, trong đó có công sức rất lớn từ phía Liên Xô cũ. Bởi các bạn nước Nga đã giúp đỡ Việt Nam từ khâu thiết kế đến con người, máy móc thiết bị và đào tạo lớp kỹ sư, công nhân có tay nghề cao cho phía Việt Nam để có thể tiếp quản, vận hành tốt khi họ rút về.
Theo ông Trịnh Phi Anh, nguyên Giám đốc Công ty thủy điện Trị An, ngoài đưa người sang học tập tại Nga, phía Liên Xô còn cử nhiều giáo sư, tiến sĩ trên lĩnh vực này sang tận nơi để đào tạo về quản lý, kỹ sư, công nhân cho phía Việt Nam.
Các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, kỹ sư Liên Xô rất nhiệt tình, cũng chính vì vậy năm 1990 khi họ về nước giao lại toàn bộ công trình Thủy điện Trị An lại cho Việt Nam quản lý, vận hành và phát điện rất thuận lợi, không gặp bất cứ vướng mắc gì.
“Công trình Thủy điện Trị An là thành quả của tình hữu nghị Việt - Xô. Tôi nghĩ đến bây giờ chắc nhiều chuyên gia, kỹ sư, người lao động của phía Liên Xô cũ và Việt Nam từng tham gia xây dựng Thủy điện Trị An vẫn khó quên được những kỷ niệm ngày ấy, tuy vất vả nhưng mọi người cùng đồng lòng dốc sức để hoàn thành công trình” - ông Anh chia sẻ.
Thủy điện đa mục tiêu
Đến nay, Thủy điện Trị An đã lùi về vị trí thứ 5 trong danh sách xếp hạng cung cấp điện, và lượng điện cung cấp được so với những công trình khánh thành sau không lớn. Tuy nhiên, đây là công trình đa mục tiêu nên mang những chức năng khác nhau, như: điều tiết lũ, cấp nước và phát điện.
Nhiều người dân ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai sau đập Thủy điện Trị An cho hay, từ ngày có Thủy điện Trị An điều tiết lũ nên vùng hạ du bớt bị ngập lụt và vào mùa khô cũng đỡ bị xâm nhập mặn thiếu nước sản xuất, sinh hoạt.
Ông Lê Văn Tự (ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Trước khi có Thủy điện Trị An, khu vực này vào mùa mưa hay bị ngập ở những khu vực ven sông. Song từ khi có hồ đập thủy điện tích nước và điều tiết nên vùng hạ du ít bị ngập lụt. Do đó, những vùng ven sông phát triển trồng bưởi và các cây trồng khác rất tốt, giúp nông dân có thu nhập ổn định hơn, đồng thời về mùa khô nhà máy xả tràn để đẩy mặn, cung cấp thêm nước ngọt cho hạ du sản xuất”.
Hiện nay, biến đổi khí hậu ngày một diễn biến tiêu cực, xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền, hồ Trị An đóng vai trò rất quan trọng trong việc đẩy mặn để cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân của Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, Thủy điện Trị An ngoài cung cấp điện cho lưới điện quốc gia còn thực hiện tương đối tốt vai trò điều tiết lũ và đẩy mặn.
Gần 30 năm qua, Thủy điện Trị An dưới sự hỗ trợ của Liên Xô cũ vẫn hoạt động ổn định. Máy móc thiết bị của nhà máy hầu hết của phía Liên Xô cũ cung cấp đến nay vẫn hoạt động tốt và trong cả 3 thập niên qua không xảy ra bất kỳ sự cố nào.
Hương Giang