Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổng rà soát, loại ra khỏi bộ máy những người không làm được việc

12:10, 31/10/2017

Thực trạng các đơn vị sự nghiệp công lập, đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này nói riêng cũng như đổi mới bộ máy hành chính nhà nước nói chung...

Thực trạng các đơn vị sự nghiệp công lập, đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này nói riêng cũng như đổi mới bộ máy hành chính nhà nước nói chung; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền hợp lý giữa trung ương và địa phương; đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của các cơ quan lập pháp và tư pháp; tổng rà soát, loại ra khỏi bộ máy những người không làm được việc… là những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, chiều 30/10. 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Còn nể nang, né tránh 

Phân tích của đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) và Phạm Quang Dũng (Nam Định) cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay còn rất chậm và hiệu quả thấp. Tính đến năm 2016, số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập ở các cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đều tăng lên so với năm 2011 và chưa có xu hướng giảm. Cấp bộ tăng 54 đơn vị, cấp tỉnh tăng 238 đơn vị, cấp huyện tăng 2.378 đơn vị. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập nhất là các địa phương tăng nhanh. 

[Tăng biên chế, tăng số lượng lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian]

Trong hai năm 2015-2016, mặc dù thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị nhưng số biên chế sự nghiệp cả nước vẫn tăng 5.401 người; trong đó tăng mạnh ở các đơn vị sự nghiệp thuộc các bộ ngành Trung ương. Năm 2015, cả nước có 30.219 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ tài chính trong đó số đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động chiếm tỷ lệ rất thấp: 3,7%; số đơn vị hoạt động tự bảo đảm một phần chi phí chiếm 35,8% và số đơn vị vẫn phải do ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ chi phí hoạt động chiếm 60,5%.

Phân tích nguyên nhân, đại biểu Hà Thị Minh Tâm cho rằng việc giao quyền cho các đơn vị và chính quyền địa phương sử dụng biên chế sự nghiệp là quá rộng dẫn đến tình trạng sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả. Có thể cơ cấu lại tổ chức sự nghiệp nhưng việc tinh giản biên chế trong các đơn vị này là rất khó khăn. Khi chưa có cơ chế xử lý linh hoạt và thật hữu hiệu; trong khi đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức còn rất hình thức, còn hiện tượng nể nang, né tránh, việc đưa những người không đủ năng lực, vi phạm đạo đức ra khỏi bộ máy là rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc giao quyền cho nhiều cơ quan thực hiện quyết định quản lý biên chế hiện nay chưa khoa học dẫn đến thực trạng quản lý thiếu tập trung, không thống nhất, làm tăng biên chế, nhất là biên chế viên chức, người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua. 

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Dương Minh Tuấn (Vũng Tàu) băn khoăn về việc phân cấp trong thẩm định phê duyệt tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đại biểu trước khi Hội đồng Nhân dân thẩm định thông qua số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thì 63 tỉnh, thành phải “xách cặp ra Hà Nội để đối chiếu chỉ tiêu với Bộ Nội vụ rồi quay về trình Hội đồng Nhân dân thông qua, điều này khiến hoạt động của Hội đồng Nhân dân trở nên hình thức.”

Đại biểu đề nghị khi đã phân cấp cho Hội đồng Nhân dân thì để cho Hội đồng Nhân dân thẩm định. Nếu thẩm định sai, ra nghị quyết không đúng, Bộ có thể “tuýt còi". Nếu “tuýt còi vẫn không nghe thì báo cáo Chính phủ để ngừng thi hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân. Như vậy, hàng năm 63 tỉnh sẽ không phải mất công ra Hà Nội và bảo đảm quyền lực đích thực của Hội đồng Nhân dân.” 

“Bắt bệnh” và “trị bệnh” cho bộ máy
Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu thảo luận. (Ảnh: Phương HoaTTXVN)
Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu thảo luận. (Ảnh: Phương HoaTTXVN)
Mổ xẻ các nguyên nhân để tìm ra giải pháp cải cách bộ máy hay nói ví von như đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) là “bắt bệnh” và “trị bệnh” là điều nhiều đại biểu quan tâm đề cập. 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) việc chậm thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính có nguyên nhân từ việc phân cấp, phân quyền chưa đạt yêu cầu, chưa được thực hiện một cách mạnh mẽ, có “độ vênh” giữa quyền lợi thu được với trách nhiệm của người đứng đầu hoặc bộ phận công chức thực hiện nhiệm vụ. Địa phương cũng có phần thiếu chủ động và còn ỷ lại nên chưa chủ động đề xuất. Mặt khác, các cơ quan của Trung ương, Chính phủ, bộ, ngành chưa thực sự cầu thị lắng nghe đề xuất, kiến nghị của chính quyền địa phương. 

Còn theo đại biểu Lê Thanh Vân, có 2 nguyên nhân căn bản gốc rễ, đó là hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước là hình thức tổ chức thuộc quyền hành pháp nhưng thời gian qua nguyên lý này chưa thực hiện đúng. Kiểm soát quyền lực và phân công quyền lực là gốc rễ của mọi vấn đề, trong khi đó lại nhấn mạnh đến phối hợp và từ phối hợp “đẻ” ra một loạt các cơ chế trung gian, một loạt ban chỉ đạo và đùn đẩy trách nhiệm khi có sự việc. 

Một nguyên nhân nữa là Quốc hội phân công quyền lực chủ yếu là các thiết chế quyền lực ở trung ương và giao nhiệm vụ cơ bản, trong khi đó không kiểm soát được sự kết hợp giữa ngân sách và biên chế. Quốc hội kiểm soát ngân sách nhưng biên chế ở Chính phủ lại do Chính phủ quyết định. Còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ủy quyền lập pháp thì chủ yếu là phân bổ chỉ tiêu biên chế cho các cơ quan Tư pháp và Kiểm toán nhà nước cho nên cân đối nguồn lực giữa ngân sách và bộ máy luôn luôn thâm hụt và hàng năm thường phải điều chỉnh. 

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, chúng ta chưa xây dựng được thể chế nhân sự hoàn chỉnh đủ điều kiện, đủ căn cứ làm công thức cho việc đánh giá cán bộ, tuyển chọn, lựa chọn và sử dụng cán bộ. Vì vậy, trên thực tế không đong đếm được số lượng và càng không đong đếm được chất lượng cán bộ, nên có tình trạng cán bộ đông nhưng chất lượng thì kém và đặc biệt việc tuyển chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn yếu. 

Để công tác quản lý nhà nước mang tính vĩ mô của Chính phủ và các bộ, ngành được tập trung hơn, phát huy năng lực, sự chủ động sáng tạo của chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng chính quyền địa phương cần phải chủ động đề xuất, kiến nghị để được phân cấp và phân quyền bằng những đề án cụ thể. Muốn như vậy thì chính quyền địa phương phải chứng minh được năng lực, tính tích cực trong các việc đề nghị phân cấp, phân quyền, chứng minh được đội ngũ của mình và tư duy đổi mới trong quản lý, đáp ứng các yêu cầu được đề nghị phân cấp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt vấn đề này đối với chính quyền địa phương để tạo được sự chủ động. Chính phủ và các bộ, ngành chủ động phân cấp, phân quyền, đánh giá đúng tình hình, yêu cầu, năng lực của chính quyền địa phương để phân cấp. 

Đại biểu Lê Thanh Vân thì đề cập đến một loạt giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến sự cần thiết thành lập ban chỉ đạo ở Trung ương để thực hiện quyết liệt các nghị quyết của Trung ương Đảng về đổi mới hệ thống chính trị, do Tổng Bí thư đứng đầu. 

“Tôi nghĩ rằng là thời gian qua Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng Trung ương đã làm rất xuất sắc, cần phải có một sự chỉnh đốn thực sự chấn hưng với một ban chỉ đạo đủ tầm như vậy. Cần phân định chức năng của hệ thống hành pháp theo 3 nhóm: một là hành chính chính trị tức tập trung vào việc ban hành thể chế và các giải pháp thực hiện các quyết định lập pháp. Hai là, hành chính công vụ tức tập trung vào kiểm soát hành vi tuân thủ pháp luật và thứ 3 là hành chính tư pháp để kiểm tra hệ thống hành chính bảo đảm cho cơ thể hành chính lành mạnh, phát triển đúng hướng,” đại biểu nói. 

Ông cũng đề cập đến giải pháp hoàn thiện chế độ công vụ, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế và nhân sự theo hướng đi sâu định ra được các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để tuyển dụng, định ra số lượng để định ra tiêu chuẩn cán bộ, làm sao chọn được đội ngũ cán bộ thực sự xuất sắc. Các chức danh bổ nhiệm nhất thiết phải thi tuyển và chức danh do bầu cử thì phải đề xuất được chương trình hành động, thực hiện được lời hứa của mình trong nhiệm kỳ. Nếu ai không ngang tầm với nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, lập tức phải thay thế ngay. 

Bên cạnh đó là các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng như phương thức tổ chức hoạt động của các cơ quan lập pháp và tư pháp. 

“Với Quốc hội, có nhiều chuyện phải bàn và chính Quốc hội phải tự đổi mới mình khi Quốc hội trao cho Chính phủ quá nhiều quyền thì hệ thống hành pháp sẽ không còn thời gian để tập trung vào điều hành nữa, vì tập trung quá nhiều thời gian làm thể chế,” đại biểu Lê Thanh Vân thẳng thắn. 

Một vấn đề mà theo đại biểu là cần làm ngay, đó là tổng rà soát lại tiêu chuẩn, tiêu chí để loại ra khỏi bộ máy những người không làm việc được, đặc biệt là tập trung vào nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý. 

“Vừa qua, tình trạng gian dối bằng cấp, khai man lý lịch, dối trên lừa dưới diễn ra rất phổ biến. Nếu chỉnh đốn ngay từ chính những nhóm cán bộ chủ chốt này thì sẽ chuyển động cả bộ máy,” đại biểu Vân nhận định. 

Quyết tâm không tăng thêm đầu mối và biên chế
Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Giải trình, làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã rà soát chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, đảm bảo một việc giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính. 

Đề cập tới những giải pháp trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ Chính phủ sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Chính phủ giao Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi, trách nhiệm của mình rà soát lại các luật, nghị quyết của Quốc hội… nếu có hạn chế, vướng mắc, chồng chéo về phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy thì cần được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn trong quản lý Nhà nước của Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực, các cấp hành chính và giữa các cơ quan cùng cấp theo nguyên tắc: một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý cho bộ, ngành, địa phương. 

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, Chính phủ sẽ sắp xếp lại cấp phòng, cục, vụ; kiện toàn các cơ quan của Chính phủ, tránh trùng lắp ở các cơ quan cấp bộ. 

“Các cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ, tính chất đặc thù có mô hình tổ chức phù hợp và không nhất thiết tổ chức như mô hình cấp bộ; một số lĩnh vực theo ngành dọc có thể sắp xếp theo liên huyện, liên tỉnh,” Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh. 

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Chính phủ sẽ khẩn trương ban hành Nghị định về văn bản quy định tiêu chí xác định biên chế của các bộ, ngành địa phương trên cơ sở phân loại cơ quan, đơn vị hành chính; giao bộ, ngành địa phương chủ động sử dụng biên chế được phê duyệt đồng thời thực hiện bằng được mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% tổng biên chế được giao năm 2015; từ năm 2018, bình quân mỗi năm giảm 2,5% trong cả hệ thống chính trị. Quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy không tăng thêm đầu mối và biên chế; đẩy mạnh cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo Đề án vị trí việc làm để nâng cao năng suất lao động và giảm áp lực tăng biên chế. Các đơn vị bộ, ngành, địa phương chưa sử dụng hết biên chế thì xem xét, đánh giá lại để cắt giảm lại cho phù hợp./. 

THANH VÂN-PHAN PHƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều